Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » 10.000 dân làng biểu tình ở đông nam Trung Quốc

Hàng ngàn người dân phẫn nộ với vũ khí là gạch và đá, đã đập vỡ cửa sổ tòa thị chính và lật ngược xe cảnh sát để phản kháng lại việc cảnh sát đánh đập hai người phụ nữ khiếu kiện đến bất tỉnh. Những người phụ nữ này là thành viên của một nhóm biểu tình phản đối việc cưỡng bức di dời.

Cuộc biểu tình quy mô lớn ở thị trấn Cảng Khẩu, huyện Tu Thủy, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, hôm 05 tháng 7 năm 2010. (The Epoch Times)

Ông Vu, một người dân địa phương, nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng khoảng 10.000 người đã chứng kiến cảnh sát đánh đập những người biểu tình. Các cư dân nhặt gạch từ một công trường xây dựng gần đó và ném chúng vào tòa thị chính. Các cửa sổ bị vỡ và chính quyền đã huy động 300 cảnh sát vũ trang tới. Các cư dân sau đó đã lật nhào những chiếc xe cảnh sát và phá hủy 18 chiếc xe trong số đó.

Sáng sớm hôm đó, các cư dân từ làng Động Hạ, thị trấn Cảng Khẩu, đã quyết định đến Bắc Kinh để nộp đơn khiếu nại việc chính quyền địa phương buộc họ phải di dời. Cảnh sát địa phương đã huy động 30 xe cảnh sát để ngăn chặn những người dân đang trên đường đến Bắc Kinh, và đưa họ trở lại tòa thị chính.

Ông Vu nói: “Bí thư Huyện ủy và người của Cục Công an đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và đã có hơn 100 cảnh sát bắt giữ chúng tôi tại biên giới của thị trấn Cảng Khẩu trong một nỗ lực để ngăn chặn chúng tôi đi Bắc Kinh. Bí thư huyện Tu Thủy hứa rằng ông ta sẽ xử lý êm thấm trường hợp này, miễn là chúng tôi không tới Bắc Kinh”.

Một phụ nữ bị cảnh sát đả thương. (The Epoch Times)

Nhưng khi tất cả họ đã quay trở lại tòa thị chính, các quan chức không muốn thảo luận gì với dân làng cả. Chủ tịch huyện, bí thư, và Cục trưởng Cục Công an đã vào xe của họ và cố gắng rời đi. Những người khiếu kiện, trong đó có một trong những người phụ nữ hiện đang trong tình trạng hôn mê, đã dừng xe của Chủ tịch huyện và yêu cầu được nói chuyện với ông ta. Ông Chủ tịch huyện đã ra lệnh cho các viên cảnh sát đuổi người phụ nữ.

Ông Vu nói: “Đó là một cảnh tượng rất kinh khủng. Những người cảnh sát đấm đá túi bụi người phụ nữ đó. Nhiều dân làng đã nằm xuống đất ở phía trước chiếc xe để ngăn không cho nó đi qua. Cuối cùng, hai người phụ nữ đã bị thương nặng. Cảnh sát đã nắm tóc và kéo những người phụ nữ đó vào lề đường. Họ đánh đập người dân một cách tàn nhẫn và làm bị thương khoảng 20 người”.

Hai người phụ nữ vẫn còn trong tình trạng hôn mê trong bệnh viện tại thời điểm đưa tin này.

Ông Vu nói: “Giờ đã 4 ngày rồi và họ vẫn chưa tỉnh lại. Họ thậm chí không có các phản xạ có điều kiện nào. Ngoài ra còn có 2 người đàn ông bị chấn thương nặng và một người bị thương nhẹ”.

Khi người phóng viên này gọi điện tới chính quyền thị trấn Cảng Khẩu, một nhân viên nói rằng họ đang xử lý vấn đề này, nhưng phủ nhận việc cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ những người biểu tình.

Cưỡng bức di dời

Việc tái định cư của dân làng đã được lệnh của chính quyền địa phương bởi vì người dân đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề sức khỏe phát sinh từ sự ô nhiễm do một công ty khai thác mỏ vonfram địa phương gây ra.

Trong nhiều năm qua, do giá vonfram tăng cao, các công ty khai thác mỏ Hương Lô Sơn Vonfram tại Tu Thủy đã tiếp tục mở rộng. Nước thải từ việc khai thác mỏ đã làm ô nhiễm các con sông gần đó. Sở An toàn Môi trường tỉnh Giang Tây cũng đã phát hiện ra những đống đất đá phế phẩm quặng vonfram có khả năng sụp đổ và gây ra những rủi ro về an toàn.

Con lạch chảy qua làng Đông Hạ bốc mùi hôi thối do ô nhiễm. Nhiều cư dân bị loét da, và gia súc đã chết sau khi ăn cỏ và uống nước bị ô nhiễm. Sau khi người dân bày tỏ những mối quan ngại của họ, chính quyền địa phương đã quyết định di chuyển họ đến thị trấn Cảng Khẩu và thị xã Tu Thủy.

Thị xã sẽ chỉ bồi thường cho mỗi người 2.500 nhân dân tệ (khoảng 6.900.000 VNĐ) để di dời. Dân làng cảm thấy sự bồi thường này là không đủ và đã đàm phán với chính quyền, nhưng hai bên đã không đạt được thỏa thuận. Để buộc dân làng di dời, chính quyền huyện đã bắt cóc con trai của người đứng đầu cuộc biểu tình và đe dọa hòng làm cho ông thay đổi ý kiến.

Theo dân làng, công ty Hương Lô Sơn Vonfram đã cấp tiền cho người dân di dời, nhưng các quan chức quận đã biển thủ số tiền trên. Đó là lúc dân làng quyết định đi đến Bắc Kinh để kháng cáo.

Những vụ việc cưỡng bức di dời hiện đang phổ biến tại Trung Quốc và đã trở thành một nguồn gốc của sự tức giận và bất ổn, đặc biệt là do các chủ đất thường được bồi thường không thỏa đáng

Cổ Thanh Nhân
(Theo The Epoch Times, vietsoh.com)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc