Home » Thế giới » Ấn Độ Dương – tiêu điểm của những tranh đua mới

Liệu có phải Ấn Độ Dương sẽ là một ‘điểm nóng’ tiềm tàng khi Trung Quốc đang từng bước tìm cách tăng cường sự hiện diện của quân đội lâu dài tại đây cùng với sự có mặt từ lâu của hải quân Ấn Độ và Hoa Kỳ?

[title]

Môi trường đơn cực ôn hòa ở Ấn Độ Dương trước đây đang dần chuyển sang một môi trường đa cực phức tạp, với sự vươn lên của hải quân Trung Quốc và cả Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ cùng các nước khác. (ABC)

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Shangri-La kết thúc vào ngày 5/6 vừa qua tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cho biết nước này sẽ mở rộng sự hiện diện của quân đội tại Châu Á – Thái Bình Dương cũng như tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống tại khu vực này. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ sẽ chi tiền “đúng chỗ” để tăng cường đầu tư quân sự nhằm giữ gìn an ninh, chủ quyền và tự do trong khu vực.

Cam kết của Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình trong khu vực, kể cả việc tìm cách thâm nhập lâu dài sang Ấn Độ Dương.

Phóng viên Sen Lam của Đài Úc đã có cuộc phỏng vấn ông Robert Kaplan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới tại Washington, về khả năng cân bằng quyền lực và lợi ích trong tương lai tại Ấn Độ Dương.

Ông Kaplan: “Trung Quốc kỳ vọng Hoa Kỳ có mặt nhiều ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bởi nếu không thì sẽ dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc biết rằng khi lực lượng hải quân nước này chưa đủ mạnh thì cần phải ‘để ngỏ’ việc bảo vệ các tuyến giao thông đường biển cho hải quân và không quân Hoa Kỳ”.

“Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng đang nổi lên như một cường quốc về kinh tế, tài chính và quân sự, nên trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn thách thức sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương nữa mà thay vào đó là tìm cách đối trọng lại với Hoa Kỳ trong vấn đề này bằng cách tăng số lượng tàu ngầm, chiến hạm cùng các trang thiết bị sử dụng trong các trận chiến tác của lực lượng hải-không quân. Cho nên tôi nghĩ chúng ta đang dần tiến vào một kỷ nguyên ‘đa cực’ trong lĩnh vực hàng hải và quân sự ở Á-Âu. Trung Quốc đang ngày càng hiện diện nhiều trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và điều đó đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ phải thể hiện khả năng giải quyết thách thức của mình”.

PV: Ông vừa nhắc đến ‘kỷ nguyên đa cực’. Hiện hải quân Trung Quốc đang từng bước thâm nhập hẳn vào Ấn Độ Dương qua việc sử dụng các cảng biển của Myanmar tại Vịnh Bengal. Liệu giờ đây Ấn Độ Dương có phải là ‘đấu trường’ mới cho các cuộc tranh chấp trong khu vực?

Ông Kaplan: “Theo tôi hiểu thì ‘đấu trường’ mới cho cuộc tranh chấp trong khu vực Biển Đông thì chính xác hơn, vì đây là một dạng ‘tiền sảnh’ của Ấn Độ Dương. Tôi nghĩ trong những thập niên tới, Ấn Độ Dương sẽ là điểm nóng nhất trong những cuộc tranh chấp của các cường quốc bởi tại đó sẽ có sự xuất hiện của hạm đội Trung Quốc bên cạnh các hạm đội của Ấn Độ và Hoa Kỳ. Khu vực này cũng sẽ cho chúng ta thấy liệu trong những thập niên tới, Trung Quốc có thực sự tạo ra một lực lượng hải quân hoạt động được ở cả hai vùng đại dương hay không cũng như mục đích thực sự của Trung Quốc trong việc xây dựng các hải cảng ở Myanmar, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka”.

PV : Vậy trong bối cảnh này thì Ấn Độ – đối thủ chính của Trung Quốc sẽ có những giải pháp gì bởi Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong vấn đề biển còn Ấn Độ thì không. Ông có nghĩ rằng New Delhi sẽ xây dựng một hạm đội hải quân có tầm hoạt động ngoài đại dương để bắt kịp với Trung Quốc không?

Ông Kaplan: “Có lẽ chính quyền New Delhi sẽ vươn từ vị trí có lực lượng hải quân lớn thứ năm trên thế giới lên vị trí thứ ba. Nước này đã có các tàu chiến vươn tới tận eo biển Mozambique về phía tây nam Ấn Độ và cả ở Biển Đông về phía đông nam. Tuy nhiên, Ấn Độ không thể thống trị Ấn Độ Dương và sẽ phải mất hàng thập kỷ trước khi nước này có thể làm được điều đó. Tôi nghĩ rằng điều các nhà chiến lược của Ấn Độ hy vọng là hải quân Ấn Độ, với sự hậu thuẫn ngầm của hải quân Hoa Kỳ, sẽ giành quyền kiểm soát phần lớn Ấn Độ Dương và do đó, giúp kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải một cách hòa bình”.

PV: “Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát Ấn Độ Dương nhiều hơn và đương nhiên là cả các hải cảng ở Myanmar nữa. Các yếu tố kinh tế đóng vai trò như thế nào trong mục tiêu này?”

Ông Kaplan: “Các yếu tố kinh tế có vai trò rất lớn. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực Eo Malacca trong việc nhập khẩu năng lượng như hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng một cảng tại nơi có trữ lượng khí đốt lớn trong Vịnh Bengal nhằm vận chuyển khí đốt qua Myanmar bằng hệ thống đường ống và đường bộ để vào nam Trung Quốc. Nói cách khác là Trung Quốc đang tìm các ngả đường khác, bên cạnh Eo Malacca, để đưa dầu mỏ và khí đốt vào Trung Quốc phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế”.

PV: “Nhìn rộng hơn, nếu như Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình thì khu vực Châu Á có cần lo lắng về một điểm nóng tiềm tàng ở đây không, thưa ông?”

Ông Kaplan: “Trong vài thập kỷ qua, hải quân và không quân Hoa Kỳ đã thống trị các vùng biển này. Theo tôi, môi trường quân sự đơn cực ôn hòa trước đây hiện đang dần chuyển sang một môi trường đa cực phức tạp, trong đó không chỉ có sự vươn lên của hải quân Trung Quốc mà cả Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và các lực lượng hải quân khác. Việc xuất hiện nhiều tàu chiến và tàu thương mại hơn thì khả năng xảy ra những va chạm cũng sẽ lớn hơn”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc