Home » Cổ truyền, Văn hóa » Những câu chuyện dùng đức cảm hóa nhân tâm nổi tiếng trong sử Việt

Dùng bạo lực để khuất phục lòng người thì khiến người quy thuận vì sợ hãi cường quyền, chứ tâm thì luôn tìm cách chống đối; dùng đức sẽ khiến người cảm phục mà quy thuận, ấy là cách làm của bậc Thánh Nhân.

Dùng uy đức khiến dân quy phục

Bà Nhữ Thị Nhuận, hiệu là Diệu Huệ, người làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, ông nội là tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, thân phụ là lương y danh tiếng, chồng là Cử nhân Vũ Phương Đẩu, trong gia tộc có nhiều người đỗ đạt làm quan.

Nhữ Thị Nhuận

Bia ghi công đức của Quân Quế Phu Nhân Nhữ Thị Nhuận tại Đình làng Mộ Trạch. (Ảnh nhudinhvan.blogspot.hk)

Nối nghiệp cha, bà rất giỏi về chữa bệnh, đặc biệt là chế biến quế để chữa bệnh. Bia công đức và gia phả họ Nhữ còn ghi lại sự việc bà được vua Lê Hiển Tông đưa tiền bạc để vào trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay) tìm chọn mua quế để chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu.

Thế nhưng khi tới Thanh Hoa bà thấy người dân đói kém, cực khổ thì liền đem bán hết vàng bạc của vua ban để mua thóc phát chẩn cho dân, khiến người dân vô cùng cảm động và nhớ mãi.

Dùng hết số vàng bạc của vua, bà phải về nhà bán hết tư trang đồ đạc để lấy tiền đi tìm quế quý. Sau một thời gia vất vả trong rừng sâu bà đã tìm được quế quý để chế ra bài thuốc dâng vua, nhờ đó bệnh đau bụng kinh niên của Hoàng Thái Hậu được chữa khỏi.

Một thời gian sau, lúc này là cuối thế kỷ 18, xứ Thanh Hoa bị hạn hán mất mùa, người dân đói kém và bất bình với triều đình nên nổi loạn, triều đình cử quan quân hai lần đi dẹp nhưng không lần nào thành công.

Bà Nhuận hay tin thì nói với anh họ mình là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản xin triều đình cho mình đi Thanh Hoa dẹp loạn. Khi bà vào đến Thanh Hoa, người dân nhìn thấy cờ trướng mang tên “Nhữ Thị Nhuận” thì đều mừng rỡ truyền gọi nhau “mẹ đã vào rồi”, mọi người cùng chạy ra vây lấy bà.

Bà đem gạo, vải cùng các nhu yếu phẩm khác mà đã chuẩn bị sẵn  phát cho người dân, những kẻ du thử du thực chuyên cướp bóc được bà khuyên nhủ mà trở lại làm người lương thiện, bà cũng cấp vốn cho người dân để họ có điều kiện canh tác sản xuất, những ai đã lỡ mang tội được khuyên nhủ rồi tha bổng.

Kết quả sau chuyến đi ấy người dân Thanh Hoa đều chăm chỉ làm ăn, không còn nổi loạn hay cướp bóc nữa. Trong khi đó hai cuộc tiến binh của triều đình trước đó dùng vũ lực nhằm dập tắc cuộc nổi loạn đều thất bại.

Các quan vùng Thanh Hoa sau đó đều trình tấu về triều đình báo vùng Thanh Hoa vô cùng ổn định, sản xuất phát triển trở lại, đời sống người dân cũng dần khá hơn, tất cả đều nhờ công lao của Nhữ Thị Nhuận. Triều đình liền phong cho bà là “Quế hộ Thượng Quận phu nhân” sánh ngang với các hoàng thân quốc thích.

Lúc này Thái Hậu nhà Thanh bên Trung Quốc cũng mắc bệnh nan y không chữa được, bà Nhữ Thị Nhuận dùng phương thuốc với quế quý của mình gửi sang Trung Quốc, nhờ đó mới chữa được bệnh của Thái Hậu, vua Càn Long ban thưởng cho bà rất hậu và phong làm “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng thượng Quận phu nhân”.

Nhữ Thị Nhuận

Mộ Quận Quế Phu Nhân Nhữ Thị Nhuận, tại thôn Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương. (Ảnh nhudinhvan.blogspot.hk)

Dùng nhân đức mà có được lòng người

Vào thời nhà Lê, Trịnh Tùng nổi lên là người nắm trong tay toàn bộ quyền lực. Trong cuộc chiến chống lại nhà Mạc nhằm trung hưng nhà ông luôn dùng đức để cảm hóa và thu phục nhân tâm.

Trong cuộc chiến Nam – Bắc Triều, khi Mạc Kính Điển đưa 10 vạn quân với 700 chiến thuyền cùng nhiều tướng tài đã qua kinh nghiệm trận mạc tiến đánh xuống nam, chính quyền Nam Triều lâm vào tình thế nguy hiểm.

Trịnh Tùng được lĩnh ấn tiết chế, chỉ huy toàn quân Nam Triều giao chiến với quân nhà Mạc, ông đồng lòng cùng quân sĩ trấn giữ những nơi hiểm yếu, Mạc Kính Đức không sao thắng được phải rút quân về.

Mùa thu năm tân tỵ (1581) tướng nhà Mạc là Mạc Đôn Nhượng đưa quân vượt biển đánh Quảng Xương. Tiết chế Trịnh Tùng thống lĩnh quân nhà Lê chống lại, sau trận chiến đã diệt được 600 quân, bắt sống vài trăm quân tướng nhà Mạc.

Thế nhưng Trịnh Tùng đã đưa ra quyết định nhân đạo, thả toàn bộ mấy trăm tù bình này, Đại Việt  Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “mấy trăm người bị bắt đều cấp cho cơm áo thả về quê quán. Mọi người đều thầm cảm ơn. Từ đấy binh uy lừng lẫy. Quân Mạc không dám dòm ngó nữa, cư dân Thanh Hóa, Nghệ An mới được yên nghiệp” 

Tháng 12 năm kỷ sửu (1589) Trịnh Tùng đưa quân đi đánh dẹp quân Mạc ở Yên Khang, Yên Mỗ, ông cho quân tấn công rồi giả thua rút chạy về núi Tam Điệp, quân Mạc đuổi theo thì bị rơi vào trận địa mai phục sẵn và bị thảm bại.

Quân Lê bắt sống 600 quân Mạc, thế nhưng Trịnh Tùng  lại cởi trói  hết cho tù binh và thả cho trở về lại quê quán, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép sự kiện này như sau: “Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng đem 600 quân giặc bị bắt tới nộp, sai cởi trói vỗ về yên ủi, cấp cho cơm áo rồi thả hết cho về quê quán để tỏ đức hiếu sinh. Họ hàng của quân lính bị bắt nghe thấy thế, đều đội công đức như trời đất, cảm ơn sâu như cha mẹ”.

Khi Trịnh Tùng chỉ huy quân tiến công thành Thăng Long, quân nhà Mạc do Nguyễn Quyện chỉ huy ở cầu Dền bị đánh cho tan tác, hai con trai tử trận, bản thân Quyện bị bắt sống. Trịnh Tùng hay tin thì đến tận nơi, cởi trói cho Nguyễn Quyện, an ủi đối đãi rất trọng hậu. Sách Việt sử Thông giám Cương mục mô tải như sau: “Quyện bị quan quân bắt sống. Trịnh Tùng thân hành cởi trói cho Quyện, đối đãi bằng lễ tiếp khách và yên ủi… Quyện hổ thẹn vội phục xuống đất”.

Cuộc chiến Nam – Bắc Triều  khiến cuộc sống người dân rất cơ cực, Trịnh Tùng cũng lo việc binh đao có thể ảnh hưởng tới mùa màng và cuộc sống người dân.

Sách Đại Việt  Sử ký Toàn thư có ghi chép: Tháng 5/1577 “Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh cho quan lại các xứ Thanh Hóa và Nghệ An đôn đốc dân các xã huyện, hạn từ trước tháng 6 phải kịp thời cày cấy, không được để chậm, phòng khi quân đi qua ảnh hưởng tới nghề nông”.

Khi quân Mạc chuẩn bị tấn công vùng Thanh – Nghệ, Trịnh Tùng đã “hạ lệnh cho dân cư các huyện dọc sông xứ Thanh Hóa, thu xếp của cải gia súc, đưa vợ con vào lánh ở nơi hiểm yếu dưới chân núi đề phòng quân giặc đến. Hạ lệnh cho các cửa biển và điểm tuần ở các nơi dọc đường đều đặt pháo hiệu. Nếu thấy quân giặc tới thì lập tức bắn một tiếng pháo hiệu để làm tin, để cho cư dân nghe lệnh, sẵn sàng lánh đi chỗ khác, không để quân giặc giết hại”

“Lại hạ lệnh cho vùng chân núi các huyện nếu thấy dân xã ven sông đưa trâu bò gia súc chạy đến với xã mình thì phải nghiêm ngặt tuần phòng, nếu có trộm cướp phải đem người đến cứu. Nếu không đến cứu, để mất mát tiền của súc vật của cư dân thì người dân xã ấy phải chia nhau mà đền”

Mỗi hành quân Trịnh Tùng đều ra kỷ luật rất nghiêm đối với quân sỹ “không được xâm phạm của cải người dân”.

Nhân lễ nghĩa trí tín. Ảnh NTDTV

Nhân lễ nghĩa trí tín. Ảnh NTDTV

Trước khi tiến binh vào thành Thăng Long, lo quân sỹ không giữ được kỷ luật mà hà hiếp cướp bóc dân kinh thành, Trịnh Tùng đã hội quân ra cáo dụ rằng: “Ta vâng mệnh đi đánh kẻ trái phép, vốn để yên dân. Các tướng nên răn cấm tướng sĩ, nghiêm ngặt nhắc lại ước thúc, chấn chỉnh đội ngũ, hiệu lệnh rõ ràng tín thực. Quân đi đến đâu, không được mảy may xâm phạm của dân, không được cướp bóc của dân lành, của cải không phải của giặc thì không được lấy”

Sách Việt sử Thông giám Cương mục ghi rõ như sau: “khi đại quân kéo đến bờ tây sông Ninh Giang, Trịnh Tùng ra ba điều buộc quân lính phải tuân giữ:

  1. Không được tự tiện vào nhà dân mà hái rau, kiếm củi.
  2. Không được cướp của cải, đồ vật và đẵn cây cối.
  3. Không được hiếp phụ nữ và giết người vì thù riêng.

Kẻ nào vi phạm những điều cấm trên đây sẽ bị trị theo quân luật.

Ba quân nghe theo lệnh nghiêm chỉnh trẩy đi. Quân trẩy đến đây, nhân dân vẫn an cư ở đó. Họ tranh nhau đem rượu và trâu bò đến đón quan quân”

Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, quân Mạc bị thua phải chạy tới tận vùng Cao Bằng. Trịnh Tùng trong cuộc chiến luôn  đồng lòng cùng ba quân xông trận, nhiều lần đều mở trói thả hết các tù binh của đối phương, cung cấp thức ăn cho họ đi đường về quê sinh sống khiến cả gia đình họ đều cảm động, vì thế mà người dân bắc hà nhiều người ủng hộ và giúp đỡ cho nhà Lê – Trịnh.

Các tướng sĩ thì đều nghĩ rằng, Trịnh Tùng đối với quân địch còn như thế, thì đối với quân mình đương nhiên sẽ rất tốt, vì thế mà hết lòng đi theo ông.

Trịnh Tùng là người có công đầu trong việc trung hưng nhà Lê, ông được xem là nhà quân sự kiệt xuất. Trong 23 năm cầm quân, ông tham gia 33 trận đánh lớn và luôn giành được thắng lợi.

Triết Vương Trịnh Tùng. (Ảnh vusta.vn)

Triết Vương Trịnh Tùng. (Ảnh vusta.vn)

Dùng đại nghĩa tha chết cho 10 vạn đội quân từng đô hộ mình

Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ và đô hộ Giao Chỉ suốt 20 năm, gây ra rất nhiều tội ác, Nguyễn Trãi đã mô tả tội ác này trong “bình Ngô đại cáo” như sau:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán ;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những núi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?”

Tội ác của quân Minh. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Tội ác của quân Minh. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Thế nhưng khi nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh, đã tha chết cho 10 vạn hàng binh, không những thế còn sửa sang đường xá, cing cấp ngựa, thuyền và lương thực để đội quân này về nước, thể hiện rõ tấm lòng đại nghĩa, đúng như những gì Nguyễn Trãi đã mô tả:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Hành động đại nghĩa ấy chưa thấy ở đâu khác trong lịch sử thế giới, khiến đội quân được gọi là “thiên triều” ấy chỉ có thể cảm kích, “hổ thẹn đến rơi nước mắt”, thua trận phải tâm phục khẩu phục sau này không còn có ý tưởng dòm ngó nước namĐó cũng chính là dùng đức để cảm hóa nhân tâm.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc