Home » Cổ truyền, Văn hóa » Câu chuyện lịch sử minh chứng không thực hiện lời thề sẽ bị quả báo
Câu chuyện lịch sử chứng minh thề mà không thực hiện sẽ bị quả báo

>> Cổ nhân thực hiện lời thệ ước như thế nào?

>> Những câu chuyện về hôn nhân của người xưa: Phản bội lời thề sẽ gặp báo ứng

loi-the

Trong cuốn “Danh hiền tập” có viết rằng: “Nhân gian tư ngữ, thiên văn nhược lôi; ám thất khi tâm, thần mục như điện.” (Tạm dịch: Chuyện kín ở thế gian, trời nghe tựa như sấm, lén lút làm chuyện xấu, thần thấy như gương). Huống chi là phát lời thề nguyện?

Lời thề một khi đã phát ra là được ghi lại ở trên trời (có trời đất ghi nhận). Lời thề đã nói ra thì tất phải hoàn trả, nếu như trái với điều thề ước thì thiên báo rất rõ ràng. Cho dù con người có mạnh mẽ đến đâu, võ nghệ cao cường hay anh hùng khắp phương đi nữa thì cũng không thể siêu việt hơn quy luật thiên định khách quan này.

Trong lịch sử đã có rất nhiều câu chuyện thật xảy ra liên quan đến việc đã phát nguyện lời thề nhưng không thực hiện cho nên bị quả báo. Nổi bật nhất có thể kể đến lời thề đáng sợ giữa Tần Quỳnh và La Thành thời nhà Tùy.

Buổi sáng một ngày vào những năm cuối thời nhà Tùy, La Thành đang cùng luyện võ ở vườn hoa với người anh họ của mình là Tần Quỳnh, bỗng nhiên có người đến báo: “Lão Vương gia cho gọi hai vị thiếu gia đến phòng trước có việc!”

Hai người nghe xong vội vàng chạy đến phòng trước. Bắc bình vương La Nghệ đưa tay vuốt chòm râu dài rồi đưa ánh mắt nhìn về phía hai anh em họ dò xét. Ông thấy La Thành lông mày lưỡi kiếm, đôi mắt sáng ngời, đầu đội mũ cao, thân mặc áo bào trắng, có hình dáng của thiên tướng hạ phàm. Ông lại đưa mắt nhìn Tần Quỳnh, sắc mặt màu vàng nhạt, cao to lực lưỡng, đầu đội khăn tráng sĩ, có khí phách của một đại tướng sĩ.

Lão Vương gia gật đầu khen ngợi rồi nói: “Hai người các ngươi đều là tướng môn, tổ truyền võ nghệ đều sẽ là thiên hạ kiệt xuất. Hai người các ngươi ngoài việc luyện tốt võ nghệ của mình ra, từ hôm nay trở đi còn phải truyền thụ võ nghệ cho nhau. Đừng ai phụ lòng mong mỏi của ta.” Hai anh em họ nghe xong vội vàng gật đầu nói lời vâng dạ đồng ý.

Ngày hôm sau, hai anh em họ lại ra vườn hoa sau nhà và truyền võ thuật cho nhau. La Thành cười và nói với anh họ Tần Quỳnh: “Biểu ca! Huynh nên lấy giản pháp của Tần gia ra để truyền lại cho đệ. Đệ cũng sẽ đem hết thương pháp của La gia ra để truyền lại cho huynh mà không giữ lại một chút nào cả. Nếu như đệ làm trái lời thề này thì nhất định sẽ bị ngàn mũi tên đâm vào mà chết.”

Tần Quỳnh nghe xong vô cùng cảm động trước tấm lòng của người em họ nên cũng thuận miệng nói tiếp: “Biểu đệ yên tâm! Ta sẽ đem hết giản pháp của Tần gia ra truyền lại cho đệ không thiếu chút nào. Nếu ta không tuân thủ thệ ước này thì sẽ bị thổ huyết mà chết.” Nói xong, hai anh em họ đều khoan khoái cười to.

Nhưng, lòng người quả là phức tạp, phức tạp đến mức đôi khi ngay cả bản thân mình cũng không hiểu thấu. Lúc La Thành dạy cho Tần Quỳnh 72 đường thương pháp của La gia, tất cả các chiêu đều là rất chính xác nhưng còn lại tuyệt chiêu cuối cùng thì La Thành bắt đầu do dự. Cuối cùng trải qua một hồi đấu tranh tư tưởng, La Thành đem tuyệt chiêu này cải biến đi rồi mới dạy lại cho Tần Quỳnh. Tuyệt chiêu này gọi là “Hồi Mã Thương”. Trong chiêu này, người ta giả vờ thua chạy, nhử cho đối thủ đuổi theo thật sát sau lưng rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương để phản kích. Điểm đặc biệt của đòn hồi mã thương là tính bất ngờ, khiến đối phương không kịp trở tay.

Về sau, khi La Thành sử dụng chiêu thuật này trên chiến trường đã bị Tần Quỳnh biết được. Tần Quỳnh bấy giờ mới hiểu được chiêu thuật cuối cùng này mình học lúc trước là giả. Nhưng Tần Quỳnh cũng không hề phàn nàn hay bất mãn gì bởi lúc trước anh ta cũng đã giữ lại cho mình tuyệt chiêu “Sát thủ giản” hay còn gọi là “Tát thủ giản”.

Một lần trên chiến trường, La Thành trong lúc chứng kiến Tần Quỳnh giao chiến với địch tướng đã sử dụng chiêu thuật này mà giết chết được địch tướng. La Thành cũng không lấy làm buồn mà cao giọng tán thưởng: “Biểu ca sử dụng sát thủ giản thật tuyệt!” Hai người họ lại thoải mái cười to mà không có chút trách cứ nào đối phương không giữ lời hứa cả.

Mặc dù, người không phàn nàn nhưng thiên báo thì không thể bỏ qua. Một lần La Thành trong khi giao chiến với Tô Định Phương đã bị trúng kế của Tô Định Phương. La Thành một mình cưỡi ngựa bị vây hãm trong bùn lầy mà bị loạn tên bắn chết. Đáng tiếc là La Thành, một tướng quân 23 tuổi đã ứng với lời thề lúc trước mà bỏ mạng.

Lời thề của Tần Quỳnh linh ứng muộn hơn một chút. Tần Quỳnh mặc dù là đại nguyên soái đảm nhận việc binh mã của Đường Thái Tông Lý Thế Dân nhiều năm nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi quả báo ứng với lời thề của mình. Vào lúc về già, trong lần luận võ cùng với Uất Trì Cung để đoạt ấn soái thì bị thổ huyết mà chết. Bề ngoài nhìn thì có vẻ là do tuổi già sức yếu, dùng sức quá độ thổ huyết mà chết, nhưng thực ra đây chỉ là cái kết quả mà thôi.

Vì vậy, cho dù là tín Thần hay không tín Thần thì cũng đừng tùy tiện phát ra lời thề, đối với bất kỳ người nào, tổ chức hay nhóm nào. Bởi vì, khi đã phát lời thệ nguyện rồi thì nhất định phải làm, nếu không thực hiện thì sẽ phải trả giá tương ứng.

Mai Trà biên dịch theo NTDTV

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc