Home » Thời nay, Văn hóa » Học sinh thủ đô sẽ “được” học… nặng hơn?

Học sinh thủ đô sẽ

Chỉ bám theo chương trình chuẩn, thầy trò đã “hụt hơi” (ảnh có tính chất minh họa).
Dự Luật Thủ đô vừa được trình Quốc hội (QH) có khá nhiều nội dung khiến ĐBQH cảm thấy băn khoăn, trong đó có dự thảo quy định: học sinh thủ đô sẽ được học bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình chuẩn.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của QH là người phản đối dự thảo quy định này.

Ông cho rằng, thực tế chương trình phổ thông hiện nay đã bị dư luận đánh giá là nặng, học sinh cứ học đúng, học đủ chương trình đó đã là quá tốt rồi.

Vốn là một người làm trong ngành giáo dục, ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào (Phó trưởng khoa Đào tạo công chức và tại chức, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu: chúng ta đã có Luật Giáo dục với quy định rõ ràng rằng, thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa vậy thì không thể đưa nội dung trên vào luật.

“Có thể căn cứ vào vùng miền, điều kiện kinh tế – xã hội để thu học phí cao hơn hoặc thấp hơn chứ không thể đưa nội dung chương trình của giáo dục vào luật này được”, ông Đào bày tỏ.

Khi nghe thông tin này, chị Nguyễn Thu Ng., một phụ huynh có con học lớp 2 trường Tiểu học Kim Liên lo lắng: Chương trình hiện nay mà ngay giáo viên trường điểm của Hà Nội còn nói với phụ huynh là chương trình nặng, đánh giá khắt khe… Con tôi học mỗi ngày 2 buổi ở trường, tối về còn phải làm bài tập hàng giờ đồng hồ, thứ bảy nào cũng phải đi học thêm ở lớp do chính cô giáo chủ nhiệm tổ chức… Hỏi lý do vì sao phải học thêm thì cô bảo vì chương trình nặng quá. Nếu quy định mới lại còn yêu cầu chương trình của Hà Nội cao hơn hẳn nữa thì không biết con tôi còn phải học thêm đến cỡ nào.

Học sinh thủ đô sẽ

Thực tế chương trình phổ thông hiện nay đã bị dư luận đánh giá là nặng, học sinh cứ học đúng, học đủ chương trình đó đã là quá tốt rồi. (Ảnh minh họa).

Tương tự như vậy, chị T.V.H, có con học ở trường THCS Đống Đa đặt vấn đề: tại sao không đưa ra mục tiêu là học sinh của thủ đô phải có điều kiện học tập tốt hơn, được giáo dục toàn diện hơn chứ không phải nhồi nhét tới 60 cháu trong một lớp, sĩ số gần gấp đôi so với quy định… điều kiện không có gì tốt hơn so với các tỉnh khác thì đừng đặt vấn đề chương trình giáo dục phải cao hơn. “Làm như vậy chỉ đổ thêm gánh nặng lên vai học sinh mà thôi”, chị T.V.H bức xúc.

Trao đổi với PV, nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhìn nhận: nhu cầu học cao hơn so với chương trình chuẩn là một nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh, nhưng không riêng gì Hà Nội, tỉnh thành nào cũng có một bộ phận học sinh nổi trội. Do đó, không thể nói rằng nhu cầu này là đặc thù của người dân thủ đô và đưa thành quy định trong luật.

Ông Đại cho rằng hiện nay chương trình của THPT cũng đã có ban cơ bản và ban nâng cao. Trên thực tế học sinh học ban nâng cao chỉ khoảng 30%, còn lại hầu hết là học ban cơ bản. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh Hà Nội năm vừa qua mới đứng hàng thứ 12-13 so với cả nước… Chỉ nhìn vào những con số đó cũng có thể hình dung nếu sắp tới lại quy định cứ học sinh thủ đô là học chương trình nâng cao là hoàn toàn không phù hợp.

Còn về cơ sở vật chất, theo ông Đại, ngay ở những quận nội thành cũng vấp phải điều kiện cơ sở vật chất quá eo hẹp do thiếu sự đầu tư về quỹ đất, các trường vẫn phải chia ca để học. “Chỉ bám theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT là thầy trò đã hụt hơi rồi”, ông Đại nói.

Ông Đặng Đình Đại đề xuất: hãy bàn đến chuyện làm sao học sinh Hà Nội không phải học trong cảnh chen chúc, thiếu sân chơi, bãi tập, học sinh được giáo dục toàn diện chứ không chỉ nhồi nhét kiến thức để đi thi; người dân không phải xếp hàng trắng đêm để mong có một chỗ học cho con…

“Khi có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên rồi thì hãy tính đến những chuyện cao xa hơn”, ông Đại nói.


Theo 24h

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc