Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Nhà đầu tư ‘chê’ cổ phiếu FDI
Bị ngưng giao dịch, giá rớt thê thảm, cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở vào diện “rẻ hơn rau”.

Cổ phiếu CYC của Công ty cổ phần gạch men Chang Yih là một trong những chứng khoán FDI bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 17/6 trên sàn TP HCM. Theo báo cáo kiểm toán, CYC lỗ 8 tỷ đồng năm 2009 và 464,3 triệu đồng năm 2010. Doanh nghiệp cũng nhiều lần xin gia hạn chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2010, dù HOSE đã có công văn nhắc nhở lần thứ hai. Trước khi tạm ngừng giao dịch, giá CYC dao động quanh mốc 4.000 đồng mỗi cổ phiếu.

CYC chưa phải là cổ phiếu “họ” FDI có mức giá thấp nhất, trường hợp cổ phiếu FPC của Công ty cổ phần Full Power còn tồi tệ hơn thế. Sau khi được giao dịch trở lại, giá cổ phiếu FPC chỉ 2.200 đồng (ngày 31/5/2011) – thấp hơn cả mớ rau muống tại chợ cóc.

Cổ phiếu FDI rớt giá mạnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Cổ phiếu “họ” FDI không được các nhà đầu tư ưa chuộng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Một số cổ phiếu khác cùng thuộc “họ” FDI cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự . TYA (Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam) giá chỉ 3.800 đồng, KMR (Công ty cổ phần Mirae) giá 5.500 đồng… Ngoài việc xuống mức cực thấp khi thị trường lao dốc, các chứng khoán này cũng thường xuyên có mặt trong top cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng. Có mức giá khả quan hơn trên sàn là TCR của Công ty Gốm sứ Taicera (7.300 đồng); SBT của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (10.500 đồng)… Trên sàn niêm yết, khoảng 10 doanh nghiệp FDI có cổ phiếu đang giao dịch.

Cổ phiếu “họ” FDI rớt giá là do tình hình kinh doanh của hầu hết các công ty này đều thua lỗ, thậm chí ngừng giao dịch. Quý I/2011, Công ty Taya lỗ 15 tỷ đồng, KMR bị HOSE hai lần nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính quý I/2011, CYC tạm ngừng giao dịch… Doanh nghiệp FDI niêm yết còn có thêm những khó khăn khách quan về tính thanh khoản so với các doanh nghiệp trong nước do tỷ lệ cổ phần được cổ đông nước ngoài nắm giữ lớn.

Ông Lê Công Thiện, Giám đốc khối Khách hàng Cá nhân, Công ty cổ phần chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng có ba nguyên nhân cơ bản khiến cổ phiếu FDI không được nhà đầu tư ưa chuộng. Thứ nhất là do tình hình thị trường chứng khoán đi xuống chung, giá của rất nhiều cổ phiếu đều tụt thê thảm.

Thứ hai là những doanh nghiệp FDI chỉ niêm yết một phần nhỏ số lượng cổ phiếu lưu hành, khiến tính thanh khoản bị ảnh hưởng, điều này tác động làm giảm sự hấp dẫn của các cổ phiếu FDI

Nguyên nhân thứ ba là do môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất cao, trong khi đó chi phí sản xuất lại tăng (lương, nhiên liệu…), sản phẩm không phù hợp với thị trường nội địa (CYC)….

Thanh Hoa

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc