Home » Thế giới » Những sự kiện nổi bật ở Đông Nam Á trong năm 2010

Tại khu vực Đông Nam Á, năm 2010 bắt đầu với nhiều sự kiện. Nổi bật nhất là vụ biểu tình của phe ‘Áo đỏ’ tại Thái Lan dẫn tới sự khủng hoảng của đất nước này từ đầu tháng Ba, và tới cuối năm là cuộc bầu cử mang tính hình thức tại Myanmar sau 20 năm.

[title]

Phe ‘Áo đỏ’ chống chính phủ Thái Lan tại Bangkok, thảm họa tại Lễ hội Nước ở Campuchia và bầu cử lần đầu tiên tại Myanmar sau 20 năm. (ABC)

1. ‘Áo đỏ’ và chiến dịch ‘vấy máu’ tại thủ đô Bangkok

Từ tháng 3/2010, phe ‘Áo đỏ’ chống chính phủ đã đưa Thái Lan rơi vào tình trạng khủng hoảng và thủ đô Bangkok đã được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp. Những người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn tại nhiều nơi, nổi bật nhất phải kể đến là chiến dịch ‘vấy máu’ với tuyên bố lấy 1 triệu cc máu của những người biểu tình để đổ quanh Tòa nhà Chính phủ, hoặc cuộc biểu tình cùng quan tài ở thủ đô Bangkok khiến lực lượng an ninh đã được đặt trong tình trạng báo động hoàn toàn, thậm chí một số nhà lập pháp đã phải trèo tường thoát ra ngoài sau khi phe ‘Áo đỏ’ xông vào tòa nhà Quốc hội ngày 07/04.

Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm Abhisit Vejjajiva sau khi cố gắng duy trì cách tiếp cận hòa bình trước những người biểu tình ‘Áo đỏ’ cuối cùng đã phải sử dụng biện pháp vũ lực để kiểm soát tình hình.

Cuối cùng, cho tới ngày 19/05 thì 7 thủ lĩnh ‘Áo đỏ’ đã đầu hàng giới chức trách và quân đội Thái Lan cũng giành lại được quyền kiểm soát tại khu vực quận thương mại trung tâm Bangkok sau 2 tháng bị chiếm giữ bởi phe ‘Áo đỏ’.

2. Thảm họa tại lễ hội nước Campuchia

Ngày 22/11/2010 được Thủ tướng Hun Sen gọi là “thảm kịch lớn nhất của Campuchia kể từ thời Khmer Đỏ đến nay”. Trong thời gian diễn ra lễ hội nước – một lễ hội thường niên lớn nhất ở Campuchia, đã có gần 350 người thiệt mạng sau một vụ giẫm đạp kinh hoàng trên một cây cầu dây văng nối thủ đô Phnom Penh và Đảo Kim Cương, nơi diễn ra các sự kiện chính của lễ hội. Hầu hết các nạn nhân đã bị giẫm đạp trong lúc tình trạng hoảng loạn lên cao khi một đám đông xô nhau băng qua cây cầu bắc ngang sông Tonle Sap, khiến nhiều người rơi xuống sông và bị chết đuối.

Bệnh viện chính của thủ đô Phnom Penh sau khi thảm họa xảy ra đã đầy rẫy thi thể nạn nhân và chật kín bệnh nhân, phần lớn trong số họ là phụ nữ. Một số người thậm chí phải nằm tại các hành lang để chữa trị. Đã có 10 người Việt Nam thiệt mạng sau vụ giẫm đạp kinh hoàng trên.
Sau khi thảm kịch diễn ra, Chính phủ Campuchia đã tiến hành điều tra cũng như tổ chức lễ quốc tang trong ngày 25/11.

3. Bầu cử lần đầu tiên tại Myanmar sau 20 năm

Lần đầu tiên sau 20 năm và cũng là lần thứ hai trong vòng 50 năm trở lại đây, Myanmar đã tiến hành bầu cử trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, ngay từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, người dân nước này dường như đã biết trước được kết quả bầu cử. Sau nhiều năm nắm giữ quyền kiểm soát đất nước, chính phủ quân sự Myanmar vẫn tiếp tục nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội. Cuộc bầu cử được tiến hành với chủ đích nhằm tạo nên một ‘ảo tưởng’ trong người dân Myanmar về một chính phủ dân sự tại đất nước này.

Trong thời gian diễn ra bầu cử cũng đã diễn ra cuộc nổ súng giữa quân nổi loạn Karen và quân đội chính phủ tại miền đông nam nước này khiến 57 người thiệt mạng. Nghi phạm chính thức bị buộc tội là một thành viên của một gia đình chính trị có thế lực tại Myanmar.

Ngoài ra, vào ngày 13/11 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi – một lãnh tụ dân chủ của Myanmar cuối cùng đã được thả sau 15 năm trong tổng số 21 năm bị quản thúc tại gia. Trong thời gian bị quản thúc, bà thậm chí còn không được phép đi lại trong vườn nhà mình. Mới đây, bà Aung San Suu Kyi đã tới thăm chùa Schwedagon cùng con trai và đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ bà Aung được phép gặp mặt con trai mình.

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc