Home » Cổ truyền, Văn hóa » Bát cơm nghìn vàng

Thành ngữ này bắt nguồn từ điển tích Trung Quốc, liên quan tới Hàn Tín (còn gọi Hoài Âm hầu), sống vào thế kỷ II TCN.

Ông là tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Tương truyền, Hàn Tín thời nhỏ rất nghèo, thường phải xin cơm thừa để sống qua ngày.

Một hôm, Hàn Tín đến câu cá ở trên sông Hoài Hà dưới chân thành Hoài Âm, gần đó có một số bà già giặt tơ lụa.

Một bà thấy Hàn Tín đói khát, bèn sẻ cơm cho ăn, suốt mấy chục ngày đều như vậy. Hàn Tín vô cùng cảm kích, bèn nói: “Tôi sau này nhất định sẽ báo đáp”. Bà già nghe xong, tức giận nói: “Ta thấy nhà anh đói thì ta thương chứ không mong chờ sự báo đáp”.

Về sau, Hàn Tín trở thành đại tướng của Lưu Bang, được phong làm Sở Vương. Sau khi đến đô thành nước Sở, ông tìm bà già cho cơm thuở trước, biếu bà nghìn lạng vàng để báo đền ơn xưa.

Đời sau dùng điển cố này khái quát thành điển tích Nhất phạn thiên kim (bát cơm nghìn vàng), để chỉ việc báo đáp hậu hĩnh ân tình.

Theo tin bee

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc