Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Chính phủ sẽ thắt chặt luồng tiền ra nền kinh tế
Thông điệp về việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa trong năm 2011 đã được Chính phủ chính thức phát đi tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết đầu năm sáng 24/2.

Thay vì định hướng điều hành thận trọng, linh hoạt… như giai đoạn trước, ngay đầu phiên làm việc sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định chính sách tiền tệ và tài khóa năm 2011 sẽ được thực hiện theo hướng chặt chẽ và thắt chặt. “Chặt chẽ ở đây có nghĩa là thận trọng và trong hoàn cảnh cần thiết, có thể thắt chặt tiền tệ”, Phó thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng tiếp tục khẳng định việc kiềm chế lạm phát sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế năm 2011. Ảnh: Nhật Minh
Thủ tướng tiếp tục khẳng định việc kiềm chế lạm phát sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế năm 2011. Ảnh: Nhật Minh.

Với định hướng này, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm giải pháp lớn và quán triệt tới lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại hội nghị trực tuyến sáng nay. Trước hết Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước thực hiện triệt để chủ trương thắt chặt tiền tệ, với giải pháp cơ bản là giảm tổng cầu đầu tư toàn xã hội.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong năm 2009 và 2010, với mục tiêu là chống suy giảm và phục hồi kinh tế, cơ quan điều hành đã cho phép tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 30%. Tuy nhiên, bước sáng 2011, với mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng cần được đưa về mức dưới 20%. Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ cố gắng đưa tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán cả năm xuống 15-16%, thay vì 21-24% như Ngân hàng Nhà nước công bố cuối năm ngoái.

Tuy cung tiền giảm nhưng Chính phủ khẳng định không giảm các khoản đầu tư liên quan đến an sinh xã hội, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và một số ngành quan trọng như điện, xăng dầu…

Đối với thị trường ngoại hối, Chính phủ khẳng định qua cân đối dòng tiền ra vào, Việt Nam hiện không thiếu ngoại tệ. Tuy nhiên, trong năm 2011, cơ quan quản lý sẽ tích cực sử dụng các biện pháp nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ và tránh gây áp lực lên tỷ giả. Chính phủ cũng cho biết đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo quản lý thị trường vàng với tư cách vừa là thị trường hàng hóa thông thường, vừa là thị trường ngoại hối.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng trưởng kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng. Ảnh: Nhật Minh
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng trưởng kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng. Ảnh: Nhật Minh.

Cùng với chính sách tiền tệ, tài khóa 2011 cũng được điều hành theo hướng thắt chặt. Tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành phải tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên trong 9 tháng cuối năm, đồng thời cố gắng tăng thu ngân sách vượt 7-8% so với dự toán.

Tuy nhiên, cũng giống như chính sách tiền tệ, Chính phủ cho biết các khoản giảm chi sẽ không nhắm tới các chương trình an sinh xã hội (cho sinh viên vay, Chương trình 134, 135…). Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chấm dứt tình trạng ứng vốn ngân sách, giảm tổng đầu tư toàn xã hội từ mức 40% dự kiến xuống còn khoảng 38-39%.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu tăng thu được 7-8% so với dự toán, ngân sách sẽ có thêm số tiền tương ứng khoảng 2-3% GDP. Qua đó, bội chi ngân sách sẽ giảm được khoảng 1-1,5%. “Năm nay, Chính phủ sẽ cố gắng đưa bội chi ngân sách xuống dưới 5%”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định

Bên cạnh 2 biện pháp thắt chặt nói trên, Thường trực Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương, có các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích các mặt hàng xuất khẩu (phấn đấu giảm nhập siêu xuống mức 16% giá trị xuất khẩu), thực hành tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh là thời cơ của nông nghiệp Việt Nam đã đến khi giá cả lương thực trên thế giới đang tăng cao. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có biện pháp tăng sản lượng xuất khẩu gạo trong năm 2011. “Nếu làm được vậy, nông dân ta vừa được hưởng lợi, lại góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”, Thủ tướng nhận định.

Cùng với những biện pháp nêu trên, Chính phủ cũng đề xuất các biện pháp tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là sau quyết định điều chỉnh giá điện và giá xăng. Chính phủ cũng cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình kinh tế – xã hội năm 2011 sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn, đặc biệt là các khó khăn đến từ thị trường quốc tế: “Việt Nam không thể thoát khỏi những điều kiện khách quan kinh tế thế giới nên chỉ có thể bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để khắc phục. Kiềm chế lạm phát sẽ lạm nhiệm vụ trong tâm trong năm nay và là nhiệm vụ chung của Chính phủ và toàn xã hội”, Thủ tướng tái khẳng định.

Nhật Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc