Home » Cổ truyền, Văn hóa » “Thái Sơn Bắc Đẩu” của Đại Việt danh tiếng vượt biên giới

Vào thời Lê trung hưng thế kỷ 17, ở làng Nồi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có cậu bé Hồ Sĩ Dương hay chữ nổi tiếng trong vùng, là con trai thứ hai của ông Giám sinh Hồ Hoàng và bà Hoàng Thị Tám.

Tên lúc nhỏ của Hồ Sĩ Dương là Á Ngọc, vốn thông minh chăm chỉ, khi 15 tuổi Á Ngọc đã học hết chữ của các thầy trong vùng. Ông Hồ Hoàng liền đưa con đến làng Yên Lạc, tổng Quán Triều, huyện Đông Thành (nay thuộc huyện Yên Thành) theo học thầy Mạc Phúc Thanh từ Bắc vào.

Nhà thờ họ Hồ

Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi. (Ảnh qua khxhnvnghean.gov.vn)

Dù giỏi chữ nghĩa nhưng thi cử lại lận đận

Năm 18 tuổi, Á Ngọc lấy tên là Khả Trí dự khảo hạch ở huyện đỗ đầu, năm 23 tuổi (1645) đỗ Giải nguyên trường Nghệ An.

Bước vào kỳ thi Hội, Hồ Sĩ Dương thi trúng tam trường. Thế nhưng đúng lúc này ông Hồ Hoàng mất, Hồ Sĩ Dương đành bỏ dở kỳ thi Hội chịu tang cha.

Do cha mất, cuộc sống 2 mẹ con trở nên vất vả, Hồ Sĩ Dương ra Quảng Xương, Thanh Hóa dạy học, năm 1648 đăng ký tên giả là Trần Độ đi thi Hương, lần này ông lại đỗ đầu tức Giải nguyên. Tuy nhiên việc lấy tên giả bị phát hiện, ông bị mất danh hiệu Giải nguyên cả hai lần thi và bị bắt đi lính 3 năm.

Trong quân ngũ, nhờ lập công nên ông được giải ngũ trước hạn. Do kỳ thi 3 năm tổ chức một lần, nên ông về nhà gánh nước giúp mẹ, chờ đến kỳ thi tiếp. Thấy ông gánh nước, có người buông lời trêu, ông đáp rằng:

Ngày ngày gánh nước đảm đang

Mai sau võng giá nghêng ngang làng Nồi.

Cô gái trao tặng cả hộp trầu trong lần đầu gặp mặt

Con gái quan Quận công Trương Đắc Phủ, làng Phú Nghĩa (tên Nôm là làng Hàu) là tiểu thư

Trương Thị Thành có tiếng là người nết na lại xinh đẹp nhưng vẫn chưa có ai. Một lần tiểu thư đi chơi qua làng Nồi, bấy giờ Hồ Sĩ Dương và đám bạn đang trò chuyện, thấy có tiểu thư con gái quan lớn đến họ thách Sĩ Dương xin được trầu cô gái.

Sĩ Dương nhận lời, đến bên ngỏ ý xin trầu cô gái, nhìn thấy chàng trai lam lũ có khuôn mặt rất sáng, ngạc nhiên vì sự bạo dạn của chàng trai, tiểu thư có phần lúng túng rồi cũng đồng ý tặng luôn cả hộp trầu.

Người xưa vốn xem “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi đã tặng trầu là trong bụng đã đồng ý rồi. Vì thế về nhà Sĩ Dương nặc đòi mẹ mang trầu cau sang làng Phú Nghĩa xin cưới tiểu thư con gái Quận công. Dù mẹ khuyên nhủ “đũa mốc mà chòi mâm son” nhưng ông một mực không thay đổi. Thấy thế bà Hoàng Thị Tám đành liều một lần tới dinh quan lớn.

Thấy có người mang trầu cau đến dạm hỏi con gái, biết đầu đuôi câu chuyện, Trương Quận công nổi giận, cho rằng việc con gái tặng trầu cho trai làm ảnh hưởng gia môn, liền đuổi luôn con gái cho về làng Nồi, rồi giao ước khi nào chồng đỗ đạt làm quan, trải chiếu hoa từ làng Nồi sang làng Phú Nghĩa thì lúc đó ông mới nhận làm con rể.

Phu nhân thương con liền xúc mấy bơ muối cho về nhà chồng, nhưng lén bỏ mấy lạng vàng phía dưới.

Tiểu thư Trương Thị Thành theo chồng về làng Nồi, đang sống trong cảnh giàu sang, lại bị đuổi ra khỏi nhà sống lam lũ, trong nghèo khó không hề than phiền hay trách móc, ngược lại còn lo lắng giúp đỡ mẹ chồng, đồng thời còn động viên và cho chồng tiền bạc chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Làm quan đầu Triều

Năm 1651 Hồ Sĩ Dương thi Hương ở trường Nghệ An và đỗ Giải nguyên. Năm sau ông vượt qua kỳ thi Hội và bước vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, và được bổ nhiệm làm Lại khoa cấp sự trung. Năm 1656 bà Hoàng Thị Tám qua đời, ông để tang mẹ 3 năm.

Năm 1659 Triều đình tổ chức khoa thi đặc biệt nhằm tuyển chọn người tài vào Đông các viện. Hồ Sĩ Dương tham gia và đỗ cao thứ 2. Ân điển vua ban cho những người đỗ khoa này giống như ân điển ban cho các vị Tam khôi, do đó học vị Hồ Sĩ Dương có sách cũng ghi là Bảng nhãn. Ông được bổ nhiệm làm Đô cấp sự trung nhập Đông các học sĩ.

Năm 1662 ông được thăng làm Bồi tụng (chức quan chỉ sau quan đầu triều tức Tể tướng). Những năm tiếp theo ông kinh qua các vị trí khác nhau, năm 1676 ông được thăng làm Tham tụng (tương đương Tể tướng).

Giúp nhà Thanh dẹp loạn Tam phiên

Nhờ tài năng ông được nhiều lần đón tiếp sứ thần phương bắc, lần nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, sử cũ còn ghi chép: “Tháng12/1665 cho Hữu Thị lang bộ Binh Nhuận Duệ tử Hồ Sĩ Dương tước bá vì nhiều lần đi lên cửa quan đợi mệnh tiếp sứ thần được việc”, “Tháng 12 (nhuận)1669 cho Hồ Sĩ Dương tước hầu… vì cớ làm hậu mệnh đón tiếp sứ thần có công” (Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục).

Năm 1673 ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc này nhà Thanh có nạn Tam phiên, ông đã hiến kế cho vua Khang Hy thuyết phục được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh thắng Ngô Tam Quế, ông được vua Khang Hy tặng danh hiệu “Hồ sinh Phật” (Phật sống họ Hồ).

Thái Sơn Bắc Đẩu

Dù làm quan đầu triều, nhưng Hồ Sĩ Dương vẫn nghĩ về quê hương, Tộc phả gia tộc Hồ Sĩ Dương và văn bia tại miếu thờ có ghi chép lại ông tặng rất nhiều mẫu ruộng trong huyện, người làng khi thọ 60, 70, 80 tuổi đều được ông tặng 1 đấu thóc và 3 quan tiền; con cháu nội ngoại khi thành hôn cũng được ông chúc mừng tặng thóc và tiền; ông cũng lo việc cải tạo đồng ruộng, sửa chữa chùa chiền v.v..

Ông cũng dùng của cải, ruộng đất Triều đình ban tăng cho mình để cho tặng người dân, lập nên 5 thôn mới là Như Bá (Quỳnh Bá), Tiên Đội (Quỳnh Hoa), Mỹ Hòa (Quỳnh Mỹ), Thọ Vực (Quỳnh Thọ), Bảo Yên (vùng Hoàng Mai). Các thôn này đều thờ ông là Thành hoàng. Trừ thôn Bảo Yên ở xa, 4 thôn kia cứ 12 năm lại tổ chức lễ rước kiệu đến cúng tế ông ở từ miếu chính tại làng Quỳnh.

Vợ ông Trương Thị Thành ở quê nhà thường đem tiền gạo cứu tế dân nghèo, bà còn đưa nghề mộc ở làng Phú Nghĩa quê mình đến làng Quỳnh Đôi quê chồng. Ở thời buổi mà hôn nhận là do cha mẹ sắp đặt, bà vẫn tin tưởng đưa tặng cả hộp trầu cho người thư sinh mới gặp lần đầu, phải đón nhận sự giận dữ từ người cha. Từ một tiểu thư đài các phải sống kham khổ nhưng vẫn đối xử tốt với mẹ chồng đồng thời chu cấp tiền bạc cho chồng đi thi, tất cả những điều đó đều được đến bù xứng đáng khi Hồ Sĩ Dương thi đỗ làm quan đầu triều, được sử sách ca ngợi.

Hồ Sĩ Dương cũng viết nhiều cuốn sách nổi tiếng thời đó nhưng đế nay hầu như đã bị thất truyền.

Suốt đời lao động và cống hiến không ngưng nghỉ, Hồ Sĩ Dương đã đóng góp nhiều cho Giang Sơn Xã Tắc về lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao…

Năm 1681 Hồ Sĩ Dương qua đời, thọ 61 tuổi, đươc phong Thiếu bảo duệ Quận công. Tương truyền vua Lê đã tặng ông bức đại tự có 4 chữ “Thái Sơn Bắc Đẩu”, bức đại tự này được treo chính giữa điện thờ Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh.

Hai năm sau khi ông mất, năm 1683 Sứ nhà Thanh là Chu Xán đến Đại Việt, khi về nước có dâng lên Vua Khang Hy tập thơ “Sứ Giao ngâm” trong đó có ý nói rằng: “Nhân vật nước này về lý học có Trình Tuyền (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo và Hồ Sĩ Dương, về kinh tế (tức kinh bang tế thế) có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, còn về phần văn học có khá nhiều”.

Trần Hưng

Theo trithucvn,net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc