Hoành hành tại Mỹ từ nhiều tháng nay, trong thời gian qua, rệp bắt đầu chuyển sang tấn công Paris. Theo báo chí Pháp, cơ quan phụ trách vệ sinh thành phố Paris, Smash, cho biết là từ đầu năm tới nay, họ đã phải can thiệp tới 600 lần.
Tòa thị chính thủ đô tráng lệ của nước Pháp tránh nói đến chuyện bị rệp tấn công và kêu gọi mọi người bình tĩnh nhìn nhận sự việc, bởi vì số vụ can thiệp, trừ khử rệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số những lần mà cơ quan y tế phải ra tay.
Thế nhưng, người dân Paris ngày càng quen với hình ảnh các nhân viên y tế, mặc quần áo trắng trùm kín, tay đeo găng, vai đeo bình xịt thuốc, đến bơm thuốc trừ khử ở các khu nhà dân, khách sạn, và ở cả đồn cảnh sát.
Đối tượng cần tiêu diệt là những con rệp, theo tiếng La tinh là cimex lectularius, hoặc bedbug, theo tiếng Anh, bởi vì có thể chúng đến từ nước Mỹ. Còn người Pháp thì gọi là con rệp giường, punaise de lit, bởi vì chúng ẩn náu trong chăn, khăn trải giường, trên gối. Nhiều người Việt Nam có lẽ cũng khó quên hình ảnh những con rệp lúc nhúc dưới chiếu, trong các khe, sạp giường. Đây là một trong những loài rệp hiếm hoi tấn công trực tiếp người.
Tại thành phố New York, con rệp, thân hình bẹt dí, chỉ vào khoảng 5 milimetre, đã gây xôn xao trên báo chí hồi mùa hè vừa qua. Theo một số tờ báo, rệp không ngán ngại bất kể nơi nào, từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, cho đến phòng làm việc của cựu tổng thống Bill Clinton tại Harlem.
Bà Christine Drabicki, công dân tiểu bang Michigan trong tháng 11 này đã đệ đơn kiện khách sạn Waldorf-Astoria, khẳng định rằng bà và phu quân đã bị rệp cắn trong một đợt đi nghỉ tại nơi sang trọng này.
Giống như những con ma cà rồng trong chuyện cổ tích, rệp cắn và hút máu người trong đêm. Đồng thời, chúng để lại kỷ niệm cho nạn nhân bằng cách tiết ra một chất dịch, gây xưng tấy, mẩn ngứa. Rệp còn có mùi hôi khó chịu và sinh sôi nẩy nở với tốc độ kinh hoàng : một con rệp có thể đẻ tới 500 trứng.
Trong những năm 50 của thế kỷ trước, tại nhiều nơi, rệp đã biến mất. Thế nhưng, kể từ khi một số thuốc trừ côn trùng như DDT bị cấm sử dụng, rệp lại có cơ hội vàng để tái xuất. Nói một cách ví von, rệp cũng bắt kịp trào lưu toàn cầu hóa. Cùng với việc phát triển du lịch, những chuyến du hành ngoại quốc là phương tiện hữu hiệu để rệp có mặt và sinh sản ở mọi chỗ.
Ông Reynald Boudet, chủ một cơ sở chuyên sản xuất các loại thuốc diệt trừ côn trùng độc hại cho rằng rệp phát triển mạnh, lan ra nhiều nơi, kể từ năm 2007. Trước đây, mỗi năm, chỉ có khoảng 10 đơn đặt hàng mua thuốc diệt côn trùng. Giờ đây, mỗi năm ông nhận được khoảng 100 đơn mua thuốc. Tại Paris, rệp hiện diện khắp nơi và không chỉ ở Paris. Ngày càng có nhiều khách hàng ở các tỉnh thành nước Pháp mua thuốc của cơ sở này. Rệp lây lan rất nhanh trong các khu dân cư, trên các phương tiện vận tải công cộng, trong khách sạn. Theo ông Boudet, rận cũng bẩn như gián nhưng chúng nguy hiểm và độc hại hơn vì rệp hút máu người.
Theo rfi
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!