Home » Danh nhân, Văn hóa » Câu chuyện thú vị về lòng hiếu học của Gia Cát Lượng

Lão sư của Gia Cát Lượng là 1 ẩn sĩ ở phía nam thành Tương Dương, tính tình thanh nhã, tinh thông kinh sử, ông là Tư Mã Huy, biệt hiệu là Thủy Kính tiên sinh.

gia-cat-luong

Chân dung Gia Cát Lượng. (Ảnh: Internet)

Thủy Kính tiên sinh trong nhà có nuôi 1 con chim công lớn để làm cảnh, hùng dũng oai vệ, khí phách hiên ngang, không sợ người lạ. Con chim công này thường có 1 thói quen là mỗi ngày vào 12h trưa sẽ kêu liền 1 mạch 3 tiếng rõ to. Thủy Kính tiên sinh như thường lệ mỗi khi nghe tiếng kêu của chim công là kết thúc bài giảng đi nghỉ trưa.

Lại nói Gia Cát Lượng thời trẻ rất say mê học tập, luôn muốn được nghe lão sư giảng nhiều hơn, nhưng chim công kia lại không biết điều, luôn phá rối việc học của Lượng ta.

Làm thế nào đây? Người thông minh như Gia Cát Lượng ắt hẳn sẽ tìm ra biện pháp, mỗi ngày Lượng mang theo 1 túi nhỏ đựng gạo vào lớp học, ước chừng gần đến giờ chim công kêu, ông liền mở cửa sổ tát gạo ra ngoài sân, chim công thấy gạo liền đến ăn quên mất cả giờ gáy. Đợi đến khi chim công mổ gần xong chỗ gạo, Lượng lại đổ thêm gạo mới, chim công lại tiếp tục mổ, đến khi mổ xong thì mới gáy to, khi đó thông thường đã quá giờ kết thúc 2 tiếng đồng hồ.

Gia Cát Lượng đạt được mục đích của mình, nghe giảng nhiều hơn nên lấy làm cao hứng, không biết rằng một thời gian sau Thủy Kính tiên sinh bắt đầu sinh nghi. Phát hiện tiểu thuật của cậu học trò, liền cho rằng Lượng cố tình trêu cợt lão sư nên nổi giận đuổi ông về nhà.

Chờ Gia Cát Lượng đi về, sư nương mới đến nói đỡ với Thủy Kính tiên sinh: ”Tôi xem Gia Cát Lượng là 1 cậu học trò chăm chỉ, nó làm như vậy chẳng qua là muốn cầu thêm một chút tri thức cho thỏa cái lòng hiếu học, chi bằng mình tha cho cậu ấy 1 lần”.

Nghĩ lại, đúng là cậu học trò của mình vốn là người ngay thẳng, nào đâu có ý châm chọc lão sư.

Thủy Kính tiên sinh cũng chỉ nhất thời tức giận, nhưng trong lòng luôn biết Gia Cát Lượng thông minh hơn người lại hiếu học, trong bụng từ lâu đã ưng ý cậu học trò, nay sư nương đã nói vậy, ông quyết tìm hiểu rõ hơn phẩm tính của thư sinh đặc biệt này, bèn phái 1 tiểu thư đồng đến nhà Lượng ở Long Trung để tra rõ.

Đến nơi, vị thư đồng vừa quan sát vừa hỏi thăm nhiều mặt, sau đó trở về báo với Thủy Kính 3 sự tình sau:

Chuyện thứ nhất, mẫu thân Gia Cát Lượng ngày đông rất sợ lạnh, Lượng rất hiếu thảo, ngày lên núi nhặt cây cỏ rơm rạ trải lên giường, buổi tối tự mình lên giường nằm lấy hơi ấm rồi mới mời mẹ đến ngủ.

Chuyện thứ 2, từ nhà Gia Cát Lượng đến giếng nước phải đi qua 2 bờ đất trồng rau, Lượng dáng người thấp bé, mỗi lần lấy nước e là sẽ làm vấy nước lên vườn nhà người ta, nên y hay gánh nước vòng qua chân núi men theo vài con đường để về nhà, tránh nước mình làm hỏng vườn rau nhà hàng xóm.

Một chuyện khác kể rằng, trước đây Gia Cát Lượng thời còn chưa đi học từng thỉnh giáo con chữ từ 1 cậu thư sinh. Về sau Lượng ham học hỏi, tài đức đã vượt xa vị thư sinh này, nhưng mỗi khi gặp mặt Lượng vẫn không quên ơn xưa mà khiêm tốn đối đãi, hoàn toàn không có nửa lời kiêu ngạo.

Thủy Kính tiên sinh nghe xong câu chuyện thì mười phần tán thưởng, ông cao hứng nói: “Gia Cát Lượng phẩm chất quả đoan chính, hiếm thấy! Tương lai nhất định là 1 nhân tài làm nên nghiệp lớn”, vì vậy sau đó ông đã tự mình đến Long Trung đón Lượng về để tiếp tục đèn sách, hơn nữa còn mang toàn bộ học thức cả đời truyền thụ cho Gia Cát Lượng.

Hoàng An

Theo Renminbao, tinhhoa.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc