Home » Giải trí, Thời Trang - Điện Ảnh » Câu chuyện về tình mẫu tử trong ‘Sao hỏa tìm mẹ’
Từ một cuộc bất hòa có thật, đạo diễn Simon Wells (phim ‘Hoàng tử Ai Cập’) đã sáng tạo nên câu chuyện đặc biệt, xúc động nhưng không kém phần hài hước về mẹ và con trai trong ‘Mars Needs Mom’.

Năm 2007, một tình huống rất đời thường trong gia đình đã khơi nguồn sáng tạo cho nhà làm phim hoạt hình Berkeley Breathed viết nên cuốn sách Mars Needs Mom dành cho thiếu nhi. Trong một bữa ăn tối, cậu con trai Milo của ông không chịu ăn rau, hất chúng đi và giận dỗi bước ra khỏi bàn. Sau khi bỏ đi, Milo đã nói một câu làm tổn thương mẹ cậu bé. Ông đã khuyên nhủ con trai: “Con có thể sẽ nghĩ khác về mẹ nếu mẹ bị người Sao Hỏa bắt cóc đi đấy”. Từ câu nói này, một ý tưởng lóe lên trong đầu Berkeley và ông nhanh chóng bắt tay vào viết cuốn sách Mars Needs Mom ngay trong đêm đó. Ba năm sau, Disney đã mua bản quyền để chuyển thể bộ phim này lên màn ảnh rộng.

Mars Needs Mom cũng được bắt đầu vào một buổi tối. Cậu bé 9 tuổi Milo (Seth Green) có một cuộc cãi vã gay gắt với mẹ mình. Milo lên phòng đi ngủ mà không biết rằng tên lửa của những người Sao Hỏa đã đáp xuống bên ngoài và bắt cóc mẹ cậu bé. Đúng vào giây phút ấy, Milo nhận ra rằng cậu cần mẹ đến nhường nào. Người Sao Hỏa lên kế hoạch bắt cóc những bà mẹ Trái Đất cho lũ trẻ sơ sinh của họ. Milo đã trốn lên phi thuyền không gian và theo tới hành tinh màu Đỏ xa xôi để giải cứu mẹ. Với sự giúp đỡ của những người bạn mới như kỹ sư dưới lòng đất, Gribble, và Ki, một cô gái Sao Hỏa nổi loạn, Milo đã có chuyến phiêu lưu đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim “Mars Needs Mom”. Ảnh: Disney.

Giống như các bộ phim hoạt hình trước đó như A Christmas Carol, Mars Needs Mom sử dụng kỹ thuật chính là Performance Capture – kết hợp giữa diễn xuất của người thật với kỹ xảo máy tính đem đến cảm giác sống động cho người xem. Kỹ thuật này đưa tầm mắt của khán giả đến với thế giới của trí tưởng tượng không có giới hạn, khi mà những nhân vật hoạt hình trên phim đều “diễn xuất” và tạo cảm xúc “thật” hơn cho người xem. Trong phim, chỉ có nhân vật Gribble (do Dan Fogler thủ vai) là người thật, còn lại tất cả nhân vật khác đều là ảo.

Các nhà làm phim đã xây dựng một Sao Hỏa đúng như trí tưởng tượng của những đứa trẻ. Dưới lòng đất là nơi cất giữ nền văn minh của Sao Hỏa và là chốn cư ngụ của người dân. Tiếp đến là khu công nghiệp ngầm, hỗ trợ cho thành phố ở phía trên, với rất nhiều đường ống và máy móc được kết nối với nhau. Tầng thứ ba, đồng thời là tầng quan trọng nhất, là nơi chứa rác thải và những thứ bỏ đi. Tầng thấp nhất là một khu vực ngầm cổ xưa. Các họa sĩ đã tạo nên một hệ thống phức tạp bao gồm đường dẫn, hang động, thang, đường trượt, tàu hỏa một đường ray, cầu, thang máy, những bức tường trong suốt và những bãi rác khổng lồ để cấu tạo thành Sao Hỏa.

Cậu bé Milo - nhân vật trung tâm của phim. Ảnh: Disney.
Cậu bé Milo – nhân vật trung tâm của phim. Ảnh: Disney.

Đồ họa và hiệu ứng hình ảnh trong phim làm khán giả nhớ tới hai bộ phim 3D đặc sắc trong thời gian gần đây là AvatarTron: Legacy. Những đốm sáng bên mặt nước, các loại thực vật trôi bồng bềnh trong không khí với đầy đủ các màu sắc trong phim rất giống với khung cảnh của hành tinh Pandora trong Avatar. Hệ thống đường đi, đèn LED gắn trên những bộ quần áo và súng laze của người Sao Hỏa lại gợi đến không gian Mạng lưới của Tron: Legacy. Tạo hình của nhân vật Ki, cô gái Sao Hỏa cá tính kết bạn với Milo, cũng mang nhiều nét giống với công chúa Neytiri của Avatar.

Đạo diễn Simon Wells và các nhà biên kịch cũng tạo một ngôn ngữ riêng cho người Sao Hỏa và cậu bé Milo phải nghe máy chuyển ngữ do Gribble sáng chế ra thì mới có thể hiểu được. Những giai điệu của nhà soạn nhạc John Powell (phim How to Train Your Dragon) đóng góp phần lớn trong việc tạo cảm xúc cho người xem. Ở những pha hành động, nhạc nền vừa hùng tráng lại vừa mang không khí vui nhộn khiến đối tượng khán giả nhí rất thích thú khi theo dõi. Khi Milo gặp lại mẹ trên Sao Hỏa thì những giai điệu trở nên dịu dàng, da diết hơn gây được sự xúc động mạnh mẽ.

Milo bên người bạn mới - Gribble, một kỹ sư dưới lòng đất ở Sao Hỏa. Ảnh: Disney.
Milo bên người bạn mới – Gribble, một kỹ sư dưới lòng đất ở Sao Hỏa. Ảnh: Disney.

Từ một tình huống tưởng như rất đời thường giữa mẹ và con trai nhưng Mars Needs Mom đưa người xem bước vào một cuộc phiêu lưu phi thường của trí tưởng tượng. Cách kể chuyện đơn giản, dễ xem để khán giả nhí có thể hiểu và cảm nhận được. Điểm nhấn trong câu chuyện phim chính là tình mẫu tử thiêng liêng, được đặt trong những thử thách, những trải nghiệm kỳ diệu trong gần một tiếng rưỡi chiều dài phim. Mars Needs Mom đặc biệt phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Phim được khởi chiếu tại VN từ ngày 25/3 với cả hai định dạng 2D và 3D.

Nguyên Minh

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc