Home » Văn hóa » Phát ngôn và Hành động: “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”

Người xưa có câu: “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”. Trong cái thời buổi kim tiền đen đỏ này, con người ta cần tiền, cần lợi đến mức độ nào, mà người ta bất chấp tất cả, để mua đắt, bán rẻ cái danh của mình đến thế. Phát ngôn & Hành động tuần này, vì thế, là những lát cắt xoay quanh những câu chuyện thuộc một chủ đề – cái danh.

“Mua danh” 100 tỷ – “bán danh” vô giá?

Có lẽ, cái tít nhỏ trên đây đã quá đầy đủ để nói về tính chất đáng buồn và đáng xấu hổ của sự kiện bộ phim cổ trang lịch sử “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” mà Công ty cổ phần Trường Thành là cha đẻ vừa sinh nở, ngay từ những giây phút đầu, đã không hề có được sự “bố tròn, con vuông”. Nhưng trong xã hội, dư luận số đông dường như không thương xót…

Bài viết phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 26-9, đã nói quá đầy đủ lý do vì sao. Nhưng người viết bài này lại chú ý tới thông tin mới nhất. Đó là Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mở rộng (do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành lập) vừa tổ chức thẩm định lại (lần thứ 2) bộ phim 19 tập này, sau khi đã yêu cầu đơn vị sản xuất phim sửa chữa 4 nội dung theo sự thẩm định và đề nghị của hội đồng (lần thứ nhất).

Tuy nhiên, theo bản tin của VTC, qua lần trình duyệt thứ 2 này cho thấy, việc sửa chữa vội vã của đơn vị sản xuất đã khiến hình ảnh và lời thoại trong phim nhiều đoạn không khớp, hình một đằng, thoại một nẻo. Quan trọng nhất, những sự kiện chính sử đã không được tôn trọng.

Mặt khác, tuy tên bộ phim là “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” nhưng chỉ có 1-2 tập phim đề cập chủ đề này, số còn lại phản ánh cuộc tranh giành quyền lực trong các triều đại. Những cảnh chém giết nhau được mô tả khá kỹ, thể hiện tính dã man, tàn độc của những người tranh ngôi, đoạt vị.

Nếu để “nhặt sạn” ở bản phim đã sửa thì còn nhiều vô cùng. Vậy mà cảm nhận chung của những ai đã tiếp cận với bản phim đã sửa lần 2 này là “yếu tố Trung Hoa” vẫn đậm đặc ở bối cảnh, trang phục, đạo cụ, những cảnh diễn xuất sử dụng diễn viên quần chúng là người Trung Quốc (!)

Nếu yêu cầu bỏ hết các chi tiết, yếu tố ảnh hưởng Trung Hoa trong phim thì chỉ có… bỏ phim. Được biết, ý kiến chốt lại của phía Hội đồng Duyệt phim là kiến nghị không phát sóng bộ phim trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Yếu tố Trung Hoa" vẫn đậm đặc trong phim

Có thể, Công ty cổ phần Trường Thành cũng có thiện chí, muốn đóng góp một sản phẩm nghệ thuật đích thực trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, và qua đó “lăng-xê” tên tuổi, thương hiệu công ty mình trong nghiệp kinh doanh, sản xuất loại hình nghệ thuật thứ 7. Thế nhưng, sự non kém về lịch sử, tâm lý “vọng ngoại” quá nặng che lấp đi sự sơ sài của hiểu biết về một loại hình nghệ thuật khó tính, cuối cùng đã hại chính cái tên hiệu – Trường Thành.

Ném 100 tỷ đồng để mong muốn mua danh (khẳng định tên tuổi), nhưng cuối cùng hóa ra, Công ty cổ phần Trường Thành lại bán danh một cách “vô giá”- (không có giá)!

Chỉ có một điều người viết bài này tự hỏi: Vì sao trong bộ phim có cả những họa sĩ, những nhà nghiên cứu tên tuổi tham gia với các trách nhiệm và vai trò khác nhau, mà lại để bộ phim thành “đứa con lai”?

Đâu là nguyên nhân chính? Tiền bạc, sự ngây thơ hay sự kém cỏi trên giao lưu thương trường và văn hóa? Có lẽ, giờ đây, thì tiền bạc hay tên tuổi cũng chẳng mấy nghĩa lí khi mà nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Họ sẽ phải chịu “một phần trách nhiệm với lịch sử văn hóa dân tộc”. Đó mới chính là sự bẽ bàng của người làm nghệ thuật, làm văn hóa, nếu như họ còn có lòng tự trọng.

Bỗng nhớ đến những thế kỷ trước, những chặng đường đi của dân tộc đầy giông bão chiến tranh xâm lược hết phương bắc lại đến phương tây. Vì sao trong những đêm dài Bắc thuộc, nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng dân tộc Việt vẫn còn, vì văn hóa Việt, hồn Việt vẫn trường sinh và bất tử, vẫn thấm đẫm trong những giá trị tinh thần, văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Còn nay, ở thời hiện đại, đất nước hoàn toàn độc lập, tự do, mà tâm lý của một số người tự cho là làm văn hóa lại “vong nô” đến vậy?

Họ có biết rằng văn hóa dân tộc tiêu vong, thì nước vẫn còn đó, nhà vẫn còn đó, nhưng dân tộc rất có thể đã…mất lúc nào không hay. Đó mới là nỗi đau, nỗi nhục thấm thía của những người Việt còn lương tri, và trọng danh dự khi xem bộ phim.

Chắc những người làm văn hóa và những người quản lý văn hóa phải “ngộ” được điều âm thầm mà sâu sắc đó trước công chúng?

Nhìn ra thế giới, có thể thấy “sự mất nước mà không mất…dân tộc” ở hiện tượng dân tộc Do Thái. Không một miếng đất cắm dùi, đi ở đậu hầu khắp các nước trên trái đất, thế nhưng, người Do Thái với ý thức và sự gìn giữ bản sắc, cùng những giá trị văn hóa bất biến của mình, vẫn là một dân tộc đầy quyền uy mà không dân tộc nào có thể phủ nhận. Ngược lại, họ còn nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới. Chỉ riêng trong họat động khoa học, nghệ thuật, chính trị, họ đã « cho » thế giới lượng tài sản văn hóa, nghệ thuật đáng nể. Tổ quốc Do Thái “tồn tại” ngay tại những vùng đất mà người Do Thái ngụ cư.

Người làm luật “đánh bạc” với pháp luật

Không chỉ có Công ty cổ phần Trường Thành “bán danh” mà có một vị quan chức tại Quảng Bình đã từ lâu, cũng mang danh của mình “đi bán”, khi ông ta thường xuyên tổ chức đánh bạc tại nhà mình, đến mức người dân ở t/p Đồng Hới không ai không biết, ngôi nhà 3 tầng, kín cổng cao tường của ông là “sới bạc” to của những con bạc có máu mặt ở đây.

Điều đặc biệt nhất, quan chức này lại chuyên hành nghề về pháp luật, có thẩm quyền phán xét những kẻ tội phạm. Đó là ông Nguyễn Thường Phi, Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Quảng Bình.

Quan chức luật pháp có quyền đứng trên luật pháp? Ảnh TPO


Theo báo Tiền Phong, cứ sau giờ làm việc hành chính buổi chiều là mọi con bạc – trong đó có nhiều quan chức của tỉnh, lại lũ lượt kéo nhau đến nhà ông Phi. Người đi ô tô, người thì xe máy… họ vào trong, im ắng và ra về thường là 2-3 giờ sáng. Không đêm nào những hàng xóm của ông Phi không bị thức giấc vì tiếng xe máy, tiếng ô tô tăng ga, tiếng chó sủa… Và đôi lúc còn được nghe lời cãi cọ qua lại vì chuyện ăn thua. Mỗi đêm bạc, ông Phi cũng thu được hơn 10 triệu đồng tiền xâu (!).

Trước thông tin gây bức xúc dư luận xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình đã phải vào cuộc xác minh vụ tổ chức đánh bạc tại nhà ông Nguyễn Thường Phi.

Một sự trùng hợp lạ lùng: Không hiểu sao mà các vị quan chức đầu ngành của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình, lại ngang nhiên chà đạp lên luật pháp đến vậy? Cách đây ít lâu, báo chí, xã hội đã ngỡ ngàng và rất phẫn nộ trước hành vi của ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng, lái xe đâm phải một lúc 3 người, trong đó có một em bé, còn lại là 2 người phụ nữ. Sau đó, ông Tâm lái xe chạy, để lại cả 3 người bị thương nặng, có người bất tỉnh ngay tại chỗ.

Hay vì là quan chức luật pháp, nên có quyền đứng trên pháp luật?

Sự việc tổ chức đánh bạc tại nhà riêng, biến nhà riêng thành sới bạc ra sao của ông Nguyễn Thường Phi, còn phải đợi cơ quan chức năng điều tra, kết luận và xử lý. Nhưng với cung cách dám “đánh bạc” với cả pháp luật và dư luận này của ông Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Quảng Bình, thì rõ ràng máu “ăn thua” của ông Nguyễn Thường Phi không thường tí nào, mà có thể thách thức “ngang ngửa” với thần công lý.

Có điều, người dân Quảng Bình bây giờ, giả sử có việc không may phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp, họ biết trông vào sự nghiêm minh, vào cán cân công lý ra sao, nếu tận mắt thấy tai nghe về tư cách cán bộ đầu ngành của cơ quan pháp luật tỉnh này đây? Khi niềm tin bị mất, thì sự coi thường, thậm chí là khinh bỉ sẽ…xuất hiện!

Anh hàng thịt, nhưng hồn không phải của Trương Ba!

Cái sự “bán danh” ấy xem ra không phải chỉ là của một công ty cổ phần kinh doanh nghệ thuật thứ 7, hay của một ông quan chức ngành kiểm sát máu mê đen đỏ. Dường như từ lâu, nó cũng đã âm thầm “ký gửi” ở một ngành, vốn được coi là mô phạm, là chuẩn mực của sự làm người trong xã hội: ngành giáo dục.

Ngày 29-9, VietNamNet đưa tin: “Đoàn thanh tra Sở GD và ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện một loạt trường học có nhiều sai phạm thu, chi không rõ ràng các khoản ngoài học phí”.

Thừa Thiên- Huế là đất học cố đô có truyền thống. Điều đáng nói là hình như không một ai trong xã hội chúng ta, kể cả những người có con tim nhạy cảm nhất thấy xúc động, hoặc bất bình, hoặc buồn rầu trước những thông tin như thế…

Nền giáo dục biến học sinh thành… con tin! Ảnh Đất Việt


Bởi chuyện thu tiền bạc không chính danh của nhà trường, của giáo dục… đã không còn là chuyện lạ. Ngược lại, nó như một “con lũ” mà từ lâu các gia đình đã phải chung sống, khi con trẻ vẫn phải đi học. “Con lũ” ấy khiến cho cái danh thiêng: “Dạy học – nghề cao quý” cũng rơi vỡ tan tành trong hồi ức người dân tự lúc nào, như một câu chuyện cổ tích đẹp mà không có thực.

Trả lời phóng viên VietNamNet hôm 23-9, GS. Hồ Ngọc Đại có câu phát ngôn thật ấn tượng: “Giờ người ta gửi con đến trường là gửi con tin. Một nền giáo dục biến học sinh thànhcon tin.

Một khi học sinh đã là “con tin” thì chỉ có sự đổi trao ngang giá, không thể có chuyện “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Cái giá đổi trao ấy là gì, nếu không phải là đồng tiền?

Thế nhưng ngay cả sự đổi trao tưởng chừng ngang giá ấy giờ cũng không còn minh bạch, rành mạch nữa. Chính điều đó, khiến nhà trường là…thương trường. Điểm số của học sinh được chấm theo kiểu “điểm đắt, điểm rẻ”…

GS Hồ Ngọc Đại có lý khi nhận xét: “Phụ huynh lâu nay ấm ức vì họ không biết tiền nhà trường thu dùng vào việc gì, chứ không phải vì phải nộp tiền“.

Sự chính danh của một ngành, một nhà trường, một ông thầy từ lâu cũng không còn.

Cái sự mù mờ của đổi chác, nó làm tổn thương biết bao những người thầy có lòng tự trọng. Một cô giáo đã phải khóc và nói với GS: “Thầy ơi, đáng lẽ ra đường em phải ngẩng mặt lên, nhưng ra đường em phải cúi gằm xuống thầy ạ. Ngượng. Dạy như thế này thì được cái gì thầy nhỉ? Bắt người ta học như thế này thì được cái gì?” Vì trên thực tế có em học hai năm trời không biết đọc, biết viết, học vu vơ những cái không biết để làm gì“.

Nhưng có bao nhiêu dòng nước mắt như thế chảy trong những ngôi trường là thương trường này?

GS Hồ Ngọc Đại phải thốt lên: “Tiền nong có gì mà không sáng rõ? Giấy bạc có con số hết, có gì mà mù mờ? Cái lòng anh, cái óc anh nó mù mờ. Thầy giáo mà mù mờ cái đó là mất sạch. Phụ huynh đưa tiền cho anh nhưng họ khinh anh…Thầy giáo cũng như thầy tu, có sự thiêng liêng của nó. Anh vụ lợi là mất hết. Anh nhận đồng tiền vụ lợi thì anh mất thiêng.

Bố mẹ học sinh đã đưa đồng tiền cho người thầy thì coi họ và anh hàng thịt giống nhau. Bố mẹ học sinh khi mất đồng tiền thì họ ý thức được họ mất mấy cân thịt, mấy cân gạo, mặc dù thái độ của họ bên ngoài rất lịch sự. Đối với anh, người ta cư xử như vậy mà anh không hiểu. Mất cái đó, người ta đòi lại cái gì, đó là sự khinh bỉ…”

Liệu có bao nhiêu ông giám đốc sở GD, bao nhiêu ông hiệu trưởng, bao nhiêu người giáo viên ý thức được hết, cái giá đắt phải trả – danh dự nhà giáo, danh dự giáo dục khi đóng vai “anh hàng thịt”, mà hồn lại không cao cả, không có cốt cách của Trương Ba?(Mượn ý vở kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ- “Hồn Trương Ba, da anh hàng thịt”).

Cái phong bì càng dầy dầy, cái nhân cách càng mỏng mỏng. Cái đồng tiền càng to to, cái niềm tin càng bé bé… Giai điệu “Sắc màu” của nhạc sĩ Trần Tiến tự nhiên vang lên trong lòng người viết bài này, nhưng là những “sắc màu” chua chát về phẩm cách!

Đồng tiền thu về càng nhiều, thì cái danh thiêng của ngành giáo dục, của nhà trường, của người thầy…cũng càng lần lượt bỏ ra đi.

Có điều, một khi những giá trị thiêng liêng nhất – nền tảng đạo lý, tinh thần, văn hóa ứng xử, đạo làm người…của xã hội đã mất thiêng, đã suy tàn héo úa, thì đó không chỉ là thảm họa cho tương lai, mà trước hết là thảm họa cho chính hiện tại của dân tộc.

Con đường cong và cái tâm…cong

Báo Tiền Phong số 183 gần đây, có bài “Nắn đường né nhà chủ tịch tỉnh?”, phản ánh việc con đường Bạch Đàn ở phường 4, TP Vĩnh Long “né” nhà Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu. Không biết, ông Chủ tịch Đấu phẩm cách nghiêm túc, đường bệ đến dường nào, mà đến cái con đường vô tri vô giác cũng phải sợ, phải né?

Thế nhưng đọc kỹ bài báo, hình như không phải thế.

Tóm tắt chuyện cái con đường “nhút nhát” là thế này: “Khi công bố quy hoạch con đường Bạch Đàn, rộng 30m, chạy giữa đất của ông Đấu và bà Lê Thị Kim Khoa, khiến đất của ông Đấu mất gần hết. Đó là khi ông Đấu còn lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước. Sau khi ông Đấu lên làm Chủ tịch UBND tỉnh, cuối năm 2009, con đường hoàn thành giai đoạn 1, thì hiện rõ giai đoạn 2 sẽ đâm vào nhà của bà Khoa, lấy gần hết đất của bà Khoa. Trong khi đó, đất của Chủ tịch Đấu lại chỉ mất có 4m, còn gần 15m chạy dài khoảng 100m theo con đường sẽ mở”.

Con đường cong hay cái tâm cong của người có chức quyền?

Trước tình hình dư luận xã hội xì xào, nghi vấn, ngày 12-8, UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn do Phó CT tỉnh Trương Văn Sáu gửi Bộ TT- TT giải trình việc này. Tuy nhiên, đọc kỹ công văn “thanh minh thanh nga” thì hình như cũng không phải thế.

Đến lượt công văn của chính UBND tỉnh cũng lại “né” sự thật, không trả lời được câu hỏi của người dân Vĩnh Long, của xã hội là: Vì sao con đường phải “bẻ cong”, khiến cho nhà Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu được hưởng “trọn lợi ích”?

Con đường cong hay cái tâm của người có quyền lực, và người thực thi quyền lực ở tỉnh Vĩnh Long…cong?

Cũng vì cái con đường “nhút nhát” ấy khiến bà Lê Thị Kim Khoa nổi cơn dũng cảm khiếu nại, vì cho rằng bà đã bị thiệt hại gần 10 tỷ đồng và giá trị ấy “nhảy sang nhà Chủ tịch Đấu”. Bà Kim Khoa còn khiếu nại cả việc quy hoạch, chứ không phải chỉ khiếu nại giá bồi thường như công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long trình bày.

Cũng cần nói thêm một vấn đề nữa mà công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn tiếp tục “né”. Đó là việc điều chỉnh làm cong con đường còn có dấu hiệu vì lợi ích cục bộ của nhiều cán bộ khác ở tỉnh Vĩnh Long.

Vì theo báo Thời Nay (một ấn phẩm của báo Nhân Dân), đường Bạch Đàn mới thi công xong 480m của giai đoạn 1 đã biến nhà của gần 20 cán bộ lãnh đạo, cán bộ đầu ngành tỉnh Vĩnh Long được tỉnh cấp đất trước đó để ở, từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền hoành tráng. Có thể liệt kê một loạt danh sách: Nhà GĐ Sở Xây dựng, Phó GĐ Sở Giao thông- Vận tải, Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long, GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… và nhiều cán bộ lãnh đạo khác…”.

Ôi chao, toàn các cán bộ có danh như thế thì cái con đường vốn nhút nhát, cứ “né”, cứ “né” là phải.

Thế nhưng, nghĩ cho kỹ, thì tuy lợi lộc rõ là “mặt tiền”, nhưng cái danh (dự), cái thanh danh của không ít cán bộ cốt cán tỉnh Vĩnh Long, đứng đầu là Chủ tịch Phạm Văn Đấu, trong lòng người dân Vĩnh Long nói riêng, xã hội nói chung, chắc là “ngồi sau cùng”! Tin là thế.

Chỉ có một sự thật cay đắng đang hoành hành: Trong xã hội chúng ta, tài năng, năng lực quan chức cốt cán có lẽ không đến nỗi “nghèo”. Nhưng nhân cách hành xử, cái tâm làm việc vì lợi ích chung, vì dân, vì nước có vẻ như đang ngày càng thuộc loại “xưa nay hiếm”. Vì thế, cái danh của không ít quan chức tự lúc nào trong lòng người dân, trong lòng xã hội, bỗng trở nên nhẹ bẫng, vì nó đã bị đồng tiền, bị lợi ích cá nhân họ, lợi ích gia đình họ… cuốn đi. Không ai hỏi mua, mà thanh danh của các vị “cứ cuốn đi…cứ cuốn đi…cứ cuốn đi…”

“Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”- câu thành ngữ xa xưa, vẫn nóng hổi những tháng năm không bình yên này.

Có ai, ngành nào, công ty nào, quan chức nào, trí thức nào, nghệ sĩ nào…muốn bán danh k…h…ô…n…g?

Kỳ Duyên

(Theo tuanvietnam)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc