Sau một tiếng nổ lớn, mặt đất bắt đầu sụp xuống tạo thành một hố sâu hơn 5m, đường kính hơn 6m rồi nước phun trào.
Khoảng 2h ngày 18/2, tại khu vực rẫy cafe của gia đình anh Y Mul Buôn Yă, thuộc buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, Đăk Lăk, đã phát ra một tiếng nổ lớn như tiếng mìn nổ.
![]() |
Hỗ sâu được chụp lại tại rẫy cafe của gia đình anh Y Mul |
Theo lời kể của anh Y Mul, “Tôi đang kéo ống tưới cafe thì hốt hoảng vì trước mặt có một hố sâu chứa nước. Sau phút định thần, tôi gọi một số người dân tới xem và gọi điện báo cho chính quyền xã Ea Nuôl’.
Lúc trước, nghĩ tiếng mìn nổ nên không ai để ý.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, sau khi phát ra tiếng nổ lớn, đất sụp lở theo chiều thẳng đứng tạo thành hố sâu hơn 5m, đường kính hơn 6m.
Ngay sau đó, nước từ trong lòng đất phun ra, dâng lên cách mặt đất khoảng 2m.
Sáng 6/3, ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Phòng Tài nguyên nước, Sở TN – MT tỉnh Đăk Lăk, nhận định:
’Nguyên nhân của vụ sụp lở đất là do việc khai thác nước ngầm quá mức của tầng chứa nước bazan khiến cấu trúc tầng này bị phá vỡ và tác động của các hoạt động địa chất nội sinh, ngoại sinh giữa 1 tầng chứa nước.
![]() |
Người dân lo lắng trước hiện tượng lạ |
Hiện không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi’.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, cho biết thêm: Hai ngày sau vụ sụp lở đất, một số người dân đã phản ánh tại khu vực thôn Đại Đồng, cách hố sụp lở gần 2km đã xảy ra một vụ nứt đất với kích thước rộng khoảng 5cm, dài hơn 20m. Tuy nhiên, sau đó người dân đã dùng đất lấp lại nên vụ việc chưa được báo cáo lên cơ quan chức năng.
“Chúng tôi sẽ xác minh lại để báo cáo cơ quan chức năng vào cuộc, tránh gây tâm lý lo lắng cho người dân”, ông Phong nói.
Máu rỉ từ lòng đất
Trước đó, đêm 3/2/2013, hàng trăm người dân thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc và các vùng lân cận đã đổ xô đến khu chợ mới Ngõ Tư (Khu 7, TT Ái Nghĩa) để xem “máu” từ dưới nền xi-măng trào lên.
“Những ngày trước, tôi thấy nước màu đỏ ở đó rỉ lên mặt nền xi-măng, nhưng nghĩ là do máu cá chảy ra nên không quan tâm. Đến chiều ngày 3/2, lúc chuẩn bị dọn hàng, tôi thấy chỗ đó tươm nước màu đỏ lên tôi liền lấy giẻ lau khô. Nhưng một lúc sau nhìn lại, tôi phát hoảng nước màu đỏ như máu lại tươm chảy lên nhiều hơn”, một tiểu thương tên Phượng cho biết.
![]() |
“Máu rỉ” phun lên từ mặt đất khiến nhiều tiểu thương hoang mang |
Sự việc được đồn đại và trong đêm 3/2, có hàng trăm lượt người dân hiếu kỳ đến xem.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương phải mua xi-măng, cát trộn vữa đổ trên đó một lớp dày. Đến lúc này, hiện tượng trên không thấy xuất hiện nữa.
Lí giải về hiện tượng kì lạ trên, PGS. TS Kiều Quý Nam, Phòng Khoáng vật, Viện Địa chất (Viện KH&CN Việt Nam), ông cho biết, trong cuộc đời làm khoa học của mình chưa gặp hiện tượng nào tương tự thế.
“Xi măng sau khi tác động với nước sẽ diễn ra hiện tượng đóng rắn. Sau 1 thời gian trong quá trình đóng rắn, nó thải ra kiềm, có thể là K2O, Na2O, CaO. Nếu không cho chất phụ gia, những chất kiềm này sẽ tiếp tục kết hợp với nước để trương nở, tỏa nhiệt và dẫn tới hiện tượng nứt, rạn trên bề mặt xi măng.
Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nước rò rỉ trên mặt xi măng”, ông Kiều Quý Nam lý giải.
Còn việc “nền xi măng rỉ máu” thì TS Kiều Quý Nam cho rằng, chất màu đỏ có thể là một hợp chất vô cơ, do phản ứng với kiềm sinh ra hoặc là một hợp chất hữu cơ. Theo ông, muốn kiểm chứng phải lấy được mẫu nước đỏ mà nhân dân phản ánh để đem đi xét nghiệm.
Do không trực tiếp chứng kiến hiện tượng này nên TS. Kiều Quý Nam chưa thể đưa ra kết luận. Ông cho rằng cần theo dõi xem hiện tượng đó có lặp lại hay không để tiếp tục nghiên cứu.
Sáng ngày 20/2, ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc – Quảng Nam khẳng định: “Máu” rỉ từ nền chợ chỉ là nước cá, thịt.
(tổng hợp từ NLĐ)
Đưa ra nhận định như vậy có quá sớm không?