Home » Thế giới » Vấn đề hạt nhân tại Mỹ: an toàn trước nhất, môi trường xét sau

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đang khiến nhiều nước trên thế giới xem xét lại ngành công nghiệp hạt nhân của mình, trong đó có Mỹ.

[title]

Việc đảm bảo an toàn cho người dân là yếu tố được các chính phủ chú trọng hàng đầu sau khi xảy ra sự cố ở Fukushima, Nhật Bản. (ABC)

Trong số 104 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành tại Mỹ, 23 lò có thiết kế giống với nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima và hai trong số này nằm ở vị trí không ổn định, ngay phía trên đường đứt gãy Thái Bình Dương.

Năng lượng hạt nhân đáp ứng 20% nhu cầu điện tại Mỹ và 70% các loại năng lượng không phát thải khí nhà kính. Trong vài năm qua, năng lượng hạt nhân có vẻ như đang phục hồi vị thế và được ưa chuộng ở nhiều nước với hình ảnh mới là nguồn năng lượng sạch của tương lai.

Ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ cũng đang nỗ lực nhằm gia tăng thị phần như sử dụng lực lượng các nhà vận động hành lang để nhấn mạnh tầm quan trọng và ưu thế của mình với các ‘thương gia chính trị’ tại Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới, không thể kiểm soát được tình hình đang ngày càng xấu đi tại Fukushima, thì các nhà vận động hành lang tại Washington ngay lập tức bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi quan điểm của các nhà chính trị. Cái gọi là ‘Thời kỳ Phục hưng Hạt nhân’ vốn trải qua nhiều năm tạo dựng nay đã chấm dứt chỉ trong một ngày.

Đồng thuận về vấn đề hạt nhân

Trên thực tế, năng lượng hạt nhân là một trong những lĩnh vực hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng Hòa tại Mỹ xét trong bối cảnh có sự khác biệt rất lớn về ý thức hệ giữa hai đảng này trong hầu hết mọi lĩnh vực khác. Nguyên nhân chính của sự đồng thuận này mang tính chính trị thấy rõ.

Vì một lý do nào đấy, có vẻ như các đảng viên Cộng hòa đương nhiên là người ủng hộ nhiệt tình và kiên quyết cho vấn đề năng lượng hạt nhân. Kỹ năng vận động hành lang của ngành năng lượng hạt nhân không thể là lý do duy nhất. Đối với nhiều đảng viên Cộng hòa, ngành công nghiệp hạt nhân rất phù hợp không chỉ bởi nó thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch mà còn vì nó không phải là nguồn năng lượng thay thế có thể tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Một bộ phận đáng kể nghị sĩ Đảng Cộng hòa chưa nhất trí trong tranh luận về hiện tượng ấm lên toàn cầu, do đó, việc họ ủng hộ năng lượng hạt nhân là để nhắm vào các nhà hoạt động môi trường hơn là để bảo vệ chính hành tinh này.

Đảng viên Đảng Dân chủ cũng rất nhiệt tình ủng hộ lựa chọn năng lượng hạt nhân, một phần bởi nó dễ dàng phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa các loại năng lượng nhằm giảm thiểu lượng khí thải cac-bon trong tương lai. Hơn nữa, lý do còn là vì bất kỳ hy vọng nào trong việc giành được sự nhất trí của phe Cộng hòa tại Quốc hội đối với mọi dự luật năng lượng đều bị dập tắt nếu không liên quan tới vấn đề hạt nhân. Tổng thống Obama là người nhiệt tình ủng hộ năng lượng hạt nhân và thậm chí ông đã có những bước tiến xa bằng việc đề xuất các khoản bảo lãnh ngân hàng nhằm giúp các nhà máy điện hạt nhân nhanh chóng triển khai.

Vị thế của ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ

Thế nhưng hóa ra dự luật năng lượng đã không được thông qua và nhiều người nghi ngờ rằng các kế hoạch tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân cũng phá sản.

Thất bại này không phải do chính trị mà do các yếu tố kinh tế. Thậm chí trước khi xảy ra vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima, ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ đã phải vật lộn để tìm nguồn tài chính. Trên thực tế, không có nhà máy điện hạt nhân nào tại Mỹ nhận được sự ủng hộ kể từ vụ nổ tổ máy số 2 của nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island tại bang Pennysylvania vào năm 1979.

Vụ tai nạn này đã khiến công chúng mất lòng tin đối với ngành công nghiệp hạt nhân và nhiều quy định về an toàn được xiết chặt sau đó khiến việc xây dựng các lò phản ứng đắt đỏ hơn nhiều so với trước.

Theo lời của một chuyên gia phân tích nhiều kinh nghiệm thì nhà máy hạt nhân Three Mile Island, từ một cơ sở trị giá một tỉ đô-la đã biến thành khoản nợ 2 tỉ đô-la chỉ trong vòng 90 phút. Tại thời điểm đó, thị trường tài chính Phố Wall đã được một phen hú vía và hiện nay thì nỗi bất an tương tự lại còn dâng cao hơn sau vụ việc xảy ra tại khu phức hợp Fukushima.

Một vấn đề được đặt ra là liệu việc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản lần này sẽ khiến các nước xiết chặt các tiêu chuẩn an toàn ra sao. Một lần nữa, điều này sẽ lại làm cho năng lượng hạt nhân trở nên đắt đỏ hơn trong khi ngành công nghiệp hạt nhân vẫn đang phải nỗ lực để tìm nguồn vốn cho các dự án phát triển mới.

Trên thực tế, việc giải quyết những vấn đề bất cập trong ngành công nghiệp hạt nhân hiện nay cũng tốn kém hơn. Chính quyền New York đang cân nhắc xem có nên tiếp tục vận hành một nhà máy điện hạt nhân cách Manhattan khoảng 40 dặm hay không và các bang khác cũng có kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, việc đóng cửa các nhà máy cũng rất tốn kém. Mối quan ngại lớn hiện nay là về lượng nhiên liệu đã qua sử dụng trong nhiều thập kỷ qua hiện đang được trữ trong các bể làm mát giống như tại nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ tuyên bố rằng cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra cách thức các nhà máy điện hạt nhân trữ nhiên liệu đã qua sử dụng.

Khi năng lượng hạt nhân ngày càng trở nên đắt đỏ hơn thì các nguồn năng lượng tái tạo khác ngày càng rẻ và hiệu quả hơn. Tại Mỹ, chính yếu tố kinh tế của tính an toàn, chứ không phải quan điểm chính trị về vấn đề khí hậu, mới là yếu tố quyết định vị thế của năng lượng hạt nhân trong thị trường năng lượng tương lai.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc