Home » Cổ truyền, Văn hóa » “Lấy dễ đãi người, ước chế người” – Câu chuyện về lòng khoan dung (Phần 1)
 Cổ ngữ có câu: “Cổ chi quân tử, kì trách kỉ dã trọng dĩ chu, kì đãi nhân dã khinh dĩ ước”, có ý là quân tử thời xưa yêu cầu bản thân rất nghiêm ngặt về mọi phương diện, như vậy mới có thể kịp thời sửa đổi, không ngừng tiến lên, đối với người khác khoan dung bình dị, làm người khác vui là thiện. Khoan dung chính là một loại trí huệ, là bao dung trong khi kiên trì giữ vững đạo nghĩa, là quan tâm yêu mến và có trách nhiệm với người khác, cần phải có tấm lòng phóng khoáng và tâm thiện với người khác. Tử Cống, một học trò của Khổng Tử từng hỏi Khổng Tử rằng: “Có chữ nào có thể trở thành nguyên tắc được tôn thờ cả đời không? ” Khổng Tử nói: “Đó đại khái là chữ “Thứ” (tha thứ). “Thứ” có nghĩa là khoan dung. Cổ nhân chú trọng tu thân, luôn luôn xem xét, cảnh tỉnh bản thân, có thể dùng lòng khoan dung bao dung những thiếu sót của người khác, không chỉ giúp bản thân tích đức, mà còn có thể cảm hóa, khiến người khác hướng thiện. Dưới đây là một vài câu chuyện được ghi chép lại trong sách cổ.

Tống Tựu lấy đức báo oán

Thời Chiến Quốc (từ năm 722 đến 481 tr. CN), nước Lương có vị đại phu tên gọi Tống Tựu, từng làm Huyện lệnh một huyện vùng biên giới. Huyện này giáp ranh với nước Sở. Hai nước Lương, Sở dựng lên một trạm gác biên giới. Nhân viên trạm gác biên giới trồng một vườn dưa. Người nước Lương vô cùng cần mẫn chịu khó, nhiều lần sang tưới cho ruộng dưa, loại dưa họ trồng lên rất tốt. Người nước Sở lười biếng, ít khi tưới nước, dưa họ trồng lên không tốt lắm.

Người nước Sở sinh lòng đố kị, nhân lúc nửa đêm tới dẫm đạp và kéo đứt thân cây. Sau khi người nước Lương phát hiện ra liền báo lại cho huyện lệnh Tống Tựu, cho rằng phải trả thù họ, bèn chuẩn bị qua dẫm nát ruộng dưa nước Sở. Tống Tựu nghe vậy lắc đầu mà rằng: “Sao lại làm như vậy? Kết oán với người ta là con đường chuốc họa vào thân mình. Dù người ta đối xử không tốt với mình, chúng ta cũng phải đối tốt với người ta, sao lại hẹp hòi vậy! Ta bảo các ngươi cách này, mỗi tối cử một người âm thầm sang tưới nước cho ruộng dưa nước Sở, nhớ đừng để họ biết.”

Sáng sớm người nước Sở ra đến ruộng đã thấy nước tưới xong rồi. Cứ như vậy, nhờ người nước Lương giúp đỡ, ruộng dưa bên nước Sở ngày một tươi tốt. Người nước Sở cảm thấy rất kỳ lạ, bèn âm thầm quan sát, dò hỏi, biết rằng hóa ra đều là người nước Lương làm. Họ cảm thấy vô cùng kinh động, bèn báo cáo lại chuyện này cho triều đình nước Sở. Quốc vương nước Sở sau khi biết chuyện, thấy rất khó xử, bèn mang lễ hậu tới tạ lỗi cùng nhân viên trạm gác nước Lương và muốn kết giao với người quốc vương nước Lương. Quốc vương nước Sở sau đó nhiều lần ca ngợi quốc Vương nước Lương giữ lễ nghĩa. Vậy mới nói quan hệ hữu hảo giữa hai nước Lương Sở bắt nguồn từ cách giải quyết thỏa đáng câu chuyện ruộng dưa trạm gác nơi biên giới. Cổ ngữ nói “Chuyển bại thành công, phúc sinh từ họa”, Lão Tử nói “Lấy đức báo oán” chính là nói đến những chuyện như vậy.” (Trích từ “Tân Tự”)

Tướng Tương Hòa

Vào thời Chiến Quốc, quan văn nước Triệu Lận Tương Như, đi sứ sang nước Tần không hổ thẹn với sứ mệnh “Đem ngọc trả lại cho vua Triệu”, lập được công lao hiển hách và được phong làm Thượng Khanh, đứng trên cả tướng võ Liêm Pha. Liêm Pha rất không phục, lộng ngôn mà rằng: “Ta là đại tướng quân nước Triệu, có công lớn đánh thành, dã chiến. Còn Lận Tương Như chỉ lập công dựa vào tấc lưỡi, nhưng chức vị của ông ta lại trên cả ta. Ta cảm thấy bị sỉ nhục, chỉ cần nhìn thấy ông ta, ta nhất định phải hạ nhục ông ta.” Sau khi Lận Tương Như biết chuyện bèn hết sức tránh gặp mặt, nhẫn nhịn, không chịu gặp mặt ông ta. Một lần lên xe xuất hành, nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông lập tức bảo phu xe đánh xe vào hẻm nhỏ cắt ngang đường, đợi xe của Liêm Pha qua rồi mới đi ra, tránh cho đôi bên nảy sinh xung đột.

Môn khách của Lận Tương Như cho rằng ông sợ Liêm Pha, nhất tề mà rằng: “Chúng tôi về đầu quân cho ngài vì ngưỡng mộ đạo đức phẩm giá, lễ nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài tương đương với Liêm Pha, ngài lại trốn tránh ông ta, sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải chuyện này cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là tướng quân! Chúng tôi tài hèn, xin cho chúng tôi được cáo từ!”

Lận Tương Như kiên quyết lưu giữ họ lại, mà rằng: “Các ông thấy Liêm tướng quân so với Tần Vương ai giỏi hơn?” Môn khách trả lời nói: “Liêm tướng quân không giỏi bằng Tần Vương.” Lận Tương Như nói: “Với uy thế của Tần Vương như vậy, tôi Lận Tương Như còn dám nói lý, quát mắng ông ta trước triều thần nước Tần. Dẫu cho Tương Như tài hèn, lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Ta nghĩ rằng, nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, chỉ vì có hai người chúng ta! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân, là vì luôn nghĩ tới sự an nguy quốc gia làm đầu!” Sau khi Liêm Pha nghe được những lời này, bèn mình trần vác roi dẫn đến cửa nhà Lận Tương Như xin nhận tội, mà rằng: “Tôi là kẻ phàm phu ti tiện, không ngờ ông lại bao dung ta đến mức này!” Từ đó hai người giải tỏa hết hiềm khích, cùng nhau gánh vác đại sự, trở thành đôi bạn cùng sinh tử. Đây cũng là nguồn gốc điển cố “Phụ kinh thỉnh tội (vác roi nhận tội)”.

Từ xưa đến nay, biết sai mà sửa đã là một phẩm giá, tướng quân Liêm Pha có thể nhanh chóng tỉnh ngộ, còn “vác roi nhận tội”, càng thể hiện sự chân thành và được người đời ca ngợi. Còn Lận Tương Như trong suốt thời gian xung đột với Lâm Pha đã chọn sự nhẫn nhịn, lựa chọn điểm tương đồng, lấy lợi ích quốc gia làm trọng, xem nhẹ vinh nhục cá nhân, giữ gìn đạo nghĩa, mang phong thái tối cao của người quân tử, càng là tấm gương cho hậu thế sau này. (Trích “Sử ký”)

Tể tướng tâm trí phóng khoáng

Tại nước Thục Thời Tam Quốc, sau khi Gia Cát Lượng tạ thế, Lưu Thiền tuân theo di chúc của Gia Cát Lượng phong Tưởng Uyển làm tể tướng chủ trì việc triều đình. Lúc đó, nước Thục mới mất đi chủ soái, bên ngoài có địch mạnh xâm lấn biên cương, trong triều lo lắng bất an. Tưởng Uyển tuy đứng đầu triều chính nhưng vẫn điềm tĩnh thản nhiên, nắm vững đại cục, không hề lộ vẻ lo lắng, cũng chẳng tỏ ra vui mừng, cử chỉ như Thần, vẫn thản nhiên như ngày thường. Nên lòng dân nhanh chóng yên ổn.

Tưởng Uyển là người trung hậu, Dương Hý, thuộc hạ của ông, là người cao ngạo, ăn nói vụng về. Mỗi khi Tưởng Uyển nói chuyện với ông ta, ông ta thường không thèm trả lời. Có người thấy trái mắt, bèn nói trước mặt Tưởng Uyển: “Dương Hý người này thờ ơ với ngài, như vậy quá lắm!” Tưởng Uyển thản nhiên mỉm cười đáp rằng: “Nhân tâm mỗi người một khác, cái gì cũng có mặt nọ mặt kia, trước mặt phục tùng mà sau lưng trách mắng, đây là việc cổ nhân không làm. Để Dương Hý ca ngợi trước mặt ta, không phải là bản tính của ông ta; để ông ta nói cái sai của ta trước mặt mọi người, ông ta sẽ nghĩ rằng ta không thoát ra được. Kỳ thực, đây chính là chỗ trân quý trong cách làm người của ông ấy.” Người đời sau ca ngợi Tưởng Uyển “Bụng dạ tể tướng khoáng đạt có thể căng buồm ra khơi”, điển cố này từ đó lưu truyền về sau.

Hựu Đốc Nông Dương Mẫn từng nói Tưởng Uyển: “Làm việc hồ đồ, quả thực không bằng tiền nhân”, ý nói ông làm việc kém xa thừa tướng tiền nhiệm. Có người nói lại với Tưởng Uyển, quan chủ quản đòi trị tội y, Tưởng Uyển lại không truy cứu mà rằng: “Ta quả thực không bằng tiền nhân, cũng không thể chối được.” Sau này y gặp chuyện, mọi người đều cho rằng Tưởng Uyển sẽ nhân dịp này báo thù, nhưng ngược lại Tưởng Uyển đại lượng xin xá tội cho y. Người ngoài nhẫn nhịn không nổi, bất bình thay cho ông. Nhưng ông rất ôn hòa mà rằng: “Vỗn dĩ tôi không sánh được với tiền nhân, đây là sự thực, ai ai cũng biết, cớ gì phải sợ người khác nói. Còn về chuyện hôm nay ông ta mắc tội, ta chỉ hy vọng có thể đối xử theo lẽ công bằng.”

Trong thời gian Tưởng Uyển giữ chức thừa tướng, theo phong thái Gia Cát Lượng để lại, ông quan sát tinh tường, giỏi phán đoán, không ưa xu nịnh, không nghe lời kích bác, được dân chúng kính phục. Sử sách ghi chép về ông như sau: “Vẹn toàn uy nghiêm, tuân theo quy tắc của Gia Cát Lượng, do thuận theo mà không thay đổi, nên biên cương không lo, dân quốc thái bình.” (Trích từ “Tư Trị Thông Giám”).

(còn nữa)

Tịnh Viễn

theo minhhue.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc