Cuối thời nhà Tùy, ở Thái Nguyên (Trung Quốc) có một người thư sinh, làm nghề dạy học kiếm sống qua ngày, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó. Nhà anh rất gần kho bạc của quan phủ. Có lần, anh ta lẻn vào kho bạc, thấy trong kho có mấy vạn quan tiền, dằn lòng chẳng đặng bèn lấy trộm một ít. Đúng lúc đó, một người tay cầm thương, khoác một bộ giáp vàng xuất hiện và nói với anh ta:“Anh cần tiền, có thể đến chỗ ngài Úy Trì xin một tờ chi phiếu, tiền này là của Úy Trì Kính Đức”.

Người thư sinh bèn đi khắp nơi hỏi thăm Úy Trì Kính Đức, nhưng mãi vẫn chưa tìm được.

Một ngày anh ta tới một tiệm rèn, nghe nói ở đây có một người thợ rèn tên là Úy Trì Kính Đức. Người thư sinh vào tiệm thì thấy Úy Trì Kính Đức cởi trần đầu tóc rối bù đang nện búa. Người thư sinh không nói gì, mãi đến lúc Úy Trì Kính Đức nghỉ ngơi mới vội vàng bước tới chào hỏi.

Úy Trì bèn hỏi anh ta: “Tại sao anh lại tới đây?”.

Anh ta trả lời: “Gia đình tôi rất túng quẫn, ngài lại rất giàu sang, tôi muốn xin 500 quan tiền, chẳng biết có được không?”.

Úy Trì rất tức giận nói: “Tôi là một người thợ rèn, sao lại giàu sang được chứ? Anh đang sỷ nhục tôi đó à!”.

Người thư sinh nói: “Nếu ngài có thể thương xót tôi, chỉ cần viết cho tôi một mảnh giấy chứng là được rồi, về sau Ngài sẽ biết đầu đuôi chuyện này là như thế nào”.

Úy Trì chẳng biết làm sao, đành để người thư sinh viết mảnh giấy. Trên mảnh giấy ghi rằng: “Nay giao cho …. 500 quan tiền”. Đề ngày tháng năm, cuối cùng đưa Úy Trì ký tên vào.

Người thư sinh cảm ơn xong cầm mảnh giấy đi. Úy Trì và mấy người thợ phụ vỗ tay cười nghiêng ngả, cho là thư sinh này vô lý quá. Người thư sinh mang mảnh giấy trở về kho bạc, gặp lại người mặc áo giáp vàng trình mảnh giấy lên. Người ấy xem xong cười và nói: “Được”. Sau đó ông ta bảo người thư sinh mang mảnh giấy treo trên xà nhà, rồi cho phép thư sinh lấy tiền, nhưng chỉ cho 500 quan tiền thôi.

Mấy năm sau, Kính Đức phò tá Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập được công lao rất lớn. Khi ông ta giải ngũ về quê, Hoàng đế phê chuẩn cấp cho ông ta nguyên một kho tài vật còn phong kín. Thuộc hạ của Úy Trì Kính Đức mở kho, kiểm tra số lượng theo sổ sách kế toán, phát hiện thiếu 500 quan tiền. Đang lúc muốn xử phạt người coi kho, đột nhiên phát hiện mảnh giấy treo trên xà nhà, Kính Đức xem qua, thì ra đó là mảnh giấy viết từ thời còn làm thợ rèn. Ông ta vừa kinh ngạc vừa tán thưởng suốt mấy ngày liền, phái người âm thầm đi tìm người thư sinh ấy. Khi tìm được người thư sinh nói chuyện, anh ta liền đem hết đầu đuôi sự việc kể lại cho Úy Trì Kính Đức nghe. Kính Đức bèn trọng thưởng cho người thư sinh, còn đem tài vật trong kho chia tặng cho bạn bè mình ngày trước.

Thông qua câu chuyện này chúng ta hiểu được rằng, phú quý giàu sang hoàn toàn là do Trời định, không sai chút nào.

Chuyện này lấy trong bộ “Đường dật sử – Úy Trì Kính Đức”.

Linh Nhi

Theo minhhue

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc