Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Trung Quốc đe giam 1 năm, ai bảo vệ ngư dân

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về đường lưỡi bò, Trung Quốc ngày càng có hành động thể hiện chủ quyền của mình tại biển Đông.

>> Tàu Hải Quân Việt Nam ở đâu khi ngư dân gặp nạn

>> Tình cảnh khốn cùng của ngư dân: Xa bờ bị kiểm ngư TQ bắt, gần bờ bị kiểm ngư VN phạt

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ai bảo vệ ngư dân Việt sau lệnh xử phạt mới của Trung Quốc?

Tòa Tối Cao Trung Quốc vừa công bố lệnh mới, đe dọa xử phạt ngư dân bị bắt giữ một năm tù về tội xâm nhập hải phận Trung Quốc để đánh cá bất hợp pháp.

Lệnh mới của Trung Quốc ảnh hưởng mức nào đến sinh kế của người đánh cá Việt Nam, chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng, cho biết:

Việc Trung Quốc tuyên bố như vậy thì cũng giống như đã tuyên bố bao nhiêu năm nay, là cấm đánh bắt cá ở vùng Biển Đông từ kinh tuyến bao nhiêu đến bao nhiêu, từ thời gian nào đến thời gian nào. Những tuyên bố đó và bây giờ đến việc không cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển của Trung Quốc theo đường lưỡi bò thì đó là những tuyên bố phi lý, phi phi lý, không được ai công nhận. Quốc tế không ai công nhận việc đó cho nên tôi nghĩ nó sẽ không ảnh hưởng gì đến việc mà ngư dân Việt Nam hay ngư dân Quảng Ngãi đi đánh bắt ở vùng Biển Đông tại ngư trường truyền thống của họ.

Thanh Trúc: Thế thì ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, ra biển để đánh bắt cá?

Ông Phan Huy Hoàng: Vẫn tiếp tục và tiếp tục đánh bắt cá, là vì những tuyên bố đó của Trung Quốc không có giá trị pháp lý. Không có giá trị pháp lý ở đây là giá trị pháp lý quốc tế, không ai công nhận, cho nên ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt bình thường thôi, không ảnh hưởng gì cả. Còn nếu Trung Quốc có hành động gì mà gây ra chuyện này chuyện kia thì nhà nước Việt Nam sẽ có biện pháp để xứ lý, thế thôi.

Thanh Trúc: Khi ngư dân vẫn tiếp tục bám biển bất kể lệnh mới của Trung Quốc thì họ có được chính phủ bảo vệ hay Hội Nghề Cá có tự trang bị để bảo vệ cho ngư dân hay không?

Ông Phan Huy Hoàng: Thì cái này cũng khó, nó là biển bao la cho nên gọi là bảo vệ thì không thể bảo vệ hết được. Dĩ nhiên chính phủ là phải bảo vệ cho ngư dân rồi, nhưng bây giờ với biển bao la thì làm sao mà bảo vệ hết được. Dĩ nhiên ngư dân hay chính quyền phải có biện pháp nhưng bây giờ chưa có cụ thể gì, trên tinh thần tôi nói là như vậy.

Thanh Trúc: Theo như ông biết thì ngư dân có cảm thấy sợ hãi, lo lắng hay vẫn vì sinh kế mà phải ra khơi?

Ông Phan Huy Hoàng: Theo tôi thì ngư dân người ta cũng hiểu chuyện này và người ta tiếp tục đi đánh bắt bởi vì sinh kế, vì lẽ phải của người ta. Người ta vẫn đi hoạt động đánh bắt cá bình thường thôi, Trung Quốc làm sao mà bao hết Biển Đông, làm sao mà quản lý hết Biển Đông được?

Thanh Trúc: Chính phủ Philippines nhắc nhở ngư dân của họ tạm thời đừng đánh cá ở bãi cạn Scaborough đang tranh chấp với Trung Quốc để tránh bị tàu Trung Quốc gây hấn. Trước giờ chính phủ Việt Nam có bao giờ đưa ra khuyến cáo tương tự như vậy?

Ông Phan Huy Hoàng: Những lời khuyến cáo của Trung Quốc thì Việt Nam chưa có khuyến cáo tương tự như vậy, tôi cũng không bình luận về việc này. Ở góc độ tỉnh hay địa phương thì tôi nói như vậy, còn ở góc độ của nhà nước của chính phủ thì tôi không bàn ở đây.

Thanh Trúc: Trong tư cách chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi ông có thể cho biết thực lòng ông tin tưởng sự an toàn cho ngư dân đi biển trong lúc này như thế nào, chính phủ bảo đảm an toàn đến mức độ nào sau khi Tòa Án Tối Cao Trung Quốc ra lệnh cấm…?

Ông Phan Huy Hoàng: Cái đó không thể nói được đâu. Gọi là chính phủ đảm bảo an toàn hết thì cũng không được đâu. Ngay bây giờ còn chưa đảm bảo an toàn được hết và khi mà Trung Quốc nó làm mạnh nữa thì chưa thể nói được. Nhưng theo tôi hiểu thì chính phủ bây giờ vẫn tinh thần là đảm bảo chứ còn gọi là an toàn hết thì làm sao đảm bảo an toàn hết được. Thành ra tôi cũng không bàn được vấn đề đó.

Thanh Trúc: Tóm lại ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn gặp khó khăn với vấn đề Trung Quốc trên biển?

Ông Phan Huy Hoàng: Đúng, lâu nay đã khó khăn rồi chứ không phải không. Qua thông tin đại chúng thì lâu nay là có khó khăn rồi nhưng bây giờ thì có thể nó khó khăn nhiều hơn, tôi cũng lường trước những việc như vậy.

Thanh Trúc: Ông có nghĩ khi mà ngư dân vẫn bám biển, vẫn tiếp tục ra biển đánh bắt cá như bình thường là cũng một cách gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở trên biển?

Ông Phan Huy Hoàng: Đúng, chính xác như vậy. Mình hoạt động kinh tế ở đâu thì coi như mình khẳng định cái quyền tài phán kinh tế của đất nước ở đó, chuyện dĩ nhiên thôi.

Thanh Trúc: Cám ơn ông.

Thanh Trúc

Theo RFA

Bài liên quan:

>> Gặp nạn trên biển, ngư dân Việt chỉ biết tự cứu lấy nhau

>> Kê khai tuần tra biển “khống” để rút ruột hàng tỷ đồng, bỏ mặc ngư dân

Chuyên đề: , ,

01 ý kiến dành cho “Trung Quốc đe giam 1 năm, ai bảo vệ ngư dân”

  1. Đức Bùi 07/08/2016

    Việt Nam! Không làm gì để bảo vệ ngư dân mà còn đẻ ra lực lượng giám ngư để bòn rút, hút xương tủy của những người bám biển. Chỉ nổ máy chạy ra khỏi cảng để bán dầu mỡ và lĩnh công tác phí như cảnh sát biển.

    Reply

Ý kiến bạn đọc