Home » Kinh doanh » Các yếu tố khiến kinh tế Nga thụt lùi
Sau khi bị Mỹ và phương tây trừng phạt do can thiệp vào Crimea, nền kinh tế Nga suy sụp lao đao.

Tác nhân nguy hiểm kéo lùi kinh tế Nga

Tạp chí Time ngày 14/8 đăng bài phân tích tình trạng kinh tế Nga suy thoái. Theo đó, tham nhũng, giá dầu giảm, năng suất lao động thấp là những tác nhân nguy hiểm đang kéo lùi nền kinh tế Nga.

 

  Ảnh minh họa

 Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại điện Kremlin. Ảnh minh họa

Lần đầu tiên kể từ năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên đỉnh điểm, kinh tế Nga đã bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Cho dù, mức dự trữ ngoại hối 360 tỷ USD sẽ phần nào giúp Nga chống đỡ khủng hoảng, nhưng dự báo trong năm nay, kinh tế nước này vẫn sẽ sụt giảm 3%.

Nếu không có biện pháp hiệu quả được đưa ra, Nga sẽ tiếp diễn tình trạng kinh tế giảm sút. Dưới đây là những “trở ngại” đe dọa sẽ kéo tụt nước Nga trên “mặt trận” kinh tế:

1. Thiếu tính đa dạng

Không chỉ quy mô mà tính đa dạng và khả năng chống chịu là những chỉ số quan trọng của một nền kinh tế. Trong nhiều năm, Kremlin đã ủng hộ và bảo vệ các công ty nhà nước lớn và phải đánh đổi sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi đó, SME chính là khu vực kinh tế tạo nền tảng cho sức sống và tính đa dạng của nền kinh tế.

SME thúc đẩy sáng tạo, năng động trước thời cuộc, thị hiếu người tiêu dùng và công nghệ. Tại châu Âu, SME đóng góp khoảng 40% GDP. Tại Nga, con số này mới chỉ 15%. Qua đó, Nga không hề hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2008 tới 2012, khu vực tư nhân của Nga đã mất 300.000 việc làm, trong khi khu vực nhà nước tăng tới 1,1 triệu nhân viên ăn lương. Ngoài tính đa dạng hạn chế, Moscow cần giảm dần vai trò trung tâm của khu vực nhà nước trong phát triển kinh tế.

2. Phụ thuộc vào dầu mỏ

Giá dầu mỏ giảm xuống dưới 45 USD/thùng, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn tiếp tục tăng khai thác, Iran dự kiến tăng cung cấp 1 triệu thùng/ngày ra thị trường toàn cầu sau khi được dỡ bỏ cấm vận. Tất cả các diễn biến bất lợi này sẽ khiến Moscow lao đao, bởi doanh số từ dầu khí chiếm tới 50% thu nhập của Chính phủ Nga.

Năm 1999, dầu khí chiếm dưới một nửa kim ngạch xuất khẩu của Nga, nhưng tới nay nó đã chiếm tới 68%. Sự phụ thuộc gia tăng này khiến cứ 1 USD giá dầu giảm kéo theo 2 tỷ USD doanh số dầu bán ra. Để cân bằng trở lại cán cân ngân sách Nga, điều kiện “đột biến”  là giá dầu cần tăng trở lại mức 100 USD/thùng.

3. Ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt

Do quá phụ thuộc vào dầu thô (chiếm 40% ngân sách quốc gia), nên Nga đặc biệt dễ bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, Nga đang và sẽ ngày càng bị phụ thuộc vào công nghệ hiện đại của các công ty phương Tây trong khai thác dầu khí tại các vùng xa xôi hay dưới các vùng biển sâu. Các nguồn này chiếm 15% dự trữ dầu mỏ và 30% khí đốt chưa khai thác của thế giới.

Có quan điểm cho rằng, Nga nên nhờ Trung Quốc giúp đỡ, bởi Trung Quốc đang cần dầu khí Nga, tuy vậy, láng giềng lớn này lại không thể sở hữu những công nghệ Nga cần để khai thác. IMF dự tính, các lệnh trừng phạt kéo tụt 9% GDP của Nga.

4. Các vấn đề khác

Năng suất lao động Nga thụt lùi, với mỗi giờ làm việc, một công nhân trung bình đóng góp 25,9 USD cho GDP, so với Hy Lạp là 36,2 USD/giờ, còn Mỹ là 67,4 USD/giờ.

Ngoài ra, tệ nạn tham nhũng khiến kinh tế Nga thiệt hại 300 – 500 tỷ USD/năm, tương đương 3 gói cứu trợ dành cho Hy Lạp cộng lại.

Năm 2015, Tổ chức Freedom House chấm mức điểm 6.75/7 cho tình trạng tham nhũng tại Nga (7 điểm là mức tham nhũng cao nhất).

Một hệ quả đối với Nga là chất xám từ những lao động trình độ cao chảy ra ngoài nước. Từ năm 2012 -2013, hơn 300.000 người rời khỏi Nga để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Con số này tiếp tục tăng kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea năm ngoái.

Đỗ Tuấn

Theo time, vnmedia

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc