Home » Xã hội » Việt Nam: lạm phát trong tháng Sáu lên đến 21%
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỉ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 6 vừa qua đã lên đến 21% khiến Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới hiện nay.

[title]

Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,8% năm 2010. Tuy nhiên, lạm phát lại vượt mức chính phủ đề ra. (AFP : Hoang Dinh Nam, file photo)

Sau thời kỳ siêu lạm phát vào những năm 1980, người ta lại chứng kiến lạm phát tại Việt Nam tăng lên đến 28% cách đây hơn hai năm (2008). Chuyên gia kinh tế Adam McCarty, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Công ty Tư vấn Mekong Economics, cho rằng lạm phát 2011 cũng sẽ tăng lên mức đỉnh điểm 25%.

Hiện nay, cả đất nước và người dân Việt Nam đang phải đương đầu với lạm phát không ngừng leo thang. Giá lương thực, thực phẩm trong những tháng qua đã tăng một cách chóng mặt.

Giáo sư Adam Fforde thuộc Trung tâm Kinh tế Chiến lược, Đại học Victoria (Úc) cho biết lạm phát bắt nguồn từ việc nới lỏng tín dụng khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và những can thiệp của chính phủ vào hoạt động của Ngân hàng Nhà nước càng làm cho tình hình xấu đi.

Ông Fforde nói: “Tôi cho rằng những can thiệp chính trị như thế sẽ tiếp tục tồn tại, trừ khi Việt Nam có một người lãnh đạo có đủ tầm để hoạch định chiến lược cho cả nước hoặc có sự thay đổi trong hệ thống chính trị và bộ máy chính phủ có quyền lực thực sự.”

Bên cạnh đó, mức lãi suất của Việt Nam cũng cao ‘ngất ngưởng’. Trong một đánh giá mới đây nhất của mình, Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế Việt Nam đã mất đi sự tín nhiệm của người dân. Nguyên nhân là do những chính sách thiếu đồng bộ và nửa vời cũng như chính phủ chủ yếu chú trọng vào việc tăng trưởng kinh tế hơn là kiềm chế lạm phát. Mặc dù vậy, ông Adam McCarty cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP 6% như hiện nay là vẫn còn thấp.

“Việt Nam đáng lý phải tăng trưởng với tốc độ 10%/ năm như Ấn Độ hiện nay. Vì thế, tôi nghĩ Việt Nam vẫn còn những bất cập về cơ cấu cần được giải quyết để tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển.”

Trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm, điện, nước và nhiên liệu vẫn không ngừng tăng, ngày càng có nhiều công nhân Việt Nam đình công đòi tăng lương. Sau những nỗ lực điều đình, lương của một số công nhân có tay nghề đã được tăng. Mặc dù vậy, do lạm phát tăng cao, sự tăng lương của họ là không đáng kể, thậm chí thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí của họ còn bị giảm xuống so với trước đây.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số lớn những người lao động không được tăng lương.

“Một phần trong số đó là nhân công trong ngành nông nghiệp và những người đang làm việc trong các xí nghiệp. Vì vậy, trong hơn một năm qua, họ đình công nhiều hơn để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mình”, ông McCarty cho biết.

Thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Ông McCarty cho biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó chính sách siết chặt tín dụng đã phát huy một phần tác dụng. Tuy nhiên, một số biện pháp khác lại gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn là phát huy tính hiệu quả.

“Điển hình là các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá chưa đúng mức tình trạng bấp bênh của các doanh nghiệp do những thay đổi thường xuyên trong các điều luật quản lý doanh nghiệp nhỏ gây ra. Họ đã đề ra thêm nhiều văn bản pháp lí nhằm hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng để tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu”, ông McCarty cho biết.

Trước câu hỏi về tính hiệu quả của các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, ông McCarty cho biết trong những năm qua, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được bài toán này và đó chính là gốc rễ gây ra sự trì trệ kinh tế. Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách, biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng sau đó lại nới lỏng tín dụng và tiếp tục cho các doanh nghiệp nhà nước vay tiền và điều này gây ra sự thiếu đồng bộ trong chính sách.

Giáo sư Fforde thì cho rằng sự đình công của công nhân không phải là một mối đe dọa với chính quyền nhưng nó cũng cho thấy sự cần thiết phải có sự thay đổi về mặt chính trị. Tuy nhiên, ông tỏ ra khá bi quan về vấn đề này trong tương lai gần.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc