Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp tự cứu mình trong lạm phát
Trước những biến động thất thường của giá cả, cộng các chính sách thắt chặt của nhà nước, , doanh nghiệp đang căng đầu tìm phương án để tồn tại như cắt giảm chi tiêu, co cụm sản xuất…

Tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” hôm qua, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 11 của Chính Phủ được ban hành, ban lãnh đạo công ty đã xác định rõ, một chính sách ban hành bao giờ cũng có độ trễ nhất định. Do đó, Vissan đã tự vạch ra phương án ‘tự cứu lấy mình trước khi người khác cứu’.

Đầu tiên, việc cần làm ngay của công ty là phải co cụm lại hoạt động sản xuất bằng cách chuyển từ chiến lược phát triển sang chiến lược tồn tại. Sau đó, luôn hướng tới phương châm: “Tồn kho nguyên liệu vừa đủ, không ký các đơn hàng dài hạn”. Và biện pháp cuối cùng là “năn nỉ” các đơn vị cung cấp đầu vào du di việc nới lỏng giá cả cho công ty.

Để sinh tồn trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tìm cách co cụm sản xuất, tiết giảm chi phí để tồn tại. Ảnh minh họa: Lệ Chi

Cũng là biện pháp rất cụ thể mang tính “cái khó ló cái khôn”, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Tập đoàn Cacao Việt Nam cho biết, để có giá thành thấp nhất trong bối cảnh khó khăn này, công ty phải luôn thực hiện chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn”.

Trong khi đó, là loại hàng hóa đặc biệt do khách hàng đặt trước, có giá trị lớn, thời gian gia công dài, chịu chi phí lãi vay ngân hàng lớn, quyết toán chậm…Thạc sĩ Đỗ Hồng Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bạch Đằng cho rằng, để tồn tại trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, doanh nghiệp chỉ có thể chọn loại đấu thầu có điều chỉnh giá; chia nhỏ giai đoạn thanh toán và ứng mua trước vật tư chính.

Bên cạnh việc tự tìm cách sinh tồn, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước cần có những công việc cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Đỗ Hồng Khanh bày tỏ, rất đồng tình với chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, nhưng cơ quan quản lý cũng cần có những chính sách mở cho xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là Nhà nước phải có quan điểm bình đẳng trong quan hệ kinh tế với doanh nghiệp. Chẳng hạn, với ngành xây lắp, khi công trình đã quyết toán, nếu chủ đầu tư chưa thu xếp được vốn thì khoản nợ đó phải được tính lãi suất trả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông cũng nêu thực trạng trong khi người dân, doanh nghiệp đang phải thắt chặt chi tiêu tối đa thì tư duy tiết kiệm chưa thể hiện trong cơ quan công quyền. Chẳng hạn hiện nay, hàng loạt các nhà văn hóa hiện đại, bảo tàng rộng lớn… được mọc lên ở khắp các tỉnh thành, tiêu tốn rất nhiều tiền của Nhà nước nhưng công năng sử dụng không bao nhiêu.

Ví dụ cụ thể nhất được ông Khanh nêu lên là bảo tàng Hà Nội được xây dựng rất hoành tráng nhưng hiện nay gần như không có nhiều giá trị sử dụng. Trong khi đó, dự kiến trong năm nay sẽ chi khoảng 600 tỷ đồng để tu bổ. “Đây là một sự lãng phí quá lớn cần xem xét lại trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung”, ông Khanh nhấn mạnh.

Đồng tình với việc cắt giảm đầu tư công để giảm bội chi ngân sách, nhưng PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, nhất là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng…

Ông Bá dẫn chứng, theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2011 sẽ giảm 50% vốn của các dự án trái phiếu Chính phủ cho ngành giao thông từ 20.000-25.000 tỷ đồng xuống 11.000 tỷ đồng. Việc cắt giảm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xây dựng tại các địa phương. “Các nhà thầu có dự án bị đình hoãn phải đối mặt với nguy cơ không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng”, ông Bá nói.

Theo đó, Tiến sĩ Bá kiến nghị, cần tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư công, và phải nghiên cứu cụ thể hóa tiêu chí và các dự án cần cắt giảm trong chính sách tài khóa; cải tiến trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Riêng việc thắt chặt tiền tệ, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán dưới 16% đã khiến cho lượng tiền tung ra ít, lãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhưng điều đáng lo ngại theo ông Bá là vẫn có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vay với mức lãi suất cao.

Với mức lãi suất này, ông cho rằng chỉ có ba loại doanh nghiệp mới dám vay. Thứ nhất là những doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn mức lãi suất này. Thứ hai là doanh nghiệp đã đến bước đường cùng, đằng nào cũng phá sản thì cứ vay. Thứ ba là những doanh nghiệp buộc phải vay để đáo nợ. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp do khó tiếp cận vốn nên thu hẹp sản xuất là chính. “Như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người lao động”, ông lo ngại.

Trong khi đó, luật sư Phan Văn Vỹ, người từng có thâm niên 20 năm trong việc cố vấn pháp lý cho ngành ngân hàng thì bày tỏ mong muốn, các chính sách của Nhà nước cần đồng bộ hơn. Bởi theo ông, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua điều hành theo kiểu giật cục, rất khó hiểu. Ngoài ra, khi công bố lãi suất trần huy động là 14% một năm nhưng thực tế thì không phải như vậy. Riêng những con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước như về lượng tiền gửi, cho vay…thực sự là đúng nhưng chưa xác với thực tế, khiến tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng chưa cao…

Lệ Chi

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc