Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Luật sư Fathi Tirbil, người khơi dậy mùa xuân Libya
Ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ lại khởi phát từ vụ cảnh sát của chế độ độc tài Tripoli bắt giam Fathi Tirbil, một luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật.

img11

Benghazi thành trì của phe nổi dậy Libya

Cuộc nổi dậy tại Libya nổ ra từ Benghazi hôm 15/02/11, nhưng ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ Kadhafi lại khởi phát từ vụ cảnh sát bắt giam Fathi Tirbil, một luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật. Đặc phái viên của báo Le Monde tại Libya đã trở lại với vị luật sư, người đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người dân Libya. Le Monde gọi ông là « người làm nên mùa xuân » Libya.

Tác giả bài báo kể lại, tất cả bắt đầu vào buổi chiều ngày 15 tháng hai vừa qua khi mà 23 nhân viên có vũ trang của lực lượng an ninh Libya ập đến nhà bắt vị luật sư Fathi Tirbil, 38 tuổi tại Benghazi. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ sau đó, một số các đồng nghiệp và những nhà họat động nhân quyền biết tin đã kéo đến trụ sở cảnh sát, đòi phải giải thích về sự việc bắt giữ Fathi Tirbil.

Tiếp sau đó hàng trăm người dân khác cũng đổ về trước nơi giam giữ biểu thị tình đoàn kết với vị luật sư vì dân của mình. Họ đâu có biết rằng chính sự kiện Fathi Tirbil đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy lớn thứ ba ở Bắc Phi sau Ai Cập và Tunisia.

Với người dân ở Benghazi thì Fathi Tirbil là một trong những gương mặt hàng đầu của cuộc cách mạng tại Libya. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng từ nhiều năm qua luật sư Fathi Tirbil dành hết tâm huyết làm việc với một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất của đất nước này. Đó là đi tìm sự thật, bảo vệ cho gia đình các nạn nhân của những người bị mất tích trong nhà tù Abou Salim ở Tripoli, nơi mà ngày 29 tháng 6 năm 1995, 1270 tù nhân, mà phần đông là tù chính trị, bị quân đội của chính quyền tàn sát trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Lý do chỉ vì họ đòi cải thiện điều kiện giam giữ và quyền được chăm sóc thăm thân.

Không một thi thể người bị chết nào được trao lại cho gia đình. Không một ai bị buộc tội vì vụ thảm sát này. Gia đình các nạn nhân vẫn ngậm ngùi chịu nỗi bất công nghiệt ngã này trong nỗi sợ hãi cho đến khi luật sư Tirbil dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo bài báo, chính vì kiếm chuyện trấn áp luật sự này nên Mouammar Kadhafi đã mở lại vết thương khơi dậy nỗi đau của những người dân oan bị chính quyền đè nén từ quá lâu nay.

Gặp gỡ với vị luật sư, tác giả bài viết nhận thấy ở anh một con người có lý tưởng, một người bình dị nuôi dưỡng bên trong một niềm khát khao vì công lý. Fathi Tirbil đã từng 5 lần bị cảnh sát Libya bắt và đánh đập. Anh suy nghĩ, cách duy nhất để đối mặt với chế độ độc tài này là bằng luật pháp.

Luật sư Tirbil bắt đầu tập hợp hồ sơ những tù nhân mất tích và theo đuổi vụ kiện chính quyền từ năm 2008 cho đến cái ngày 15 tháng 2 vừa qua thì bị bắt như trên đã đề cập đến.

Nhưng lần này, qua mạng Facebook, người dân đã kêu gọi tập hợp biểu tình toàn quốc. Chính quyền lo ngại và nghi ngờ anh là người xúi dục dân chúng, nên đã yêu cầu luật sư đứng ra kêu gọi dân chúng ngừng biểu tình. Đe dọa không thành và bị sức ép cuối cùng cảnh sát đành thả Fathi Tirbil vào ngày 16 tháng 2.

Ngày hôm sau đó phong trào bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước Libya và kéo dài cho đến nay. Tác giả bài báo kết luận, Fathi Tirbil là người đã mở ra con đường mà theo đó phẩm giá của con người được trỗi dậy mạnh mẽ hơn là nỗi sợ hãi.

Lủng củng trong quốc tế ngay từ những ngày đầu can thiệp quân sự

Chiến sự tại Libya vẫn là những đề tài chính trên các trang nhật báo Pháp ngày hôm nay. Chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya theo tinh thần Nghị quyết 1973 được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua đến nay đã bước sang ngày thứ ba. Nhưng bắt đầu đã xuất hiện những bất đồng đầu tiên trong cộng đồng quốc.

Nhật báo Le Figaro nhận định qua hàng tựa « Rạn nứt xuất hiện trong lòng liên quân”. Trong khi đó, Đức vẫn còn tỏ ra hoài nghi về tính chính đáng của chiến dịch này. Ý yêu cầu phải đảm bảo việc tuân thủ Nghị quyết 1973, lập lờ đe dọa không cho phép sử dụng các căn cứ quân sự của Roma trong trường hợp ngược lại. Cuối cùng tại Matxcơva, Vladimir Putin đã so sánh Nghị quyết 1973 như một « lời kêu gọi của các cuộc thập tự chinh ». Ngược lại, tổng thống Nga Dmitri Medvedev cho rằng sự so sánh này không thể nào chấp nhận được.

Theo Figaro, một bất đồng mới nảy sinh liên quan đến việc ai nắm quyền chỉ huy liên quân quốc tế này. Các chiến dịch hiện nay do Hoa Kỳ điều hành từ sở chỉ huy căn cứ quân sự tại Stuttgart, Đức. Đến giờ quân đội Mỹ tỏ ý không muốn nắm quyền này nữa. Nhiều nước trong khối NATO đề nghị Liên minh này nhận lại trách nhiệm từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, nước Pháp mong rằng NATO chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho liên quân, còn các nước Ả Rập thì phản đối tham gia « một chiến dịch dưới màu cờ của NATO », theo như lời của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé.

Quả là khó xử như nhận định của nhật báo Libération « Người khởi sự thì không phải là lãnh đạo, còn người lãnh đạo thực sự thì lại nói không muốn chỉ huy nữa. » Cuộc chiến tranh Libya mới chỉ ở giai đọan khởi động mà đã xuất hiện những rắc rối mù mờ trong công việc chỉ huy.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhật báo Liberation lại cho rằng « Cuộc phiêu lưu tại Libya đã khiến cho Châu Âu xoay lưng lại với nhau ».

Theo tờ báo, cuộc chiến này nhắc họ nhớ lại cơn ác mộng chiến tranh Irak năm 2003 mà Liên Hiệp Châu Âu đã bị chia rẽ một cách sâu sắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính so với lần trước chính là lần này trục liên kết Pháp – Đức đã rạn vỡ, làm suy yếu tương lai chính sách đối ngoại và quốc phòng của Châu Âu.

Tờ báo tường thuật lại vụ tranh luận gay gắt giữa Ngoại trưởng Đức Westerwelle và người đồng nhiệm Pháp Alain Juppé, nhân cuộc họp Hội đồng các Ngoại trưởng tại Bruxelles, ngày hôm qua. Đức bày tỏ mối quan ngại về các rủi ro cho các thường dân tại Libya và cho Châu Âu, trong trường hợp dư luận Ả Rập bị lật ngược lại.

Các nước khác như Ba Lan, Bun-ga-ry và Cộng hòa Sýp vẫn tỏ thái độ dè dặt. Giờ đây, Pháp và Anh, hai nước khởi sự chiến dịch, chỉ còn biết trông chờ vào sự ủng hộ của các nước còn lại như Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Hy Lạp và một số nước khác. Điều quan trọng hơn đến nay người ta đặt câu hỏi cuộc chiến tại Libya rồi sẽ đi tới đâu khi mà ngay những ngày đầu đã nảy sinh mâu thuẫn ?

Nhiễm xạ thực phẩm : thêm mối đe dọa đến từ thảm họa Nhật Bản

Nước Nhật vẫn chưa thể bước qua được thảm cảnh thiên tai. Đã hơn mười ngày kể từ khi xảy ra vụ động, hết tai họa này đến tai họa khác kéo đến đe dọa người dân Nhật. Tạm yên với nhà máy điện Fukushima một chút thì lại đến chuyện thực phẩm nhiễm xạ. Đây là đề tài được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay quan tâm.

Le Monde cho biết : “Theo Tổ chức Y Tế Thế giới, ô nhiễm phóng xạ trong thực phẩm và nước làm cho tình hình trầm trọng hơn”

Hôm qua thứ hai 21 tháng ba, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi phát hiện sự hiện diện của iode 131 và césium 137 trong sữa tươi và rau xanh tại 4 tỉnh vùng phụ cận với Fukushima. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu những người dân sống gần nhà máy điện Fukushima không nên dùng nước máy do nồng độ iode phóng xạ cao. Không những thế, người ta còn quan ngại cá ở các vùng ven biển và các loại sò có lẽ cũng đã bị nhiễm phóng xạ. Ngành nông nghiệp Nhật Bản giờ đây lại phải đứng mũi chịu sào với một tai họa mới.

Theo nhật báo Les Echos, “Nhật Bản lo ngại cho nguy cơ an toàn thực phẩm và ngành nông nghiệp”. Hiện nay, những người nuôi bò tại vùng Kobe, hay vùng Yamagata, những người trồng táo Aomori và các chủ trang trại thủy sản rất lo sợ các chất phóng xạ rơi xuống, ảnh hưởng đến sản phẩm của họ. Họ cũng nghi ngại cho tương lai trong việc tiêu thụ trong nước và nước ngoài đối với các nhãn hiệu nông nghiệp lớn.

Trước việc phát hiện nồng độ iode 131 và césium 137 cao trong rau quả, chính phủ Nhật Bản phải liên tục lên tiếng trấn an dân chúng rằng hàm lượng nhiễm xạ đo được “không có hiệu ứng ngay lập tức cho sức khỏe con người” và yêu cầu người dân “phải giữ bình tĩnh”. Chính quyền hy vọng giảm thiểu khủng hoảng thương mại tiềm tàng tại vùng Tohoku, từ lâu được xem là cái vựa lương thực của quần đảo này. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp cho các gian hàng trong các siêu thị của Tokyo cũng như một phần xuất khẩu. Riêng năm rồi đã mang lại cho Nhật Bản 481 tỷ yen (tương đương với 4,2 triệu euro).

Theo quan sát của nhiều chủ nhà hàng sushis tại các thành phố lớn, hôm qua, họ đã nhận thấy khách hàng của họ có sự thay đổi thái độ đối với các sản phẩm đánh bắt đến từ vùng Tohoku, nhưng thị trường vẫn chưa có tín hiệu gì về sự đào thải đặc biệt nào về các hàng hóa Nhật Bản.

Chúng tôi theo dõi tiến triển từng ngày để biết xem thời tiết tiến triển thế nào xung quanh lò hạt nhân và các cơn mưa ảnh hưởng như thế nào lên các đồng lúa. Giờ thì vẫn chưa thấy phản ứng nào từ thị thường quốc tế”, theo lời của Ben Savage, một nhà môi giới của tập đòan Jackson Son & Company, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh gạo.

Theo RFI

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc