Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Chuyện “cổ tích” của bé gái chiến thắng ung thư
Quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư của cô bé Maeve Low cùng gia đình đã trở thành câu chuyện cổ tích đầy xúc động về nghị lực, quyết tâm đáng khâm phục của con người.
Cuộc sống khó khăn của cả gia đình Joanne Poon, một cựu giáo viên nhạc kịch, và chồng cô, Bernard Low, một giảng viên kinh tế, ở Singapore, bắt đầu khoảng 4 tháng sau khi đứa con thứ hai, Paige, chào đời. Con gái lớn của cô, Maeve Low, khi đó mới 3 tuổi, lần đầu tiên cảm nhận được nhận sự hành hạ từ những cơn đau dạ dày.
Poon tâm sự “Tôi nghĩ rằng con bé chỉ đang làm nũng và thu hút sự chú ý của cha mẹ khi thấy cha mẹ dành sự quan tâm nhiều hơn cho em gái.”Sau 1 tháng ròng chữa trị chứng táo bón cho con gái, Poon cùng chồng đã cảm thấy điều gì đó bất ổn khi cô con gái nhỏ thẳng thừng từ chối chocolate, món ăn khoái khẩu của bé, và ôm bụng than đau nhiều hơn.
Sau khi nhận được lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa, cả gia đình quyết định đưa cô bé Maeve tới phòng khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore. Tại đây, cả gia đình đã hoàn toàn suy sụp trước kết quả mà họ nhận được.
Chuyện
Joanne Poon cùng cô con gái mắc bệnh ung thư, Maeve.

Nguyên nhân ban đầu lý giải cho những cơn đau của Maeve được xác định là bởi chứng lồng ruột. Một ca tiểu phẫu nhanh chóng được tiến hành. Tuy nhiên, do cô bé Maeve mới được 3 tuổi, nên việc sử dụng thuốc gây mê rất có thể sẽ làm tổn thương cơ thể em. Vì vậy, cô bé buộc phải trải qua ca phẫu thuật trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo và chịu đựng đau đớn tới tột cùng.
Nói về cảm nghĩ của mình trước ca phẫu thuật của con gái, Poon kể lại “Tôi vẫn không khỏi choáng váng, đau xót khi các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu cho con bé. Tôi vẫn nhớ rõ ràng mình đã nói với Bernard rằng anh ấy phải ở đó, bên cạnh con gái bởi tôi không thể chứng kiến nỗi đau mà con bé phải chịu đựng. Và anh ấy đã nhanh chóng tiến vào phòng, nắm tay con gái khi con kêu thét vì sợ hãi: “Tại sao cha lại để họ làm thế với con?”. Tôi là một người mẹ hèn nhát, vì đã không thể ở bên con bé trong giờ phút ấy.”
Hai ca phẫu thuật trôi qua mà tình trạng của Maeve vẫn không hề thuyên giảm. Và nỗi đau đã lên tới đỉnh điểm khi gia đình Poon nhận được thông báo, rằng “cô bé bị ung thư hạch bạch huyết”, giai đoạn 2.
Không hề nhụt chí, với vai trò của người cha, người mẹ đã lên kế hoạch tạo lập 1 môi trường sống thật lành mạnh, khoa học cho Maeve, tại thời điểm khả năng miễn dịch của cô bé giảm tối đa do ảnh hưởng từ những đợt xạ trị.
Chuyện
Đồng thời, cha mẹ cô bé Maeve cũng đã thông báo tình trạng sức khỏe của cô bé cho người thân và bạn bè của gia đình. Thật may mắn khi trong cuộc chiến này, gia đình Poon đã có sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của những người quen biết.
Một vài người quen đến từ nhà thờ bắt đầu trang trí lại phòng bệnh cho Maeve với bức tường có tấm poster khổng lồ in hình công chúa, ga trải giường màu hồng, hoa tươi và các chùm bóng bay đủ màu sắc.
Gia đình cô bé Maeve đã ở cùng cô bé trong suốt thời gian điều trị bệnh tật. Dù cô bé Paige vẫn còn rất nhỏ và được một người thân chăm sóc. Chế độ dinh dưỡng của Maeve cũng được thay đổi, khi cô bé chuyển sang ăn đồ do cha mẹ tự chế biến, ngon miệng và giàu vitamin hơn thực đơn của bệnh viện.
Chuyện
Gia đình chiến binh dũng cảm.
Vợ chồng Poon đã nhận được rất nhiều tài liệu nói về cách đối phó với căn bệnh ung thư, nhưng với cô, chúng dường như không phát huy tác dụng với đứa con của mình. Bởi vậy, ý tưởng cho một cuốn sách, sau này sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho hàng chục nghìn độc giả trên khắp thế giới, dần được hình thành.
Để truyền cảm hứng và nghị lực sống cho con gái, Poon quyết định suy nghĩ để thêu dệt nên một câu chuyện về “Maeve dũng cảm” – một nàng công chúa, cùng chuyến phiêu lưu độc nhất vô nhị của nàng. Ở đó, Maeve sẽ cùng với các chiến binh, vốn đại diện cho những cơn xạ trị, phá vỡ tảng đá khổng lồ mang tên “Ung thư”.
Cô Poon tâm sự “Nó chỉ được viết cho một độc giả, chính là con bé. Câu chuyện khuyến khích Maeve phải cố gắng, bởi trong hoàn cảnh ấy, con bé không còn là một người ngoài cuộc, mà là nhân vật chính, là chiến binh thực thụ. Thật tuyệt vời khi chính con bé đã quyết định lên tiếng “Con sẽ cùng những chiến binh tốt nhất chiến đấu! Đôi lúc bọn con cũng gặp khó khăn, tóc con bay mất, đồ ăn thì có vị chán ngắt, nhưng không sao cả, vì con đã chọn việc đó. Con sẽ dẫn đầu trận chiến và sẽ giành chiến thắng cuối cùng!’.”

 

Chuyện
Cô công chúa nhỏ Maeve.
Cứ như thế, chuyến hành trình đầy khó khăn của công chúa Maeve vẫn tiếp tục qua từng đợt xạ trị. Hệ miễn dịch của cô bé giảm sút nhanh chóng, bởi vậy, cô bé liên tục bị sốt về đêm. Bất kể vậy, Poon cùng chồng luôn động viên con gái rằng họ chính là những chiến binh dũng cảm. Và họ cần tiến vào bệnh viện để đánh bại con quỷ xấu xa. Chính cách suy nghĩ đáng yêu này khiến cho những lần xạ trị của cô bé Maeve trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Khi mái tóc dài ngang lưng của cô bé bắt đầu rụng dần vì những đợt hóa trị, Poon đã tìm cách động viên con gái bằng việc khuyến khích cả gia đình cùng cạo trọc đầu.
Poon cho biết “Maeve rất nữ tính, và mái tóc dài là tài sản lớn nhất của con bé. Tôi biết chúng đang dần rụng đi, và thay vì không quan tâm tới điều đó, tôi quyết định rằng, cả gia đình sẽ cùng cạo trọc đầu để tham gia cuộc chiến với con.”
Và quyết định đó quả thực rất đúng đắn khi Maeve cảm thấy mọi người xung quanh đều giống mình. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình Poon, căn bệnh của Maeve đã hoàn toàn bị đẩy lùi.
Chuyện
Mái tóc của những chiến binh quả cảm.
Cô bé bắt đầu đi học mẫu giáo lại từ năm 2011. Tại đây, cô bé đã kể cho cô giáo nghe về câu chuyện chuyến phiêu lưu của công chúa Maeve do mẹ cô bé viết. Cô giáo của Maeve sau đó quyết định đem cuốn sách cho vài người bạn để vẽ hình minh họa, rồi qua một hành trình bất ngờ, nó được trao tới tay một nhà xuất bản, với 2.000 ấn phẩm được ra đời hồi đầu năm nay.
Trước khi Poon biết về điều đó, các bác sĩ từng điều trị cho Maeve đã đem cuốn sách tới một hội nghị về ung thư ở trẻ em, và câu chuyện về công chúa Maeve dũng cảm nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới y khoa nước ngoài. Cũng trong thời điểm ấy, Poon bắt đầu chia sẻ cuốn sách của cô lên Internet thông qua blog cá nhân, và rất nhiều độc giả đã tình nguyện dịch nó ra tới 7 thứ tiếng. Bất ngờ hơn nữa, cuốn sách sau đó đã được du hành tới 14 quốc gia trên toàn thế giới, thậm chí ở những nơi rất xa như Kazakhstan hay Mozambique.
Poon chia sẻ “Họ rất hạnh phúc khi được tham gia vào dự án này. Họ đã viết thư cảm ơn tôi vì đã để họ được tham gia vào dự án này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng rất cảm động và biết ơn họ vì những đóng góp của họ!”.
Một trong những học sinh cũ của Poon cũng tình nguyện đưa “Maeve dũng cảm”, cùng mọi nhân vật liên quan tới cuộc chiến chống căn bệnh ung thư của cô bé, xuất hiện trên sân khấu dưới dạng nhạc kịch.
Poon nói “Thật tuyệt vời khi tôi có thể chứng kiến một ai đó hóa thân thành chính mình. Nó cho tôi có cơ hội được khóc, bởi tôi đã luôn phải cố kìm nén nước mắt khi đứng trước mặt con gái. Tôi phải là nguồn động viên cho con bé. Quá trình xạ trị khiến ai nấy đều bận rộn. Chúng tôi thậm chí không có cả thì giờ để ngẫm lại những gì đã qua, cho tới khi nó thật sự kết thúc. Và vở nhạc kịch đã giúp chúng tôi làm việc ấy”.
Cuốn sách “Maeve dũng cảm”, sau khi xuất bản, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của trẻ em, các bậc phụ huynh và những bác sĩ, trong đó có Mae Dolando, một chuyên gia về ung thư ở trẻ em. Cùng với gia đình Low, Dolando đã lập một dự án mang tên “Những đứa trẻ của Hy vọng”, quyên góp quần áo, sách vở và đồ ăn tới những khu vực khó khăn.
Khi được hỏi về lời khuyên của anh cho những vị phụ huynh có con bị mắc bệnh ung thư, anh Low cho biết: “Con cái được khỏe mạnh là điều quan trọng nhất, thế nên các bậc cha mẹ đừng ngại ngần, mà hãy cố gắng nhận lấy mọi sự giúp đỡ có thể. Các vị cũng nên quan tâm tới những mạng lưới hỗ trợ trẻ em bị mắc bệnh ung thư, bởi họ có rất nhiều chuyên gia tốt. Điều quan trọng nhất là đừng cố gắng chịu đựng một mình, vì luôn có rất nhiều người xung quanh sẵn lòng cùng gia đình bạn đương đầu với cuộc chiến ấy.”

theo tri thuc tre

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc