Home » Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân: Việt Nam đặt tiêu chí an toàn

Công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng quyết định sự an toàn và thành công trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Chính vì vậy, ngay trong báo cáo đầu tư và Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ an toàn, hiện đại và đã được kiểm chứng.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Lựa chọn công nghệ Nga cho nhà máy đầu tiên

Theo ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Đầu tư Dự án Điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo, việc Việt Nam quyết định nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ do Nga đảm nhận là bài toán đã được cân nhắc và xem xét trong suốt thời gian dài. Nếu so sánh với các công nghệ khác trên thế giới, Nga là nước sở hữu công nghệ an toàn bậc nhất hiện nay. Công nghệ lò nước nhẹ là công nghệ mà cả Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… đều đang áp dụng. Nga cũng là một trong những nước sở hữu công nghệ nguồn và có bề dày phát triển công nghệ điện hạt nhân vì mục đích hoà bình cũng như thương mại. Rất nhiều nước cũng đang đặt hàng công nghệ này của Nga và bản thân Nga cũng đang có một chương trình phát triển rất mạnh mẽ loại công nghệ này trong thị trường phát điện hạt nhân nội địa.

Theo lộ trình đã được phê duyệt, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014. TS. Trần Đại Phúc – chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với hơn 45 năm kinh nghiệm công tác tại các quốc gia có điện hạt nhân phát triển như Pháp, Mỹ, Canada… cho biết, Nga dự kiến sẽ xây dựng ở Việt Nam một dạng lò phản ứng năng lượng làm chậm và tải nhiệt bằng nước nhẹ (VVER-1000/AES-91 hoặc VVER-1000/AES-92), có 4 bình sinh hơi nằm ngang (thay vì đặt đứng như trong thiết kế của Âu – Mỹ), được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn của Nga, bổ sung thêm các tiêu chuẩn của EU và một số tiêu chuẩn an toàn khác.

Nhà máy điện hạt nhân dạng này thuộc công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba, đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hiện tại, trên thế giới có khoảng 30 nhà máy điện hạt nhân loại này đang được xây dựng ở Nga, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Bulgaria và Ukraina (ngoại trừ 2 nhà máy ở Trung Quốc là Tianwan 1 và 2 đã vận hành thương mại từ năm 2007), trong đó có 11 nhà máy dự kiến được vận hành thương mại vào năm 2016.

TS. Trần Đại Phúc cho biết thêm, nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba đã được Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga (ROSATOM) cải tiến hệ điều khiển, hệ tái hợp khí hydro, hệ thu gom vùng hoạt động khi nóng chảy. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí an toàn của Liên Xô và IAEA, ROSATOM còn áp dụng cả văn hóa an toàn Âu – Mỹ , đó là đưa quy trình “Thẩm định an toàn xác suất” của Âu – Mỹ vào trong tất cả các giai đoạn của quá trình thiết kế và xây dựng. Năm 2006, thiết kế nhà máy điện hạt nhân loại này đã được EU cấp chứng chỉ an toàn.

Chernobyl sẽ không thể xảy ra

Thảm họa “Chernobyl” xảy ra hơn 20 năm trước tại Nga (1986) để lại hậu quả nặng nề cho dân chúng địa phương và nhiều vùng lân cận, huỷ hoại môi trường do phát tán chất phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân. Trả lời câu hỏi, nhập công nghệ Nga có mạo hiểm không khi chính nước Nga đã phải trả giá đắt bằng thảm hoạ trên? TS Trần Đại Phúc khẳng định, Chernobyl sử dụng công nghệ lò áp suất của những năm 1985, hậu quả trầm trọng có nguyên nhân chính từ khiếm khuyết trong thiết kế của loại lò phản ứng hạt nhân kiểu kênh năng lượng cao (RBMK). Đó là không có “rào chắn an toàn thứ ba” (rào chắn này chính là nhà lò vững chắc có nhiệm vụ ngăn chặn sự phát tán chất phóng xạ ra môi trường) như trong thiết kế các lò phản ứng của Âu – Mỹ và VVER-1000/AES-91, VVER-1000/AES-92 sau này. Chính vì vậy, có thể khẳng định thảm họa như “Chernobyl” là khó có thể xảy ra.

Về vấn đề xử lý chất thải hạt nhân, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng cho biết, Nga cam kết sẽ đảm bảo an toàn. Cụ thể, ngoài việc đảm bảo xử lý chất thải cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng một chương trình quốc gia về xử lý và quản lý chất thải hạt nhân. Đây là một sự cam kết mang tính lâu dài và rất cần thiết cho một đất nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.

Theo lộ trình, tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tiếp theo và triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân nói chung. Trong kế hoạch dài hạn, Việt Nam sẽ phát triển nhiều nhà máy điện hạt nhân, sẽ có 8-10 địa điểm xây dựng điện hạt nhân trong giai đoạn từ nay đến 2030 và 2050.

Về mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, ông Phan Minh Tuấn khẳng định, với khoa học kỹ thuật hiện đại của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba đang được nhiều nước công nghiệp phát triển sử dụng hiện nay sẽ loại trừ được nguy cơ tai nạn trầm trọng có thể xảy ra, ngăn chặn và hạn chế hậu quả của những sự cố bất ngờ hoặc tai nạn, nhất là việc phát tán các chất phóng xạ ra môi trường.

Song song với việc lựa chọn công nghệ, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống cơ quan quản lý về kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và chất phóng xạ; đồng thời tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng liên quan trong lĩnh vực này như Công ước An toàn hạt nhân; ủng hộ Sáng kiến toàn cầu Chống khủng bố hạt nhân; hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Mỹ và Nga trong chuyển đổi nhiên liệu uranium làm giàu ở cấp độ cao sang urani làm giàu ở cấp độ thấp; ký các hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina và mới đây đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Mỹ… Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và sử dụng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh và vì mục đích hoà bình.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc