Home » Thế giới » Kinh tế Myanmar sau cuộc tổng tuyển cử
Vào ngày 7/11, người dân Myanmar đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang và cơ quan lập pháp các cấp lần đầu tiên ở Myanmar trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cuộc bầu cử lần này sẽ không đem lại thay đổi cho đất nước này.
[title]

Cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar được đánh giá là không đem lại sự thay đổi cho đất nước này. (ABC)

Bà Suzanne Di Maggio, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cộng đồng Châu Á, cho biết mặc dù còn quá sớm để nói trước kết quả bầu cử nhưng theo dự đoán, giới quân sự cầm quyền có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, một số báo cáo cũng cho biết, các đảng phái đối lập và các đảng thiểu số khác cũng có cơ hội giành được một số ghế trong quốc hội.

Theo nhận định của bà, cuộc bầu cử lần này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như tính minh bạch và sự đe dọa của nhóm quân sự cầm quyền. Vì vậy, Quốc hội Mỹ hiện đang bắt đầu tính đến phương án tăng cường trừng phạt về kinh tế nhằm vào giới quân sự cầm quyền và các tướng lĩnh quân đội nước này. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhóm nhân quyền ở Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với các yêu cầu quốc tế của Liên Hợp Quốc trong việc tiến hành điều tra tội ác chiến tranh và các vụ vi phạm nhân quyền do các tướng lĩnh Myanmar gây ra. Do đó, bà đánh giá rằng sẽ rất khó để chính phủ của Tổng thống Obama tiếp tục thực hiện các chính sách mang tính xây dựng đối với nước này.

Trong một bài phát biểu, Tổng thống Obama cho biết cuộc bầu cử lần này đã không diễn ra một cách tự do và công bằng như mong đợi. Ông cũng lên tiếng kêu gọi việc phóng thích vị lãnh tụ dân chủ Suu Kyi. Bên cạnh đó, nước Anh nhận định cuộc bầu cử là sự cầm quyền trở lại của một ‘đế chế tàn bạo’. Ngoại trưởng William Hague cho biết Anh sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với Myanmar cho tới khi quá trình cải cách dân chủ và nhân quyền của nước này đạt được tiến bộ.

Kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ

Cuộc bầu cử ngày 7/11 là một bước tiến lớn, tuy nhiên có nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra về việc nền kinh tế của Myanmar sẽ không mấy được cải thiện sau bầu cử. Mặc dù giàu tài nguyên nhưng Myanmar lại là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á với mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 450 đô-la/năm.

Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Sean Turnell thuộc Đại học Macquarie, Sydney, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Myanmar chỉ vào khoảng 2-3% và thấp hơn rất nhiều so với con số mong đợi của chính phủ nước này. Mặc dù sự phát triển kinh tế ở Myanmar chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất khẩu khí thiên nhiên nhưng doanh thu từ lĩnh vực này lại không được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Vì vậy, những người dân Myanmar không được hưởng lợi từ việc tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, ngày càng có nhiều người trở nên nghèo khổ hơn so với mười năm trước đây. ¾ dân số nước này sống nhờ vào ngành nông nghiệp đang tụt dốc. Sự thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng đã khiến cho nông dân không được vay vốn để tăng gia sản xuất, còn cuộc sống của ngư dân cũng trở nên khốn khó. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật nước này còn nhiều yếu kém và tài sản tư hữu thường bị sung công. 20% chi ngân sách nước này là để dành cho quân đội, chỉ có 13% dành cho cả giáo dục và y tế.

Ở khu vực nông thôn, tình hình còn trở nên bi đát hơn rất nhiều, thậm chí người dân nơi đây còn không đủ ăn dù quốc gia này được coi là một trong những ‘vựa lúa’ của Châu Á.

Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng với mức độ phi mã – 25% và hối lộ đã trở thành quốc nạn. Về tiền tệ, có hai hệ thống tỉ giá hối đoái hoàn toàn khác biệt và các ngân hàng thường dung túng cho các hoạt động phi pháp.

Về thương mại, tổng giá trị giao dịch thương mại hai chiều giữa Úc và Myanmar chỉ đạt mức 35 triệu đô-la. Các nhà đầu tư quốc tế cũng tỏ ra lo ngại khi đầu tư vào nước này vì nạn tham nhũng. Vì vậy, theo Phó Giáo sư Sean Turnell, biện pháp hiệu quả nhất là việc Thái Lan và Trung Quốc ban hành lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Myanmar cũng như sẽ không tiếp tục mua khí thiên nhiên của nước này với mục đích nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn thu ngân sách của nhóm quân sự cầm quyền.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà cải cách dân chủ quốc tế đã lên tiếng phản đối việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, trong đó có ngành du lịch.

Theo ông Struan Robertson, Tổng giám đốc Công ty du lịch Spice Road Cycle Tour có trụ sở Thái Lan, cho biết ngành du lịch đóng vai trò tích cực trong việc tạo công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân Myanmar để họ trang trải cuộc sống. Vì vậy, việc ban hành các lệnh cấm vận đối với ngành du lịch sẽ gây ảnh hưởng xấu tới họ.

Tóm lại, về ngắn hạn, cuộc tổng tuyển cử vừa qua sẽ không đem lại bất cứ sự thay đổi nào cho đất nước Myanmar. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, 300 doanh nghiệp nhà nước và bất động sản của chính phủ đã được tư nhân hóa. “Có lẽ là các tướng lĩnh nước này đã tiên đoán trước được sự tất yếu của việc phải đổi mới nên họ đang tìm cách trục lợi cho bản thân”, Karon Snowdon – phóng viên kinh tế của Đài Úc nhận định.

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc