Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Tiềm lực quân sự Trung Quốc chỉ đáng “vuốt đuôi” Mỹ (Kỳ 1)

Vì sao Trung Quốc không thể trở thành một siêu cường?

 Không thể phủ nhận, những năm qua Trung Quốc đã có những tiến triển rất đáng kể về mặt quân sự. Nhưng sự lớn mạnh của nước này thực chất tới mức nào, đã xứng tầm siêu cường quân sự chưa hay mới chỉ đáng là “học trò” của Mỹ?

“Dọa” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bằng “hàng nhái” J-20

Trung Quốc đang ôm mộng soán ngôi Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu. Tuy nhiên, khi đánh giá một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực: kinh tế, quân sự, xã hội và “quyền lực mềm”, giới quan sát đều có chung một nhận định: Giấc mơ đó còn rất xa!

Tháng 1/2011, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Robert Gates tới Bắc Kinh (9/1), truyền thông Trung Quốc đồng loạt cho đăng tải những hình ảnh lần đầu tiên được công bố về chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến thế hệ 5 – mà họ gọi là “Đại bàng đen” J-20.

Không cần phải là một chuyên gia quân sự hay nhà nghiên cứu về Trung Quốc cũng có thể nhận thấy đó rõ ràng là tín hiệu “khoe hàng” của Bắc Kinh. Chẳng thế mà, một cựu trung tướng Không quân Trung Quốc từng khoe mẽ: “J-20 đã vượt qua giới hạn kỹ thuật mà nhân loại biết đến”. Nhưng thật trớ trêu, ngay sau đó, báo chí quốc tế liên tiếp đăng tải các bài viết cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ của Nga, Mỹ cho J-20. Đây không khác gì một đòn đánh thẳng vào “niềm tự hào” của nền công nghệ quân sự Trung Quốc.

 

Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc được cho là đã làm nhái từ chiếc F-117 Nighthawk của Mỹ bị bắn rơi tại Serbia năm 1999
Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc được cho là đã làm nhái từ chiếc F-117 Nighthawk của Mỹ bị bắn rơi tại Serbia năm 1999

 

Chuyên gia phân tích không quân Richard Aboulafia thuộc Tập đoàn đánh giá quốc phòng danh tiếng Teal Group trong bài viết đăng tải trên trang mạng Defensetech đã chỉ rõ: Trong số 11 tiêu chí so sánh về khả năng không chiến và mức độ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu giữa J-20 (Trung Quốc) và F-35 (Mỹ) thì J-20 chỉ đáp ứng được đúng 1 tiêu chí (khả năng bị phát hiện thấp). “Tôi không tin rằng Không quân Trung Quốc lại thỏa mãn được thêm tiêu chí nào nữa”, Aboulafia nói.

Gary Li, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London cho biết thêm: “Về góc độ tàng hình, J-20 dù đáp ứng được các yêu cầu của Trung Quốc nhưng còn kém xa so với F-22 Raptor của Mỹ”.

J-20 cũng chỉ là một ví dụ điển hình về công nghệ quân sự “nhái” của Trung Quốc. Sau J-20, nước này liên tục trình làng các hệ thống vũ khí mới như tàu sân bay Liêu Ninh, chiến đấu cơ J-15, J-31… Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả các thiết được Trung Quốc chính thức hoặc không chính thức quảng bá rầm rộ đều có dấu ấn “ngoại lai”.

Chi cho quốc phòng: Trung Quốc chỉ là “chú em” của Mỹ

Sự khác biệt về khả năng chiến đấu giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc (PLA) mới là điều đáng nói. Xét về tất cả các khía cạnh khuyếch trương sức mạnh, Trung Quốc đều thua Mỹ. Hải quân Mỹ hiện có 22 tàu tuần dương phóng tên lửa và 10 tàu sân bay đang hoạt động được hộ tống đầy đủ bằng các nhóm tác chiến xung quanh chúng.

Trong khi đó, Trung Quốc không có bất cứ tàu tuần dương nào và chỉ có duy nhất một tàu sân bay (Liêu Ninh), chủ yếu được dùng cho mục đích huấn luyện và về mặt công nghệ thì theo đánh giá của TS. Sam Perlo Freeman của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) là còn “thua xa Mỹ nhiều thập kỷ”.

 

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - “miếng mồi ngon” của các hệ thống tên lửa
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – “miếng mồi ngon” của các hệ thống tên lửa

Về ngân sách quốc phòng, theo SIPRI, năm 2012 chi tiêu quân sự của Trung Quốc là 166 tỷ USD, tương đương với khoảng 9,5% chi tiêu quân sự toàn cầu. Con số này khá ấn tượng nếu chỉ nhìn một cách đơn lẻ. Tuy nhiên, khi so sách với Mỹ, Trung Quốc vẫn chỉ là “chú em”. Trong cùng năm, nước Mỹ đã chi 682 tỷ USD, chiếm khoảng gần 40% chi tiêu toàn cầu. Nói cách khác, về mặt chi tiêu quân sự, Trung Quốc chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ nhưng khoảng cách về mức độ chi tiêu giữa hai quốc gia còn quá lớn.

Các hệ thống vũ khí và trang bị của Trung Quốc đang đi sau Mỹ khoảng 20 năm

Lương Quang Liệt, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Những khoản đầu tư lớn hiện đại hóa quân đội trong thập kỷ qua cho thấy Trung Quốc đang gia tăng đáng kể các khả năng quân sự của mình ở những khu vực lân cận. Tuy nhiên, số tiền đó còn xa mới phát triển được một đội quân toàn cầu tương đương quân đội Mỹ, lực lượng đủ khả năng thực hiện các hoạt động tác chiến hiện đại ở bất cứ đâu trên thế giới.

Vẫn chỉ là vũ khí thế hệ 2

Phó giáo sư Andrew S. Erickson, Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ viết trên Foreign Policy ngày 7/3/2013: “PLA chưa thể đạt vị thế thách thức Mỹ. Sức mạnh của Washington đủ để ngăn cản Trung Quốc thậm chí ngay cả khi nước này phát triển quân sự chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ tới”.

 

Tướng Lương Quang Liệt: Về trang bị, Trung Quốc còn thua Mỹ 20 năm
Tướng Lương Quang Liệt: Về trang bị, Trung Quốc còn thua Mỹ 20 năm

 

Để mang tính khách quan, hãy xem người Trung Quốc nói gì về chính họ. Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 10, Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là Lương Quang Liệt thừa nhận, các hệ thống vũ khí và trang bị của Trung Quốc đi sau Mỹ khoảng 20 năm. “Tôi gọi đó là một khoảng cách lớn”, ông Lương nói. “Quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã được cải thiện nhưng trang bị chiến đấu chính cho các quân binh chủng của chúng tôi vẫn là các vũ khí thế hệ 2”.

Như vậy, chính người đứng đầu quân đội Trung Quốc cũng phải thừa nhận thực tế rằng sức mạnh quân sự của nước này còn thua Mỹ quá xa. Đúng như Andrew S. Erickson từng nhận xét: “Bất chấp Trung Quốc đã có những tiến bộ trong hiện đại hóa và những vũ khí mới khá ấn tượng, nhưng khả năng tác chiến của PLA vẫn chỉ bám đuôi Mỹ”.

 

 

Theo tri thức trẻ

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc