Home » Cổ truyền, Văn hóa » Nghệ An suýt trở thành kinh đô của Đại Việt như thế nào

Theo dòng sử Việt từ thời lập nước đầu tiên với quốc hiệu là Xích Quỷ (năm 2879 trước công nguyên) cho đến nay, một số vùng đất đã được chọn để làm kinh đô qua các thời kỳ, cụ thể như sau:

  • Thời Kinh Dương Vương lập nước Xích Qủy năm 2879 trước công nguyên, cũng là thời kỳ lãnh thổ của người Việt rộng lớn nhất với diện tích lớn gấp gần 10 lần ngày nay, kinh đô ở Ngàn Hống (thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh ngày nay).
  • Thời kỳ Văn Lang kinh đô được chọn ở Phong Châu (nay là thành phố Việt Trì, Phú Thọ).
  • Thời An Dương Vương kinh đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội).
  • Thời Hai Bà Trưng kinh đô ở Mê Linh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
  • Thời Ngô Quyền kinh đô lại được chọn là Cổ Loa.
  • Thời Đinh và tiền Lê, kinh đô đóng ở Hoa Lư (nay thuộc Trường Yên, Ninh Bình).
  • Các nhà Lý, Trần, hậu Lê, Mạc đều chọn Thăng Long (Hà nội ngày nay) để đóng đô.
  • Nhà Hồ đóng đô ở Tây Đô (nay là Thanh Hóa).
  • Các đời chúa Nguyễn, Tây Sơn , nhà Nguyễn đều chọn Huế làm kinh đô.
  • Ngày nay Hà Nội được chọn làm thủ đô của nước Việt.

Tuy nhiên có một nơi suýt trở thành kinh đô vào thời Tây Sơn thế kỷ 19, đó là Nghệ An.

Nguyễn Huệ muốn chọn Phù Thạch, Nghệ An làm kinh đô mới

Từ năm 1788 Nguyễn Huệ muốn xây kinh đô mới ở Phù Thạch, Nghệ An thay cho kinh đô Phú Xuân. Ông chọn La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm việc này.

Kinh đô mới được đặt tên là “Phượng Hoàng Trung Đô”, “phượng hoàng” là tên một loài chim đã gắn với văn hóa, còn “trung đô” là bởi nơi đây nằm chính giữa hai thành chính quan trọng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lúc đó là Thăng Long và phú Xuân, nơi đây cách Thăng Long 300 km,  cách Phú Xuân 300 km.

Nguyễn Huệ đã gửi chiếu thư cho Nguyễn Thiếp ngày 1 tháng 6 năm Mậu Thân (1788) với nội dung như sau: “Chiếu truyền cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp được biết: Ngày trước ủy thác cho Phu tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đây thấy chưa được việc gì? Nay ta hãy hồi giá về Phú Xuân cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy ban chiếu xuống cho Phu tử nên sớm cùng ông Trấn thủ Thận tính toán và làm việc xem đất đóng đô tại Phù Thạch”

Về lý do chuyển kinh đô đến Nghệ An, Nguyễn Huệ cũng giải thích trong chiếu thư gửi Nguyễn Thiếp như sau:  “ Nay kinh đô ở Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà địa thế khó khăn. Theo đình thần nghị rằng chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người  tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về” ( chiếu đề ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức năm 1788). Cũng trong tờ chiếu đó, Nguyễn Huệ còn ghi nhận ở đây “ hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy!”

Tuy nhiên khi biết Nguyễn Huệ muốn xây kinh đô mới ở Nghệ An trong thời gian ngắn, có lẽ lo lắng việc này sẽ làm khổ dân địa phương, vì thế Nguyễn Thiếp chưa thực thi việc này. Trấn thủ Nguyễn Thận trình tấu thư cho Nguyễn Huệ báo La Sơn Phu Tử chưa chịu xem đất nên công trình chưa thể khởi công được.

Nguyễn Huệ gửi chiếu thư cho Nguyễn Thiếp trách cứ việc để chậm trễ, Nguyễn Thiếp gửi thư đến Phú Xuân khuyên Nguyễn Huệ không nên chọn vùng Phù Thạch, vì nơi ấy kề núi kề sông, đất chật hẹp, bờ sông lại hay sạt lở, việc đóng đô nơi ấy không thuận lợi.

Nguyễn Huệ trả lời rằng: “Nếu bảo rằng những chỗ như Phượng Hoàng, Khánh Sơn không được đô hội thì sao chẳng tìm chỗ tốt khác cho thỏa ý quả cung trông mong? . . . Nhớ buổi hồi loan kỳ trước lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để  xây kinh đô mới. Thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy” ( Trích chiếu của Quang Trung đề ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1788).

Phong thủy núi Dũng Quyết, Nghệ An – nơi được chọn xây dựng kinh thành mới

Thấy Nguyễn Huệ vẫn quyết xây kinh đô mới, Nguyễn Thiếp liền đi Nghệ An một chuyến. Vốn giỏi về dịch lý và phong thủy, ông đã xem kỹ hai cuốn sách của Cao Biền do Hoàng Phúc mang sang nhằm triệt phá phong thủy vùng Giao Chỉ (sau đó Hoàng Phúc bị nghĩa quân Lam Sơn bắt được và thu giữ hai cuốn sách này), hai cuốn cách này có nói đến vùng đất quý ở núi Dũng Quyết, nên Nguyễn Thiếp quyết đến nơi đây một chuyến.

Đến khu vực núi Dũng Quyết, Nguyễn Thiếp tìm thấy Tổ sơn xuất phát từ khe Bò Đái nằm trong 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, khí mạch chạy xuống núi Dũng Quyết, bao bọc xung quanh rồi vòng lại Tổ sơn. Núi Dũng Quyết thành nơi tụ khí, có đủ âm dương rất đắc địa.

Sông Lam núi Hồng

Sông Lam – núi Hồng Lĩnh. (Ảnh từ nghean.gov.vn)

Từ phía sông Lam quan sát sẽ thấy bên trái có Thanh Long, chính là dòng sông Lam; bên phải có Bạch Hổ chính là vùng núi Hà Tĩnh, cùng đưa khí tụ về núi Dũng Quyết. Còn ở mặt trước phía Đông núi Dũng Quyết là Chu Tước – vật báo hiệu Minh Đường rất phát triển và phía sau là Huyền Vũ (sao của người giữ nhà, giữ cửa, giữ nước) làm hậu phương. Nhận thấy nơi đây đắc địa hiếm có, Nguyễn Thiếp quyết định chọn nơi để xây “Phương Hoàng Trung Đô”.

Ông chọn vị trí xây dựng chỗ có ngọn núi nằm ngay giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) vì nhận thấy nơi đây có đủ Long – Ly – Quy –Phượng. Ngày nay địa điểm này thuộc xã Yên Trường, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Nguyễn Thiếp báo cho Nguyễn Huệ về vùng đát mới tìm được ở Nghệ An, Nguyễn Huệ đồng ý nghe theo lời khuyên này.

Hiện nay dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn dấu tích của Phương Hoàng Trung Đô rộng khoảng 10 mẫu, với hai vòng thành là thành Nội và thành Ngoại hình thang. Thành ngoại cao 3 đến 4m, chu vi 2.820 m, diện tích 22 ha. Phía ngoài có hào rộng 3m, sâu 3m; thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, cao 2m, chu vi gần 1.680m. Ở giữa có tòa lầu 3 tầng nối với điện Thái Hòa. Xung quanh thành có các đồn.

Phượng Hoàng Trung Đô

Di tích “Phượng Hoàng Trung Đô”. (Ảnh từ ditichlichsuvanhoa.com)

Vì sao “Phượng Hoàng Trung Đô” cuối cùng không được chọn?

Theo các nguồn sử liệu thì Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng trong thời gian 4 năm, từ năm 1788 đến 1792, đây cũng trùng với thời điểm Nghệ An bị mất mùa, dân tình đói kém, tuy nhiên Nguyễn Huệ vẫn ban chiếu yêu cầu xây dựng: “Những công việc to, tạm thời hoãn lại. Nhưng Sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm”. Theo sử liệu nước ngoài thì người dân đói khổ nên phản đối, mạnh ai nấy trốn khiến việc xây dựng gặp khó khăn, việc cưỡng ép xây dựng trong thời điểm mất mùa khiến người dân oán thán.

Sau khi lên ngôi Vua với niên hiệu Quang Trung. Nhà Vua cũng từng đi thị sát việc xây dựng kinh đô mới vào các năm 1789, 1791, 1792.

Thế nhưng khi việc xây dựng “Phượng Hoàng Trung Đô” đang gấp rút thì vua Quang Trung bị bệnh nặng rồi mất.

Nguyên nhân vua Quang Trung bị bệnh được các sách sử mô tả là vì phá lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn, ném thi thể xuống sông, trong mơ bị trách mắng rồi sinh bệnh.

Sách  “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” ghi rằng: “Huệ trong lúc lấy kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: Ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm. Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An”.

Một số sách sử khác như “Ngụy Tây liệt truyện” cũng ghi chép tương tự

Từ đó bệnh của Vua không chữa khỏi được và trở nên nguy kịch. Trước khi mất vua Quang Trung căn dặn các cận thần rằng:Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai có cả cõi Nam này. Nay đau ốm tất không khỏi được. Thái tử (Quang Toản) tư chất hơn cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định (Nguyễn Phúc Ánh) là quốc thù, mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lảo thảo thôi. Lũ người nên hợp sức mà giúp thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô (Vinh) để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân”

Thế nhưng khi vua Quang Trung Mất, việc xây dựng kinh đô mới bị gác lại, Quang Toản lên thay đã không thực hiện việc dời đô theo ý Quang Trung.

Năm 1801 Nguyễn Phúc Ánh đưa quân đánh chiến Phú Xuân, vua Quang Toản chạy ra Thăng Long. Lúc này Lầu rồng 3 tầng ngay chính giữa “Phượng Hoàng Trung Đô” ở Nghệ An đột nhiên sụp đổ. Sách Hoàng Lê nhất thống chí mô tả “Tháng 6 mùa hè năm ấy (tức 1801), thình lình viên trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Thận sai người báo tin là Lầu Rồng ba tầng ở đấy tự dưng đổ sụp, những người nghe tin đều cho là điềm chẳng lành”. Quả nhiên sang năm (1802) thì nhà Tây Sơn mất.

Ngày nay qua thời gian và sự tàn phá trong loạn lạc, “Phượng Hoàng Trung Đô” chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt ở phía nam thành phố Vinh

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Bài liên quan:

>> Điều gì khiến quân Tây Sơn không thắng được quân nhà Nguyễn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc