Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Báo chí Nhật Bản kêu gọi tổng thống Obama đừng bỏ rơi Châu Á
Kết quả bầu cử bán nhiệm kỳ ở Mỹ đã đúng như dự kiến, với thắng lợi của đảng Cộng Hoà ở Hạ viện. Riêng tại Châu Á, báo giới Nhật Bản hôm nay e ngại hệ quả là chính quyền Obama bị suy yếu có thể tỏ ra lơ là hơn trên mặt đối ngoại. Các tờ báo lớn Nhật Bản gần như đều đồng thanh kêu gọi Washington tiếp tục hiện diện mạnh mẽ ở Châu Á, trong bối cảnh Tokyo đang căng thẳng với cả Nga lẫn Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Obama trong buổi nói chuyện với các thành viên văn phòng Nhà trắng (4/11/2010) REUTERS/Joshua Roberts

Tờ báo tài chính Nikkei, trong bài xã luận, nhận thấy rằng trong lúc chính quyền Obama phải đối đầu với cơn gió ngược trong nước, thì sẽ không còn nhiều nghị lực trong chính sách Châu Á. Theo tờ Nikkei, Nhật sẽ đối mặt với nhiều điều đáng ngại, trong đó có sự vươn lên của Trung Quốc, cho nên rất cần sự dấn thân, can dự mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên bình diện ngoại giao cũng như kinh tế. Riêng đối với Nhật Bản, tờ báo cho là sẽ cần « thắt chặt hơn quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ để sự dấn thân của chính quyền Mỹ ở Châu Á không bị giảm đi ».

Lời kêu gọi của báo giới Nhật đươc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc sau các vụ va chạm ở vùng đảo tranh chất Senkaku/Điếu ngư, vẫn chưa lắng dịu, và gần đây thì lại căng thẳng với Nga, sau chuyến tổng thống Medvedev đi thăm các đảo tranh chấp Kuriles.

Nhưng không chỉ gởi thông điệp đến chính quyền tổng thống Obama, báo chí Nhật Bản cũng có lời khuyên đối với lãnh đạo Nhật. Tờ Mainichi Shimbun, thúc dục là Nhật cần phải xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Hoà Kỳ bằng cách hợp tác với Quốc hội mới dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Hoà, vì Nhật Bản đang ở trong một tình thế nguy hiểm do nhiều yếu tố, trong đó có các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga.

Những vụ tranh chấp hiện nay của Nhật với hai nước láng giềng trên cũng được báo giới Nhật đặt trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật và Hoa Kỳ cũng bị “trắc trở”, do cuộc tranh cãi hiện nay về căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa.

Tờ Yomiuri Shimbun, tỏ mối quan ngại và cảnh báo là « Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu chỉ trích, tấn công của Quốc Hội mới tại Mỹ nếu Tokyo tiếp tục duy trì ý định giảm tài trợ cho hoạt động của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Nhật Bản ». Báo Asahi cũng tỏ mối lo ngại trước quan hệ Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện nay, và nêu câu hỏi : « Washington sẽ xây dựng lại như thế nào mối quan hệ với Tokyo đã bị vấn đề căn cứ quân sự tại Okinawa làm tổn hại, trong lúc mà vùng Đông Á đang chứng kiến sự vươn lên của Trung Quốc ? »

Làng báo Nhật cũng hy vọng những mối quan ngại trên sẽ đươc tổng thống Obama lưu ý trong vòng công du 10 ngày ở Châu Á khởi sự vào ngày 05/11/2010, lần lượt đưa ông đến Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc để họp thượng đỉnh G20 rồi đến Thượng đỉnh APEC, ở Nhật Bản.

Còn tại Pháp, làng báo vẫn chưa hết ngạc nhiên trước sự kiện, mà họ gọi là ‘’làn sóng cộng hoà’’, tràn vào Quốc hội Mỹ. Đăng ảnh tổng thống Mỹ vẻ mặt đăm chiêu, căng thẳng, báo Pháp nhấn mạnh trong các dòng tựa trang đầu. “Sự trừng phạt đối với ông Obama”, tựa lớn của Le Monde, và « Trận đòn » đối với Obama, là hàng tít mạnh mẽ hơn của Libération.

La Croix và Le Figaro nhìn thấy hệ quả : đó là cuộc chung sống bắt buộc với đảng Cộng Hoà, một cuộc sống chung không dễ dàng chút nào, vì ông sẽ chịu nhiều sức ép, tựa trang nhất của Le Figaro.

Riêng L’Humanité chú ý đến thắng lợi của phe cực đoan cánh hữu Tea Party, « đã khai thác nỗi hoang mang hiện nay », cũng tít lớn trang nhất. Tờ báo còn nhắc lại là đến 60% cử tri không đi bỏ phiếu.

Sự hoà giải Pháp-Trung thể hiện qua hợp đồng thương mại

Sự kiện thời sự khác hôm nay được tờ Les Echos chạy tít lớn trang nhất là quan hệ Pháp – Trung Quốc, nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tờ báo nhìn thấy mối lợi kinh tế đối với các tập đoàn Pháp và nói đến « sự hoà giải qua các hợp đồng lớn ».

Chuyến viếng thăm bắt đầu từ hôm nay, theo tờ báo, là dịp để các tập đoàn lớn của Pháp, Areva, Airbus, Total, ký nhiều hợp đồng quan trọng, gặt hái thành quả của sự hoà giải giữa Bắc Kinh và Paris, được nêu một cách chính thức từ tháng 4 vừa qua.

Tờ báo nhắc lại thông báo của điện Elysée hôm qua : « Những hợp đồng ký kết trong chuyến viếng thăm này quan trọng hơn rất nhiều so với những gì đã ký trong những chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc trong năm nay ». Hợp đồng quan trọng nhất về tay Areva và Airbus. Trung Quốc, theo les Echos, không mua A380, nhưng lại mua khoảng một chục chiếc A350, hai chục chiếc A330 và một số lớn A320.

Không chỉ có bình diện kinh tế, tờ Les Echos cũng như Le Figaro còn chú ý đến khía cạnh chính trị : Tổng thống Nicolas Sarkozy còn muốn lôi kéo Trung Quốc hậu thuẫn cho chủ trương cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế của ông, khi mà Pháp chuẩn bị nắm ghế chủ tịch G20, với cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra vào trung tuần tháng này tại Hàn Quốc.

Theo phân tích của hai tờ báo, hậu thuẫn của Trung Quốc rất cần thiết đối với Pháp, vì Paris đã thấy sức mạnh và khả năng của Bắc Kinh ngăn chận tất cả các thoả thuận quốc tế mà họ không thích.

Theo les Echos, ý muốn của tổng thống Pháp là như thế, nhưng không biết là Trung Quốc sẽ đáp lại như thế nào, vì Bắc Kinh vốn rất thận trọng, thường là chủ trương thay đổi dần dần, từng bước chứ không ào ạt như tổng thống Pháp.

Les Echos trích dẫn chuyên gia Pháp về Trung Quốc, François Godement, cho là chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào phải được đặt trong khuôn khổ chiến dịch chiêu dụ, tấn công ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đối với Châu Âu.

Cho dù Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã thấy họ đã đáng giá thấp tiềm năng đầu tư ở châu lục này. Khủng hoảng kinh tế đã cho thấy mặt yếu của kinh tế Hoa Kỳ, cho nên các ”chiến lược gia” Trung Quốc đã phải cần bằng lại quan hệ kinh tế của họ. Theo tờ báo, những khoản đầu tư kếch xù của Trung Quốc ở cảng Napoli (Ý) hay cảng Athens (Hy Lạp) vừa qua, càng cho thấy ý muốn của Trung Quốc chen chân vào Châu Âu.

Les Echos còn nhìn thấy một khiá cạnh cơ bản hơn nữa là Trung Quốc cho đến nay luôn tìm cách hỗ trợ về mặt chính trị, tài chính cho những nước Châu Âu bị khủng hoảng kinh tế tài chính tác hại nhiều nhất. Ví dụ như Bồ Đào Nha, mà ông Hồ Cẩm Đào sẽ viếng thăm sau Pháp. Bắc Kinh cho biết sẵn sàng mua lại món nợ của Bồ Đào Nha, điều sẽ giúp thủ tướng Bồ Đào Nha José Socrate dể thở hơn, trong lúc mà ông phải thực hiện một chính sách thắt lưng buộc bụng không có lợi gì cho ông về mặt chính trị.

Giai đoạn chuyển tiếp đã bắt đầu ở Bắc Triều Tiên

Nhìn về Châu Á hôm nay, báo Le Monde có bài phân tích về tình hình chuyển giao quyền lực đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên. Trong bài viết tựa đề : ”thời đại chuyển tiếp đã bắt đầu ở Bắc Triều Tiên”, Philippe Pons tìm hiểu về diễn tiến cũng như hệ quả của việc chuyển quyền đến đời thứ 3, ở đất nước khép kín nhất hành tinh. Theo Philippe Pons, các chuyên gia ở Hàn Quốc đã đưa ra 3 kịch bản:

Một là việc thừa kế diễn ra tốt đẹp, Kim Jong Un xuất hiện như gương mặt tiếp nối dòng họ Kim trong một ban lãnh đạo ‘’ít chuyên chế hơn’’. Kịch bản thứ 2 là có phản đối trong nội bộ, tranh giành quyền lực và tạo khả năng can thiệp của ngoại bang. Kịch bản cuối cùng, rất xấu, là việc chuyển giao có những sự cố bất an, dẫn đến việc chính quyền không còn kiểm soát được dân chúng, bất ổn định diễn ra, đất nước rơi vào hỗn loạn.

Tuy nhiên, theo bài báo, phần đông các chuyên gia đến nay đều thiên về kịch bản thứ nhất. Vì quyền lợi của họ, giới đặc quyền phải duy trì được sự ổn định và siết chặt hàng ngũ. Như phân tích của chuyên gia Andrei Lankov, đại học Kookmin (Seoul), việc Kim Jong Il không còn nữa có thể chuyển đổi tình thế, khơi dậy lại các mối hiềm khích xưa và dẫn đến tranh giành quyền hạn. Thế nhưng, tình thế hỗn loạn như trong kịch bản 3 sẽ không xẩy ra vì tại Bắc Triều Tiên không có tổ chức đối lập hay ly khai.

Vả lại vấn đề cha truyền con nối của dòng họ Kim cũng là chuyện bình thường đối với người dân Bắc Triều Tiên, khi mà nó bắt nguồn từ tinh thần dân tộc, gia đình Kim là hiện thân tinh thần kháng chiến chống Nhật.

Tuy nhiên nếu việc chuyển giao quyền lực xẩy ra một cách yên ổn, thì công việc của Kim Jong Un trong thời gian tới không phải là dễ dàng. Người thừa kế trẻ này còn phải chứng minh khả năng. Uy tín của vi lãnh đạo mới tùy thuộc vào việc có đưa đất nước này ra khỏi vũng lầy kinh tế hiện nay hay không.

Vì dẫu sao theo Philippe Pons, cho dù ngoài mặt vẫn không có gì thay đổi, nhưng thật ra xã hội Triều Tiên đã có nhiều biến chuyển, do họ tiếp cận với nhiều thông tin hơn qua buôn bán với Trung Quốc, từ hợp pháp cho đến phi pháp, buôn lậu.

Theo bài báo, nhiều chuyên gia hiện nay đánh giá Kim Jong Un là một người cởi mở hơn đối với bên ngoài, cũng như với viễn ảnh một sự chuyển đổi của chế độ theo mô hình Trung Quốc, mà Bắc Kinh đã từng có lời khuyên.

Trong phần kết luận, tác giả bài báo cũng trích lời cựu thứ trưởng Nhật Hitoshi Tanaka, đánh giá : « Để củng cố thời kỳ chuyển tiếp, Kim Jong Il cần đến bên ngoài, cho nên Bình Nhưỡng sẽ có những bước mở cửa ».

Theo rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc