Home » Văn hóa » Gốm Phù Lãng tập trung vào thị trường nội địa
Sau một thời kỳ khá dài chịu ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế, đến nay làng gốm Phù Lãng đã phần nào hồi sinh. Dù chưa được như thời kỳ hưng thịnh song nghề gốm cũng đã đóng góp gần 26% tổng giá trị sản xuất của các ngành nghề trong xã. Tuy nhiên, để nghề gốm Phù Lãng phát triển bền vững và tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhất là thị trường trong nước vẫn còn không ít việc cần làm.

Sản xuất đồ gốm mỹ nghệ tại HTX Gốm Phù Lãng.

Theo thống kê, hiện nay Phù Lãng có 250 hộ với 1.000 lao động sản xuất thường xuyên. Trong đó có nhiều cơ sở sản xuất gốm đã nổi tiếng trên cả nước như gốm Nhung, gốm Thiều, gốm Tại, gốm Ngọc… Với bàn tay khéo léo và nhiệt huyết với nghề, các nghệ nhân thế hệ mới này đã và đang sáng tạo, phát triển những tinh hoa của nghề gốm.

Gốm Phù Lãng đã cho ra đời nhiều mẫu hàng mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp gốm tại Phù Lãng giờ đã mở những chi nhánh, cửa hàng tại Hà Nội và Đà Nẵng. Gốm Ngọc đã chủ động quảng bá sản phẩm của mình lên mạng Internet, bước đầu đã được khách hàng quan tâm chú ý.

Chúng tôi tới thăm xưởng sản xuất của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tại đúng vào thời điểm cơ sở vừa dỡ lò cũ, đang chuẩn bị cho một mẻ lò mới. Những sản phẩm thô, sản phẩm đã hoàn chỉnh bày la liệt, chàng sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp này cho biết chỉ một vài ngày nữa, tất cả các sản phẩm này đều được chuyển tới các địa chỉ tiêu thụ trong nước. Cơ sở đang chuẩn bị chọn một số mặt hàng gốm phong thuỷ và gốm mỹ nghệ đặc sắc để tham dự triển lãm hàng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc lần thứ III sắp được tổ chức tại Bắc Ninh. Đây là một dịp tốt để cơ sở cũng như làng nghề gốm Phù Lãng giới thiệu rộng rãi với bạn bè trong khu vực. Thời gian này cũng có nhiều sản phẩm gốm Phù Lãng tham gia Festival gốm Việt Nam đang được tổ chức tại Bình Dương.

Mặc dù gốm Phù Lãng đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Nên, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng vẫn trăn trở với việc các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ ở đây vẫn chưa chủ động được về thị trường. Phần lớn các sản phẩm đều được bán thông qua đại lý ở Hà Nội và các thành phố lớn. Ví dụ sản phẩm bình gốm trung bình có mức giá 40-45 nghìn đồng/chiếc nhưng tại thị trường Hà Nội có giá gấp đôi hoặc cao hơn. Hầu hết những lô hàng gốm của Phù Lãng xuất ra nước ngoài đều phải thông qua các cơ sở gốm ở nơi khác. Chỉ có một số ít sản phẩm được bán cho khách du lịch và khách tham quan.

Hiện nay, ở Phù Lãng vẫn tồn tại tình trạng sản xuất gốm manh mún, mạnh ai nấy làm, tình trạng làm theo phong trào khiến lượng hàng hóa cung vượt cầu cũng khiến sản phẩm bị tồn đọng. Đó là chưa kể, trước đây, hầu hết các sản phẩm gốm Phù Lãng chủ yếu phục vụ xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường trong nước. Nay nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường nội địa nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Lý do là mặc dù thị trường nội địa có tiềm năng nhưng lại cần một lượng vốn nhất định, trong khi đó hầu hết các cơ sở sản xuất đều thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay bởi không đủ thủ tục cần thiết nên vẫn phải qua các đối tác trung gian.

Như vậy ở một góc độ nào đó các nghệ nhân làng gốm Phù Lãng vẫn chỉ là những người “làm thuê”. Phần lợi nhuận đáng kể nhất thu được từ hoạt động thương mại thì họ không được hưởng. Thương mại điện tử, một trong những cách thức tiếp cận thị trường hiệu quả và chi phí thấp vẫn chưa được áp dụng phổ biến ở nơi đây.

Thêm nữa, làng nghề gốm Phù Lãng dù có nhiều nét văn hoá đặc sắc song chưa thể trở thành điểm đến tham quan cho khách du lịch. Được biết, hiện Viện Nghiên cứu Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam được sự tài trợ của Quỹ Châu Á đang phối hợp với địa phương triển khai chương trình xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại Phù Lãng. Hy vọng chương trình này sẽ thành công góp phần phát triển làng gốm Phù Lãng với nhiều nét văn hoá đặc sắc.

Theo bacninh


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc