Home » Thế giới » Thái Lan: Phe Áo Đỏ kỷ niệm ngày giải tán biểu tình

Hàng ngàn người thuộc phe Áo Đỏ chống chính phủ đã tụ tập tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) để đánh dấu một năm kể từ ngày quân đội giải tán các cuộc biểu tình của họ.

[title]

Đối đầu giữa người biểu tình thuộc phe áo đỏ với quân đội. (Ảnh tư liệu. AFP Photo: Nicolas Asfouri))

Hơn 90 người đã thiệt mạng trong những cuộc ấu đả trên đường phố giữa người biểu tình và binh lính. Một năm sau biến cố này, phe Áo Đỏ vẫn còn bất mãn vì chính phủ vẫn không nhận trách nhiệm trước việc các thường dân thiệt mạng.

Một số đòi hỏi của người biểu tình đã được giải quyết như Quốc hội đã bị giải tán trước ngày diễn ra bầu cử vào ngày 3/7 với sự tham dự của 26 đảng phái chính trị.

Trong khi đó, nhiều người thuộc phe Áo Đỏ vẫn còn bất mãn và cho rằng họ vẫn chỉ là ‘công dân hạng hai’ trong xã hội Thái.

Nhiều người Áo Đỏ vẫn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính và hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Bà Yingluck, em ông Thaksin Shinawatra đang là người được phe đối lập đưa ra để tranh chức thủ tướng.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho rằng cuộc bầu cử này là sự khởi đầu mới cho Thái Lan. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể kết quả bầu cử sẽ không cho thấy sự thắng thua rõ rệt giữa các khuynh hướng đối nghịch nhau.
Vì thế, có thể đất nước Thái Lan sẽ lại rơi vào tình trạng bất ổn định.

Một chuyên gia về chính trường Thái Lan cho biết nếu chỉ bầu cử thì việc này sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề Thái Lan đang phải đối mặt.
Theo chuyên gia này, nạn tham nhũng và trách nhiệm về cái chết của 90 người dân thường phải được làm rõ, những thủ phạm gây ra việc này phải bị đưa ra trước công lý.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy các đảng đối lập sẽ chiếm hầu hết các ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ thắng thua trong bầu cử sẽ rất sít sao.

Theo dự đoán đảng Dân chủ đương quyền sẽ có thể cầm quyền mà không cần phải liên minh với các đảng khác.

Phe đối lập thì cho biết nếu thắng họ sẽ xin ân xá cho mọi người bị kết án trong các biến động chính trị vừa qua, kể cả ông Thaksin Shinawatra.

Quan điểm của Cựu Thủ tướng Anand Panyarachun

Cựu Thủ tướng Anand Panyarachun, người từng hai lần đảm nhiệm chức vụ thủ tướng đồng thời là Chủ tịch Ủy hội Cải cách Thái Lan đã bình luận rằng bầu cử là một phần quan trọng của tiến trình dân chủ, với điều kiện đó phải là một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Tuy nhiên, để trở thành một đất nước thật sự có dân chủ, cũng như mọi đất nước nào khác, Thái Lan cũng cần phải được chống đỡ bằng một số ‘trụ cột’ chính.

Đó là phải có cơ chế rõ ràng để mọi người, mọi cơ chế, đảng phái, dù cầm quyền hay không, cũng phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc mình làm. Đất nước đó phải có một nền tư pháp độc lập và hệ thống báo chí cũng phải được độc lập. Tính minh bạch phải được tôn trọng. Phải có một nhà nước pháp quyền và nhà nước đó phải thượng tôn pháp luật.

Nhà cựu lãnh đạo Thái cũng cho rằng người ta không thể cứ mãi bận tâm về quá khứ đến mức làm cho quá khứ che mờ mọi sự và cản đường hướng tới tương lai.

Trước câu hỏi của phóng viên Sen Lam của Đài Úc: “Một năm đã trôi qua kể từ ngày bạo động bùng nổ hồi tháng 5/2010. Thái Lan đã học được bài học nào trong 12 tháng qua?”, ông Anand trả lời: “Bài học đầu tiên là dân chủ không phải là một kinh nghiệm dễ dàng cho bất cứ ai. Để có dân chủ, người ta phải khách quan, công bằng, kiên trì và quyết tâm”.

Theo ông Anand, đôi khi một số nhà chính trị không tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức cao trong việc điều hành đất nước.

Một trong những lý do khiến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra được đông đảo người dân, đặc biệt người dân nông thôn, ủng hộ là vì kể từ khi ông không còn cầm quyền, hố ngăn ngăn cách giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa người dân thành thị với người dân vùng nông thôn, trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Phóng viên Đài Úc nêu vấn đề: “Ông có nghĩ rằng Thái Lan hiện đang tìm cách giải quyết vấn nạn này hay không?”

Cựu Thủ tướng Anand Panyarachun nói: “Mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, đều gặp phải vấn nạn này. Một phần của vấn đề này bắt nguồn từ sự phân phối lợi tức không bình đẳng”.

“Khác nhau giữa tư bản và cộng sản là gì?”

Liên hệ tới vấn đề phân phối lợi tức, ông Anand đặt câu hỏi: “Khác nhau giữa tư bản và cộng sản là gì?”.

Theo Anand, về lý thuyết, tư bản là sự phân phối không đồng đều sự giàu có và của cải. Trong khi đó, cộng sản là sự phân phối bình đẳng tình trạng nghèo khó.

Muốn giải quyết vấn đề, người ta phải tìm hiểu tận cội rễ của nó. Ông Anand cho rằng cần phải cơ cấu lại mối quan hệ giữa mỗi nhóm và mỗi bộ phận, mỗi khu vực.

Ngoài ra, để có thể có được một xã hội dân chủ người ta cũng cần phải kiên nhẫn hơn với các tiến trình phát triển dân chủ và phải có sự quyết tâm.

Ông Anand mong muốn đất nước Thái Lan cần phải củng cố các giá trị và định chế dân chủ, cần phải bổ nhiệm và cất nhắc thêm nhiều người khác nhau vào các cơ chế và tiến trình làm quyết định.

Tóm lại, cựu Thủ tướng Thái cho rằng mọi người phải phối hợp và giải quyết nhiều vấn đề trên nhiều mặt trận khác nhau.

Theo bayvut

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc