Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Ngư dân liên kết bám biển

Tàu cá Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên lấn chiếm ngư trường nhưng dân miền Trung vẫn tiếp tục can trường bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

1090675483_ngu_dan
Dù tàu cá Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển Quảng Ngãi nhưng ngư dân VN vẫn bám biển, giành lại ngư trường – Ảnh: Hiển Cừ

Không lùi bước

Khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có “mặt tiền” hướng ra biển Đông với chiều dài hơn 1.200 km (chiếm khoảng 35% chiều dài bờ biển của cả nước) rất giàu tiềm năng và lợi thế. Theo số liệu thống kê, toàn vùng có trên 33.200 tàu cá với lực lượng lao động trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên biển khoảng 700 ngàn người có nhiều kinh nghiệm, dạn dày sóng gió. Riêng ngư trường khai thác cá ngừ đại dương thường cách đất liền từ 200 – 500 hải lý.

140657730_quote1

Sau lưng mình còn có bộ đội biên phòng, hải quân… thì ngại gì. Tụi tui mà gặp tàu cá Trung Quốc thì điện thoại về đất liền để lực lượng chức năng tổ chức xua đuổi

1248824112_quote2
Ngư dân Trần Tá

Tuy nhiên, việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên chiếm ngư trường, xâm nhập sâu vào vùng biển các tỉnh miền Trung, thậm chí vào cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ 5 hải lý để khai thác hải sản không chỉ xâm phạm trắng trợn lãnh hải của VN mà còn cướp cả lợi ích kinh tế của ngư dân. Đã mấy chục năm bám biển, ngư dân Trần Tá, thuyền trưởng tàu PY-90962TS ở Phú Yên, cho biết: “Muốn tồn tại ở nơi khơi xa thì ngư dân mình phải tương trợ lẫn nhau. Bây giờ, những tàu cá đánh bắt xa bờ không còn hoạt động đơn lẻ nữa mà tổ chức theo tổ, đội để liên kết đối phó, giành lại ngư trường với tàu cá Trung Quốc” – ông Tá nói và bày tỏ quyết tâm: “Dẫu biết rằng mỗi chuyến biển đều có thách thức qua việc tranh chấp ngư trường với tàu cá Trung Quốc nhưng tụi tui vẫn quyết chí bám biển. Sau lưng mình còn có bộ đội biên phòng, hải quân… thì ngại gì. Tụi tui mà gặp tàu cá Trung Quốc thì điện thoại về đất liền để lực lượng chức năng tổ chức xua đuổi”.

Bình Định là địa phương có đông đảo ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương. Hiện toàn tỉnh có 700 chiếc tàu, trong đó 400 chiếc thường xuyên hoạt động ở khu vực biển Trường Sa của Việt Nam với sản lượng khai thác mỗi năm gần 4.000 tấn. Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Ngư dân có truyền thống cùng nhau ra khơi xa đánh bắt hải sản. Mỗi nhóm tập trung từ 3 chiếc trở lên. Đặc biệt, những phương tiện tham gia mô hình này sẽ được ưu tiên lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh”.

Trước tình trạng tàu cá Trung Quốc lấn chiếm ngư trường trái phép, ông Nguyễn Hữu Hào cho biết Sở đã gửi văn bản đến các địa phương để thông báo cho ngư dân nắm rõ hơn thông tin về chủ quyền biển đảo của VN, ngư trường đánh bắt truyền thống… “Qua tìm hiểu thực tế, các ngư dân bày tỏ quan điểm kiên quyết phản đối hành động xâm chiếm, tranh giành ngư trường của tàu cá Trung Quốc; luôn mạnh dạn tiếp tục vươn ra khơi xa hành nghề đánh bắt hải sản như truyền thống bao đời”, ông Hào khẳng định.

An toàn cho ngư dân

2049609009_quote1

Chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo đến các tàu thuyền ngư dân đang khai thác, theo dõi, nắm bắt diễn biến tàu Trung Quốc…

1105476577_quote2
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền

Tại cuộc hội thảo “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung” do Viện Khoa học xã hội VN và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại Quảng Ngãi vào đầu tháng 5 vừa qua, đại tá Đinh Gia Thật – Phó chủ nhiệm Chính trị (Bộ Tư lệnh Hải quân) – nhận định rằng vùng biển đảo miền Trung đang là vùng biển “nóng” chứa đựng nhiều tiềm ẩn đe dọa an ninh.

Đó là tình trạng các tàu khảo sát, thăm dò, hàng loạt tàu cá nước ngoài tiến hành đánh bắt hải sản trái phép, khai thác san hô, cá giống trong vùng biển chủ quyền của VN dưới sự hậu thuẫn, hỗ trợ lớn của các lực lượng quân sự như hải quân, hải cảnh, hải giám, ngư chính, việc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp trong bảo đảm an ninh, an toàn biển.

Đại tá Thật đề xuất nhiều giải pháp như: Từng địa bàn khu vực, từng tỉnh, thành phải có những hoạch định mang tính chiếc lược cụ thể, đảm bảo sự kết hợp trong từng cơ sở đánh bắt hải sản, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển đủ mạnh, hiện đại hóa vũ khí, nâng cao sức chiến đấu và tầm hoạt động, huy động các lực lượng tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền của ngư dân cùng tham gia theo hướng dân sự hóa.

Theo các chuyên gia, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là tất yếu khách quan. Bởi lẽ, từ nhiều năm qua đã xảy ra nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân miền Trung, nhất là Quảng Ngãi bị bắt giữ, tịch thu tài sản, bị cướp trên biển khiến họ rất lo âu mỗi khi ra vùng biển chủ quyền của VN – quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, trong vùng đặc quyền kinh tế của VN tại vùng biển miền Trung thì tàu đánh cá của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm đánh bắt thủy sản. Do vậy các ngành chức năng ở T.Ư phải có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm nhập lãnh hải VN nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân làm ăn trên biển, thạc sĩ Nguyễn Thanh Minh (Cục Cảnh sát biển) nhấn mạnh: “Trong các lực lượng tham gia quản lý nhà nước về biển thì Bộ Quốc phòng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, cần tổ chức lại lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển, tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển vươn ra xa hơn”.

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đồn biên phòng sử dụng mạng thông tin liên lạc thông báo đến các tàu thuyền ngư dân đang khai thác, theo dõi, nắm bắt diễn biến tàu Trung Quốc cũng như các tàu thuyền nước ngoài đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế VN, có tình hình gì sẽ thông tin nhanh đến lực lượng biên phòng”.

Năm 2010, Hội Nghề cá Quảng Ngãi cũng đã đề nghị Hội Nghề cá VN kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư có biện pháp ngăn chặn và xử lý thích đáng những đối tượng tàu cá Trung Quốc cố tình vi phạm lãnh hải VN.

Tàu cá xa bờ được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh

Chiều 29.5, bà Mai Kim Thi – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định – cho biết: dự án Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR) đã chính thức được khởi động vào đầu tháng 5 vừa qua tại TP Quy Nhơn. Mục tiêu của dự án là góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, góp phần đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Từ nay đến năm 2013, bằng nguồn vốn ODA của Pháp (hơn 17 triệu USD), 3.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ làm các nghề câu mực, câu cá ngừ đại dương và một số loại nghề khai thác hải sản quan trọng khác của 28 tỉnh ven biển sẽ được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh nhằm phục vụ hoạt động khai thác hải sản đảm bảo an toàn và hiệu quả trên biển. Bên cạnh đó, hệ thống quan sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh (VMS) sẽ được thiết lập và vận hành tại Việt Nam. Trung tâm Điều khiển tích hợp thông tin hàng hải và khu vực cũng sẽ được xây dựng.

Theo Thanh Niên Online
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc