Home » Kinh doanh » Hà Nội, TP HCM lại tụt hạng về năng lực cạnh tranh
Đà Nẵng lần thứ ba liên tiếp duy trị vị trí quán quân trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2010. Trong khi đó, Hà Nội và TP HCM tiếp tục rớt hạng.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2010 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (16/3). 2 vị trí dẫn đầu không thay đổi so với xếp hạng năm 2009, Đà Nẵng và Lào Cai tiếp tục là các địa phương dẫn đầu về công tác điều hành kinh tế.

Ở vị trí thứ 3, Đồng Tháp đã thay thế Trà Vinh để trở thành một trong 3 địa phương có PCI được đánh giá là “rất tốt” tại Việt Nam.

Qua 6 năm VCCI công bố báo cáo, đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng đứng ở vị trí quán quân (vị trí này trong 3 năm đầu thuộc về Bình Dương). Trong khi đó, cơ quan khảo sát lại ghi nhận sự thụt lùi đáng kể về năng lực cạnh tranh của 2 đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TP HCM.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chúc mừng đại diện 3 địa phương dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010. Ảnh: Nhật Minh
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chúc mừng đại diện 3 địa phương dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010. Ảnh: Nhật Minh

Với 10 bậc thụt lùi so với 2009, Hà Nội trở thành một trong những địa phương rớt hạng mạnh nhất trên bảng xếp hạng năm nay, xếp thứ 43 trong số 63 tỉnh thành. Hà Nội cũng là địa phương được đánh giá là kém nhất trên cả nước về khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Trong khi đó, TP HCM cũng tụt đến 7 bậc, xếp hạng 23 trong năm nay.

Đánh giá chung về PCI năm 2010, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng điểm “đáng buồn” là số lượng doanh nghiệp được xếp hạng rất tốt giảm tử 6 của năm 2009 xuống 3. Ngay cả địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng cũng giảm đến 6,09 điểm (trên thang điểm 100) so với năm ngoái.

Ông Huỳnh cũng lưu ý trường hợp của Bình Dương, khi địa phương này, sau 3 năm dẫn đầu và 2 năm có mặt trong Top 3, đã lần đầu tiên rơi xuống vị trí thứ 5. “Tôi cho rằng đây cũng là bài học cho các địa phương khác về việc chuẩn bị chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh khi đón nhận làn sóng đầu tư mới đang ngày một gia tăng”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện của VCCI, qua 6 năm tiến hành xây dựng PCI, đặc điểm nổi bật được nhóm nghiên cứu ghi nhận là việc cải thiện các nhân tố yếu kém ở hầu hết các địa phương đều tương đối tốt. Tuy nhiên, khi sức cạnh tranh tốt hơn đôi chút thì hầu hết các địa phương lại có dấu hiệu “nghỉ ngơi, dừng lại”. Điều này khiến cho PCI của nhiều địa phương ít được cải thiện trong những năm gần đây.

Trong năm 2010, thách thức lớn nhất đối với khả năng cạnh tranh của các địa phương vẫn nằm ở tính minh bạch khi khu vực này có xu hướng giảm tiếp so với năm 2009. Bên cạnh đó, chi phí thời gian và cảm nhận về thay đổi thủ tục hành chính tại địa phương vẫn chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy vậy, cũng theo VCCI, một số khu vực như đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và khả năng gia nhập thị trường… tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể. Đây là tín hiệu rất tốt trong hoàn cảnh Việt Nam đang cần thu hút đầu tư theo hướng cải thiện công nghệ và giá trị gia tăng. Trên bảng xếp hạng PCI năm nay cũng không còn địa phương nào bị đánh giá là có sức cạnh tranh thấp (năm 2009, Cao Bằng là địa phương duy nhất bị đánh giá ở mức này).

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng điều quan trọng của PCI không phải nằm ở thứ hạng mà phụ thuộc vào những giải pháp mà các địa phương có thể đề ra dựa trên chỉ số này để cải thiện năng lực cạnh tranh: “Chính những dư địa mà PCI có thể chỉ ra cũng như bài học kinh nghiệm mà các địa phương mới là điều mà bảng xếp hạng hướng tới để giúp các tỉnh thành cải thiện các chính sách của mình, từ đó nâng cao sức cạnh tranh chung của nền kinh tế”, ông Lộc khẳng định.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát tại 7.300 doanh nghiệp trên tất cả 63 tỉnh, thành. PCI chủ yếu đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế địa phương. Chỉ số này được xây dựng dựa trên 9 lĩnh vực điều hành, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, minh bạch, chi phí thời gian, chi phí phi chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. 2010 là năm đầu tiên PCI được khảo sát trên cả khu vực doanh nghiệp FDI.

Nhật Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc