Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Phút trải lòng của GS Ngô Bảo Châu

“Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi, tôi đã có một thời gian căng thẳng nhất và một đêm khủng khiếp nhất. Tôi đã thức trắng để nghiên cứu cho ra công trình vì nếu không thành công thì tất cả sẽ sụp đổ, mọi cố gắng đều trở thành vô vọng” .

Quá bận rộn với công việc chuẩn bị cho đại hội Toán học thế giới, tranh thủ về Việt Nam được khoảng 1 tuần, lịch làm việc của GS Ngô Bảo Châu cũng dày đặc. Phóng viên đã có dịp tiếp cận anh trong chuyến thăm nhà cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hà Nội. Và chúng tôi đã được anh dành thời gian trò chuyện về công việc và cuộc sống hiện tại.

 

GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Từ Lương)

Nếu được giải thưởng Fields, tôi sẽ phải chịu nhiều áp lực!

Mọi người đánh giá anh là ứng cử viên “nặng ký” của giải thưởng Fields – một giải thưởng lớn được ví như giải Nobel trong lĩnh vực Toán học. Nếu được giải thưởng, liệu công việc của anh có thay đổi?

Nếu nhận được giải thưởng, bản thân tôi nghĩ sẽ không thay đổi gì nhiều. Tôi muốn ổn định. Tất nhiên tôi sẽ chịu nhiều áp lực hơn đối với xã hội. Tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn với xã hội. Nếu đúng đuợc giải thưởng thì đó là niềm tự hào lớn của tôi.

Trước anh đã có nhiều người nghiên cứu “Bổ đề cơ bản” mà chưa thành công. Vậy anh giải quyết “Bổ đề cơ bản” này như thế nào? Anh có chịu áp lực về tâm lý nhiều không?

“Bổ đề cơ bản” có rất nhiều người làm nhưng là những công trình lẻ tẻ chứ chưa có công trình tổng hợp. Đến năm 2003, lúc đó tôi mới có ý tưởng với cách nhìn hoàn toàn mới về “Bổ đề cơ bản”. Mọi người rất tin tưởng về cách nhìn mới đó và cổ vũ rất nhiều cho tôi. Sau đó, tôi làm việc với thầy giáo là GS G.Laumon và được trao Giải thưởng Toán học Clay vào tháng 6/2004. Công trình này được chú ý vì đây là con đường mới hoàn toàn.

Thực ra, trong khi giải “Bổ đề cơ bản” tôi có vài chỗ sai sót phải sửa lại, tôi rất căng thẳng nhưng dù sao lúc đó tôi tự tin hơn vì mình có ý tưởng làm công trình. Nếu mình làm sai thì sẽ có người khác tiếp tục con đường nghiên cứu, do vậy tâm lý tôi vững vàng hơn nhiều. Nên chuyện đạt được hay không tôi nghĩ không quan trọng. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng con đường rồi, nếu mình làm đuối sức thì có người khác làm.

Khi tôi quay lại làm “Bổ đề cơ bản”, tôi có tên tuổi nào đó rồi tôi đã nhận được rất nhiều lời cổ vũ động viên của đồng nghiệp và họ tin rằng tôi sẽ thành công. Bây giờ thì nghiên cứu đã trọn vẹn.

Tôi đã trải qua giây phút khủng khiếp nhất trong sự nghiệp

Như mẹ anh từng tâm sự, sự khổ luyện của anh trong làm toán rất kinh khủng và mẹ anh rất xót xa. Anh có thể kể lại kỷ niệm nào đó về sự khổ luyện, kiên nhẫn của mình để chinh phục đỉnh cao toán học?

Thật ra nói về khổ luyện thì tôi thấy mình không khổ lắm. Nhưng có một vài lần, thật sự là thử thách. Thử thách lớn nhất là tôi làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Ở Pháp nghiên cứu sinh thời gian là 4 năm, trong khi đó hơn 3 năm rồi mà tôi chưa có một tí kết quả nào để có lý do bảo vệ. Áp lực lúc đó với tôi rất là lớn. Rất may vào thời điểm đó, tôi tìm được ý tưởng vì với toán học tìm được ý tưởng thì tất cả sẽ được giải quyết.

Khi tôi ngồi viết ý tưởng đó, tâm lý rất căng thẳng vì có ý tưởng nhưng lập luận không chặt chẽ là toàn bộ nghiên cứu bỏ hết. Trong thời gian căng thẳng đó, vào 1 buổi tối tôi phát hiện ra 1 lỗ hổng và đêm đó là đêm khủng khiếp nhất. Tôi đã thức trắng để nghiên cứu cho ra vì nếu không thành công thì tất cả sẽ sụp đổ, mọi cố gắng đều trở thành vô vọng.

Sáng ngày hôm sau, tôi gặp thầy giáo của tôi và hỏi có sai chỗ nào không. Thầy giáo xem và bảo tôi cậu làm việc nhiều quá nên lo, không sai đâu. Lúc đó, tôi trấn an lại và thấy mình lo quá nên cứ nghĩ sai. Sau này, tôi cũng gặp rất nhiều chuyện nhưng không để lại dấu ấn như vậy.
me20NB
GS Ngô Bảo Châu và mẹ.

Những người thầy giáo nào ảnh hưởng lớn nhất trong con đường khoa học của anh?

Khi tôi còn bé, tôi bị ảnh hưởng rất lớn là anh Phạm Ngọc Hùng, anh Lê Tuấn Hoa (hiện là Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam), anh Vũ Đình Hòa… đó là những người kèm cặp tôi học Toán từ 6h tối đến 10h đêm, ngày nào cũng vậy. Họ thực sự truyền niềm đam mê toán học cho tôi.

Khi sang Pháp thì tôi gặp GS G.Laumon (người cùng giải thưởng Clay), ông thực sự dạy tôi vượt qua được thử thách từ nghiên cứu toán sơ cấp sang toán hiện đại.

Sau đó, người thầy thứ 2 của tôi là GS ở ĐH Chicago và cũng chính thầy là lý do chính để tôi sang giảng dạy tại ĐH Chicago. Thầy đã dạy dỗ tôi rất nhiều. Tôi thực sự kính phục thầy.

Lý do đến được gặp thầy cũng rất đơn giản, thầy cũng là người nghiên cứu “Bổ đề cơ bản” đã lâu nhưng chưa thành công. Khi tôi nghiên cứu “Bổ đề cơ bản”, tôi chỉ biết tên ông. Tôi đã viết thư cho ông ấy là muốn làm “Bổ đề cơ bản” , tôi nghĩ ông ấy không để ý nhưng ông ấy mời tôi đến làm việc. Trong lần gặp đầu tiên, ông ấy đã nói cho tôi những gì ông ấy hiểu nhất, tinh tế, sâu sắc nhất về “Bổ đề cơ bản” mà ông chưa viết thành bài báo, kết quả, định lí, công trình. Trong khi đó, trên nguyên tắc thì tôi là người cạnh tranh. Từ năm đó, mỗi năm tôi đến với ông ấy 1 lần nói chuyện về “Bổ đề cơ bản”. Có lần học được nhiều, có lần không học được gì. Nhưng đối với tôi, ông là người thầy có ý nghĩa thực sự.

Tôi sẽ tham gia Viện Toán học cao cấp tại Việt Nam

Được biết, tháng 7 vừa qua anh đến giảng dạy tại Trường ĐH Chicago. Vậy cuộc sống, công việc của anh ở Mỹ hiện nay như thế nào?

Tôi mới dọn nhà tới Chicago được 1 tuần trước khi về Việt Nam lần này. Cuộc sống giáo sư đại học ở Mỹ tương đối dễ chịu. Hàng ngày tôi đến trường dạy học, tiếp xúc với sinh viên, đồng nghiệp. Trong công tác, trường giao cho tôi lo về nhân sự, công tác tuyển giáo sư trẻ, họ cũng biết cách giữ gìn cho tôi làm ít công việc hành chính để tôi tập trung vào nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, tôi tham gia công việc khác là làm biên tập cho 1 số báo quốc tế, việc này rất mất thời gian nhưng là công việc cần thiết cho cuộc sống khoa học. Tôi có trách nhiệm thẩm định các bài báo đó.

Bên cạnh đó, tôi tham gia tổ chức mạng lưới toán học trong vùng, chẳng hạn toán học về lý thuyết số châu Á, tổ chức này mới thành lập cách đây 2 năm nhưng tổ chức làm việc rất tốt, mỗi năm tổ chức 1 hội nghị liên kết các nhà toán học với nhau. Vì nền toán học châu Á vẫn còn đi sau với nền toán học châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, nền toán học châu Á có rất nhiều tiềm năng trẻ. Hy vọng, thời gian tới tổ chức mạng lưới này sẽ đóng góp cho vai trò toán học châu Á đi lên.

Đợt về nước này ngoài công việc thăm gia đình và quê hương, công việc chính của anh là gì?

Năm nào tôi về nước cũng tham gia giảng dạy ở lớp cao học theo Đề án 322 do Viện toán và ĐH Sư phạm kết hợp có 25 học viên. Ngoài ra, tôi tham gia giảng dạy trường hè do Viện Toán học tổ chức. Do năm nay, tôi bận phải tham gia chuẩn bị cho đại học Toán học quốc tế tổ chức vào 19/8 tới tại Ấn Độ nên chỉ nhận lời nói chuyện với lớp học.

Anh sống ở nước ngoài đến 17 năm rồi và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, anh có dự định về Việt Nam để làm việc cống hiến cho đất nước không?

Tôi nghĩ nhà khoa học có 2 nhiệm vụ chủ yếu, thứ nhất là làm mhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thứ hai là người nước nào thì đóng góp cho nền khoa học nước đó.

Với tôi, đóng góp cho nền Toán học thế giới là nhiệm vụ quan trọng vì thế trong 5 năm tới tôi không thể về Việt Nam sống và làm việc toàn bộ thời gian đuợc. Tôi còn dành thời gian để giảng dạy tại trường ĐH Chicago. Tuy nhiên, tôi sẽ thường xuyên trở về Việt Nam hơn để thảo luận với các đồng nghiệp, lãnh đạo, nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt để tham gia xây dựng và làm việc tại Viện Toán học cao cấp.

 

tham20
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Hội đồng chức danh GS Nhà nước tới thăm gia đình GS Ngô Bảo Châu chiều 8/8/2010.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã mời anh tham gia lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán. Vậy anh có tham gia không và dự định xây dựng Viện này như thế nào?

Sắp tới tôi sẽ tham gia lãnh đạo Viện Toán học như Phó Thủ tướng đã nhắc đến. Nhưng tôi sẽ tổ chức Viện đó khác với Viện Toán học hiện tại, nói nôm na nó như trại sáng tác văn học nhưng thời gian không chỉ vài tuần mà từ 6 tháng đến một năm.

Khi các học viên có đề tài nghiên cứu, ban lãnh đạo Viện sẽ duyệt và nếu được sẽ có kinh phí, bố trí chỗ làm việc để họ ở lại nghiên cứu. Hiện tại, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ, đi học nước ngoài họ muốn về Việt Nam làm việc nhưng không có thềm để dừng chân như chỗ làm việc ngay, họ mất rất nhiều thời gian lo ăn, chỗ ở.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là cán bộ giảng dạy ở các trường đại học hiện nay họ không có cơ hội để nghiên cứu khoa học mặc dù họ có rất nhiều khả năng. Viện sẽ tạo điều kiện cho họ trong vòng 6 tháng đến 1 năm để “rũ bỏ” việc giảng dạy, quản lý để tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu khoa học. Viện sẽ có kinh phí để đảm bảo cuộc sống cho họ trong thời gian nghiên cứu, sau đó học quay lại trường tiếp tục công tác bình thường. Đây cũng có thể là một đà mới để họ phát triển trong sự nghiệp của mình.

Cách tổ chức như thế này không mới, ở các nước họ đã làm rất nhiều tôi thấy rất hiệu quả. Với những người họ say sưa với khoa học, thì đây là chỗ tiếp sức để họ thực hiện nghiên cứu khoa học của mình.

Với Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán để thành công Viện cần tổ chức nhóm nghiên cứu mới, trẻ để tương lai nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng, tạo sự đột phá. Bên cạnh đó, phải có động lực để giáo sư làm việc với sinh viên, đồng nghiệp lớn tuổi làm việc với đồng nghiệp trẻ tuổi. Nếu tạo được động lực này thì nền khoa học Việt Nam mới phát triển được.

Trong thời gian tới, tôi hy vọng sẽ cố gắng tạo ra nhóm làm việc đó trong ngành Toán học. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục lãnh đạo có chủ trương gì đó để tạo động lực cho các nhóm các ngành khác cũng làm việc như vậy.

Ở Việt Nam có rất nhiều học sinh học giỏi toán quốc tế nhưng để đạt đỉnh cao trong sự nghiệp lại rất ít. Theo anh xuất phát từ nguyên nhân nào? Được kiến nghị với Chính phủ thì anh kiến nghị gì?

Con đường từ học sinh chuyên toán, học sinh đoạt giải toán quốc tế đến nhà khoa học nó là cả một chặng đường rất chông gai, không phải ai cũng làm được, nó không chỉ phụ thuộc vào con người mà còn phụ thuộc vào rất nhiều thuận lợi, may mắn. Bản thân tôi có nhiều may mắn đến bất ngờ, như tôi được làm việc với GS G.Laumon – một GS giỏi của Pháp.

Tôi nghĩ nhà nước rất quan tâm đến khoa học, cụ thể là đề án 322. Tôi trân trọng quan tâm cố gắng đó của nhà nước. Nhưng cố gắng đó, theo tôi nghĩ không có quy trình là đào tạo xong không có bước tiếp theo để sử dụng họ làm việc, không có hỗ trợ về vật chất để họ sinh sống.

Tôi được biết, tiến sĩ đi nghiên cứu ở nước ngoài làm việc ở Viện nghiên cứu toán học, lương chỉ có 1,7 triệu thì rất khó khăn cho họ trong cuộc sống, họ có thể chuyển sang ngành khác dễ sống hơn vì họ có tiếng Anh.

Thực ra, cái chính những người yêu khoa học thực sự, họ không cần lương 2.000 – 3.000 USD/tháng mà phải họ cho họ lương xứng đáng để họ tồn tại với xã hội, chỉ cần lương 10 triệu/tháng để trang trải cuộc sống nhưng ngoài lương ra phải cho họ cơ hội làm việc, có nhóm làm việc.

Tôi cũng được biết, nghiên cứu sinh trong nước hầu như không có ai có học bổng, chỉ có kinh phí để họ làm việc. Có khi có chế độ cho họ nhưng thủ tục vô cùng rườm rà vài tháng mới lĩnh được tiền, thời gian xin tiền đó thì họ mất hết cả sinh khí để làm việc.

Nên tôi có đề nghị với Chính phủ, không chỉ có Toán mà các ngành khác nữa là khi nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài về bố trí cho họ vật chất để họ ổn định cuộc sống và làm việc.

Anh là người thành công sớm, anh có thể chia sẻ bí quyết với các bạn trẻ hiện nay?

Bí quyết chính là giữ cho mình lòng đam mê khoa học thì tất cả mọi chuyện khác như công danh, danh dự, tiền bạc, kỹ thuật quảng cáo bản thân… mặc dù tiền bạc rất cần để duy trì cho mình cuộc sống cho bản thân và gia đình nhưng đến một lúc nào đó tất cả các thứ đó sẽ không còn tác dụng. Tự mình phải đánh giá chính xác bản thân mình. Thực sự, muốn đạt trình độ khoa học cao thì nên tập trung vào công việc của mình.

Xin cám ơn anh!

Hồng Hạnh (ghi)

Theo dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc