Home » Kinh doanh » “Cuộc chiến” cam go giữa siêu thị và nhà cung cấp
Nguồn tin riêng cho biết, hiện các siêu thị đã và đang nhận được những đơn hàng tăng giá từ 10-15% cho đến hết quý 2, từ các nhà cung cấp.

Do đó, các siêu thị buộc phải đàm phán với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo nguồn cung và chống tăng giá phi lý. Nhưng “cuộc chiến” thương thuyết không phải khi nào cũng “cơm lành canh ngọt”… minh chứng là tại các siêu thị vẫn còn đó những kệ hàng bỏ trống.

Tạm ngưng thay vì tăng giá phi lý

Dạo quanh một vòng tại khu vực bán các mặt hàng hóa mỹ phẩm của siêu thị Big C Thăng Long, nhiều kệ hàng bỏ trống. Tương tự, tại các kệ hàng bán sữa, bánh kẹo, đồ dùng chăm sóc cá nhân… cũng trong tình trạng thiếu hàng để bán.


Thay vào đó, phía trên các kệ hàng tại Big C Thăng Long có thông báo về tình trạng thiếu hàng ở một số nhóm sản phẩm và đề nghị khách hàng thông cảm với lý do: “Siêu thị từ chối các yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, nên một số nhà cung cấp đã ngưng giao hàng, dẫn đến việc thiếu hàng trong siêu thị…”. Đây được coi là biện pháp tránh hiểu lầm xảy ra với người tiêu dùng khi đến mua hàng tại siêu thị.


Bảng thông báo tại siêu thị BigC nhằm tránh sự hiểu lầm cho khách hàng


Trao đổi với báo giới, Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, cho biết: “Có khoảng hơn 30 mặt hàng tại siêu thị đang bị trống hàng, tập trung vào một số nhóm hàng như: bánh kẹo, thực phẩm đồ mặn, hóa mỹ phẩm. Nguyên do là Big C và nhà cung cấp chưa thống nhất được phương án tăng giá. Chính vì vậy mà những nhà cung cấp của hơn 30 mặt hàng này đã dừng việc cung cấp và giao hàng”.


Tình trạng trên đã xảy ra nhiều ngày nay, các nhà cung cấp, nhà sản xuất đề nghị siêu thị tăng giá từ 10-15%, với lý do giá điện, giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu được điều chỉnh do tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, theo giới phân tích, có thể các yếu tố trên ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm nhưng không thể tăng 10-15% như các nhà cung cấp đưa ra. Và thời điểm đưa ra lộ trình tăng giá cũng chưa thật hợp lý.


Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, không ít nhà cung cấp đã lợi dụng tình trạng “té nước theo mưa” để điều chỉnh tăng giá. Nhiều mặt hàng hoàn toàn có thể kìm được giá, nhưng thay vì chia sẻ khó khăn, nhiều nhà sản xuất vẫn cố tăng giá để tăng lợi nhuận. Vì vậy, phản ứng từ chối tăng giá là nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua tại các siêu thị cũng bị ảnh hưởng vì biến động giá cả.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cũng cho biết hiện tượng này không chỉ xảy ra với 1 siêu thị mà nhiều siêu thị đã báo cáo về vấn đề tương tự.


Còn nhớ năm 2009 hệ thống Co.opMart từng từ chối yêu cầu tăng giá của một nhà cung cấp sữa bột. Ngay sau đó siêu thị đã làm việc với nhiều nhà cung cấp mặt hàng sữa khác và cuối cùng đạt được cam kết tham gia bình ổn giá sữa, thậm chí có hãng sữa cam kết mạnh mẽ không tăng giá đến hết năm.


Do đó, các siêu thị tạm dừng việc bán hàng với một số nhóm hàng do không chấp nhận việc tăng giá một cách vô lý nhằm bình ổn giá như Big C Thăng Long và Co.opMart đã và đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.


Được biết, trong một nỗ lực thương thuyết mới đây của BigC, đã có một số nhà cung cấp, cụ thể là hàng hóa mỹ phẩm chấp nhận phương án điều chỉnh giá giảm xuống và cung cấp hàng trở lại cho siêu thị. Thực tế này cho thấy, hoàn toàn có cơ chế để giảm mức tăng giá như hiện nay và không phải mức tăng giá nào cũng là hợp lý.


Nhà cung cấp nói gì?


Trao đổi với PV, đại diện một công ty đang cung cấp hàng hóa cho các siêu thị cho biết, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cũng “cực chẳng đã” mới tăng giá. Do tăng giá đồng nghĩa với việc kém cạnh tranh và có thể giảm lượng khách hàng.


Nhưng giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng cao, cộng thêm tỉ giá, lãi suất cao hiện nay, cũng như điều kiện sản xuất bị ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế vĩ mô chung, nếu không tăng giá doanh nghiệp sẽ lỗ.


“Tại anh tại ả tại cả hai bên?”


Bên cạnh đó, theo một số nhà cung cấp, việc ngừng cung cấp hàng cho các siêu thị không phải khi nào cũng vì tăng giá bán hàng hóa mà còn liên quan đến các nội dung đàm phán đi kèm như lượng hàng, chi phí phát sinh, mức chiết khấu…


Nhiều siêu thị, trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, luôn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đến siêu thị phải thực hiện rất nhiều các khoản chi phí như: phí quảng cáo, in catalogue, khai trương siêu thị mới, sinh nhật mỗi siêu thị, các chương trình lễ hội… Và các chi phí này tăng không ngừng theo từng hợp đồng qua mỗi năm.


Ví dụ, chi phí hỗ trợ sinh nhật của một siêu thị, doanh nghiệp phải tham gia lên đến 10 triệu đồng và con số này luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu chỉ tính vài trăm nhà cung cấp thì đã đành, nhưng mỗi siêu thị có hàng nghìn nhà cung cấp. Và như vậy, hàng nghìn nhà cung cấp nhà đều phải chịu những mức phí cao như vậy, siêu thị được tiếng giá rẻ cho người tiêu dùng còn nhà cung cấp lại không có lời.


Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng rất cần sự chia sẻ giữa nhà cung cấp và các siêu thị trên cơ sở đôi bên hợp tác cùng có lợi trong điều kiện khó khăn chung.


Ví dụ, các siêu thị có thể hỗ trợ giảm chiết khấu, ứng tiền, đặt hàng trước để nhà sản xuất yên tâm. Ngược lại nhà cung cấp cố gắng hạn chế tăng giá, nếu không thể tránh khỏi tăng giá thì hỗ trợ thực hiện khuyến mãi, tặng quà cho người tiêu dùng.


Thêm vào đó, các siêu thị cần xem nhà cung cấp là đối tác đồng hành và các đợt tăng giá cần được đàm phán giữa hai bên để cùng đưa ra mức giá mới, cũng như thời điểm tăng giá hợp lý. Có như vậy hai bên mới có thể hợp tác cùng phát triển và phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Văn Kỳ Thanh
Theo tamnhin
Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc