Home » Chia sẻ, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » NASA hoạt động như thế nào?

Vào năm 1958, Quốc hội Hoa Kỳ đã đồng ý thành lập NASA hướng đến các hoạt động không gian mang lại hòa bình và lợi ích cho nhân loại.

“…Tôi tin rằng quốc gia này cần phải nỗ lực để đạt được mục đích, trước khi thập niên này chấm dứt – đó là chương trình đưa người lên không gian và trở về trái đất một cách an toàn…”.

Những lời trên đây do Tổng thống John F. Kennedy đưa ra trong bài phát biểu “Thông điệp đặc biệt báo cáo cho Quốc hội Mỹ về các vấn đề quốc gia khẩn cấp” vào ngày 25/5/1961. Tổng thống John F. Kennedy đã đưa ra những thách thức nhằm chinh phục một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa kỳ (National Aeronautics and Space Administration  – NASA) còn vô cùng non trẻ, vừa mới tròn 3 năm tuổi.

Biểu trưng của NASA.

Trong lịch sử hoạt động 49 năm của mình, NASA đã đưa con người lên Mặt Trăng, thành lập một trạm không gian trong quỹ đạo Trái Đất, khám phá hầu hết các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, và nghiên cứu sâu hơn nữa về các vấn đề của vũ trụ. Những thành tựu này chỉ là sự khởi đầu của chương trình không gian Mỹ.

Với sự thông qua Đạo luật Quốc gia về Hàng không và Không gian vào năm 1958, Quốc hội Hoa Kỳ đã đồng ý thành lập NASA để nghiên cứu các vấn đề hàng không, bao gồm những chuyến bay cả trong và bên ngoài bầu khí quyển Trái đất và nhằm đảm bảo rằng các hoạt động không gian của Mỹ sẽ mang lại hòa bình và lợi ích cho nhân loại. Sứ mệnh của NASA là tiên phong thăm dò không gian, khám phá và tiến hành nghiên cứu không gian. Nhưng làm thế nào NASA phù hợp với các hoạt động và chính sách của chính phủ liên bang?

NASA đang làm gì? Nó được tổ chức như thế nào và dự định gì cho tương lai?

NASA là một cơ quan dân sự độc lập nghiên cứu về không gian thuộc ngành hành pháp, được tạo ra bởi Quốc hội để thực hiện các chính sách hoặc cung cấp dịch vụ đặc biệt (cơ quan độc lập khác bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương CIA, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Quỹ Khoa học Quốc gia). Mặc dù NASA không phải là một tổ chức cấp nội các như Bộ Quốc phòng, nhưng những nhà quản lý NASA phải được Tổng thống chỉ định và thông qua xác nhận của Thượng viện. Tổng thống có thể thiết lập các chính sách hoặc định hướng hoạt động cho NASA. Ví dụ:

1961 – Tổng thống John F. Kennedy yêu cầu NASA hoàn thành sứ mạng đưa người lên mặt trăng (1970)

1972 – Tổng thống Richard M. Nixon chỉ đạo NASA phát triển tàu con thoi

1984 – Tổng thống Ronald Reagan yêu cầu NASA phát triển một trạm không gian “trong một thập kỷ”

1989 – Tổng thống George H.W. Bush đề xuất để gửi con người lên sao Hỏa

2004 – Tổng thống George W. Bush chỉ đạo NASA phát triển một loại phi thuyền không gian mới vào năm

2008 – gọi là Orion, và tập trung khai thác các hoạt động của con người trong không gian.

Giống như tất cả các cơ quan chính phủ khác, NASA đề xuất một ngân sách hàng năm, và sẽ được đề cập trong bảng báo cáo ngân sách hàng năm của Tổng thống và đệ trình lên Quốc hội. Quốc hội tranh luận và phân bổ kinh phí cho NASA thông qua pháp luật.

Các thành công của NASA trong việc thực thi nhiệm vụ của mình và đạt được chỉ thị của tổng thống sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn phân bổ tài chính từ Quốc hội. Ví dụ, chương trình thăm dò sao Hỏa được đề xuất bởi Tổng thống George HW Bush đã bị Quốc hội phản đối kịch liệt vì chương trình này tiêu tốn quá nhiều ngân sách (500 tỷ USD cho một chương trình kéo dài 20-30 năm). Quốc hội đã không thông qua dự toán ngân sách và kế hoạch bị bác bỏ.

Kể từ khi ra đời NASA đã đạt được những thành tựu gì?

Vào năm 1958, với việc người Nga (Liên Xô vào thời điểm đó) phóng thành công vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo, Sputnik, người Mỹ đã nhận ra rằng công nghệ hàng không – không gian của mình đã bị tụt lại đằng sau.

Phóng tàu vũ trụ.

Cùng năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua việc thành lập cơ quan NASA bằng việc kết hợp nhiều cơ quan khác đã có sẵn: Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không (The National Advisory Committee on Aeronautics – NACA); một vài phòng thí nghiệm, bao gồm Phòng thí nghiệm Hàng không Ames và Phòng thí nghiệm Jet Propulsion thuộc Viện Công nghệ California; Cơ quan Nghiên cứu Tên lửa Đạn đạo của Quân đội (The Army Ballistic Missile Agency).

NASA cũng đã thiết lập thêm nhiều trung tâm mới nhằm huy động các nguồn lực trong chính phủ, quân sự, công nghiệp tư nhân để tuyển dụng các phi hành gia, phát triển tàu vũ trụ và xây dựng các tên lửa đẩy để đưa người vào không gian.

sở hạ tầng của NASA

Nói đến NASA, hầu hết mọi người đều nghĩ đến các phi hành gia, nhưng vẫn còn nhiều điều thú vị về tổ chức này. Để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản của NASA, họ cần nhân lực để phát triển và xây dựng công nghệ mới, lắp ráp và thử nghiệm tàu vũ trụ và các phụ kiện, huấn luyện các phi hành gia/ phi công và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ.

Với mỗi công việc, người ta thuê nhân công, nhà thầu, và các nguồn cung ứng hàng. NASA cần một lực lượng lao động rất lớn (hơn 18.000 nhân viên và 40.000 nhà thầu) và một ngân sách lớn (ước tính 17,3tỷ USD cho năm tài chính 2008). NASA cũng cần phải có một cơ sở hạ tầng để cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sổ sách tài chính để quyết toán các khoản chi thu.

Bộ đồ du hành vũ trụ do NASA chế tạo.

Cơ cấu tổ chức của NASA đã thay đổi qua nhiều thập kỷ để việc quản lý hiệu quả hơn và thích ứng với những thay đổi trong định hướng / ưu tiên chiến lược trong thời kỳ hậu-Apollo. Cơ cấu tổ chức của NASA hiện nay phản ánh chiến lược xây dựng trong năm 2006 để thực hiện các mục tiêu do Tổng thống George W. Bush đặt ra vào năm 2004 – Tầm nhìn cho Khai phá Không gian). NASA có bốn cơ quan chính, hoặc bốn ban giám đốc:

– Nghiên cứu Hàng không – tiến hành nghiên cứu và phát triển các phương tiện bay và các hệ thống hàng không an toàn, đáng tin cậy

– Hệ thống Thăm dò – Phát triển công nghệ để hỗ trợ con người và rô bốt thăm dò không gian

– Khoa học – khám phá trái đất, mặt trời, hệ mặt trời và vũ trụ thông qua các nhiệm vụ được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu, chủ yếu các nhà khoa học, trực thuộc NASA và từ các học viện khác.

– Hoạt động Không gian – trực tiếp phóng vệ tinh – tàu vũ trụ, điều hành và thông tin liên lạc cho tất cả tàu vũ trụ đều trong và ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Các ban điều hành được đặt tại trụ sở NASA ở Washington DC và hình thành các thành phần cốt lõi của NASA. Mỗi văn phòng đó có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của các trung tâm NASA trên cả nước.

Xây dựng kế hoạch

Các nhiệm vụ thường được thực hiện theo 3 giai đoạn: Chuẩn bị bay, bay và các hoạt động mở rộng.
Giai đoạn chuẩn bị – Một người nào đó (các nhà khoa học ở NASA hoặc bên ngoài) đề xuất một sứ mệnh để trả lời một câu hỏi khoa học.

Trên Mặt Trăng.

Nếu NASA chấp nhận đề nghị, họ sẽ thành lập một nhóm công tác khoa học (Scientific Working Group) tại một Trung tâm NASA để xác định các mục tiêu nhiệm vụ, thiết kế tàu vũ trụ, hình thành quỹ đạo, các động cơ đẩy, chi phí. Nếu dự án vẫn tiếp tục, NASA phân công các nhóm khoa học thuộc các trung tâm khác nhau để xây dựng và thử nghiệm tàu vũ trụ (thường là với sự giúp đỡ của các nhà thầu) và tiếp tục các phần việc khác thuộc đề xuất này.

Bay – Trung tâm Không gian Kennedy phát động các nhiệm vụ, và phân công cho một trung tâm chuyên trách khác. Mạng lưới Không gian Chuyên sâu (Deep Space Network) tiếp nhận các dữ liệu cho các tàu vũ trụ đang thực hiện bay. Khi tàu vũ trụ đã “chạm” mục tiêu, các thử nghiệm khoa học được tiến hành và dữ liệu bắt đầu được truyền về mặt đất. Tại các trạm thu, các thông tin sẽ được gửi cho các đội ngũ khoa học gia khác nhau để phân tích và công bố những phát hiện mới.

Hoạt động Mở rộng – Tàu vũ trụ tiếp tục gửi dữ liệu trở lại cho đến khi nó không còn hoạt động nữa. Trong một số trường hợp, người ta có thể sử dụng nó cho một mục tiêu khác. Con người và một vài mẫu thí nghiệm sẽ được được đưa trở về trái đất.

Làm việc tại NASA

NASA cần rất nhiều nhân lực cho mọi chức vụ – từ nhà khoa học, kỹ sư, kế toán cho đến các thư ký, và công nhân bảo trì.  Nếu bạn thích xin vào làm việc tại NASA, xin vui lòng tham khảo trên website NASAJobs. Ở đó, bạn có thể cung cấp lý lịch bản thân, tìm công việc thích hợp, và được phỏng vấn sơ tuyển tại Tổng hành dinh NASA hoặc ở bất cứ một trung tâm nào trực thuộc. NASA cũng có những công việc làm thêm vào mùa hè, chế độ thực tập và các chương trình hợp tác.

Những văn phòng hỗ trợ

Các văn phòng hỗ trợ tiến hành các chức năng kinh doanh và quản lý mọi hoạt động của NASA nhằm hỗ trợ 4 hoạt động chính của NASA. Những văn phòng hỗ trợ bao gồm các hoạt động tài chính, dịch vụ pháp lý, dịch vụ y tế và quan hệ công chúng. Sau đây là các văn phòng hỗ trợ:

– Tài chính – chịu trách nhiệm kế toán

– Thông tin – cung cấp các hỗ trợ công nghệ thông tin cho tất cả các nhân viên NASA và phổ biến tin tức đến công chúng.

– Luật sư – cung cấp dịch vụ pháp lý (chính sách, bằng sáng chế, tiêu chuẩn chất lượng bao gồm cả hợp đồng và mua sắm)

– Chương trình Quản lý Doanh nghiệp – quản lý nguồn nhân lực và các vấn đề tài chính và cải thiện phương thức kinh doanh

– Chương trình hợp tác sáng tạo – thiết lập và giám sát chuyển giao công nghệ và quan hệ hợp tác với các cơ quan chính phủ, công nghiệp tư nhân và các học viện

– Quan hệ đối ngoại – điều phối mọi hoạt động của 4 cơ quan chính thuộc NASA với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan quốc tế như Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và cơ quan Không gian Nga

– Y tế – đảm bảo sức khỏe của tất cả các nhân viên NASA cả trong không gian và trên mặt đất. Văn phòng này thiết lập chính sách y tế và văn bản hướng dẫn. Nó cũng giám sát tiêu chuẩn của công trình nghiên cứu con người và động vật.

Các Tổ chức & Quản lý – giám sát các khía cạnh hoạt động của NASA

NASA có nhiều chương trình được tổ chức để giám sát các hoạt động của mình theo Luật Liên bang

– Quản lý nguồn nhân lực – quản lý nguồn nhân lực nhằm đảm bảo thực hiện tất cả các hoạt động ở NASA

– Mua sắm – chịu trách nhiệm mua và kế toán cho tất cả thiết bị, vật tư. Cũng giống như cơ quan chính phủ khác, hàng hoá, dịch vụ thu được thông qua một quá trình đấu thầu và hợp đồng. NASA thường hợp đồng với người trả giá thấp nhất.

– Chương trình An ninh và Bảo vệ – giám sát tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh tại NASA bao gồm: an ninh thông tin, thông minh truy cập và khủng bố.

– Chương trình Doanh nghiệp Nhỏ – giám sát các giao dịch của NASA với các doanh nghiệp nhỏ để đảm bảo rằng họ có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng trong các hợp đồng hay quan hệ hợp tác với NASA.

– Chiến lược Truyền thông – giao tiếp, thông báo, và giáo dục cho các nhóm cộng đồng khác biết về các hoạt động của NASA

– Giáo dục – cung cấp giáo viên hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho các hệ thống trường trung học, đến hết lớp 12. Ngoài ra, văn phòng này thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục cao hơn để giữ chân sinh viên trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Nó cũng tham gia vào các công tác truyền bá sứ mệnh của NASA ra cộng đồng.

– Quan hệ với ngành Lập pháp và liên chính phủ – giao tiếp thông tin giữa NASA, Quốc hội, và cơ quan lập pháp khác (nhà nước, địa phương)

– Quan hệ Công chúng – giao tiếp thông tin với công chúng và truyền thông thông qua các thông cáo báo chí, họp báo và Internet.

Theo baodatviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc