Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Trung Quốc trả giá đắt vì khai thác đất hiếm

Nhiều nông dân sống gần khu chứa chất thải của một mỏ khai thác đất hiếm  ở phía bắc Trung Quốc cho biết họ bị rụng răng và bạc tóc. Trong khi đó, xét nghiệm cho thấy, đất và nước trong khu vực này ô nhiễm nặng vì các chất phóng xạ gây ung thư.

Môi trường không thể phục hồi

Trung Quốc là nước cung cấp hơn 95% sản lượng đất hiếm cho thế giới. Hai phần ba trong số này được xử lý tại Bao Đầu, một khu vực giàu khoáng sản nằm kề bên sa mạc Gobi. Đất hiếm là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như iPod đến ti vi màn hình phẳng, ô tô điện. Khi thị trường này phát triển, nhu cầu về đất hiếm tăng lên giúp Trung Quốc thu về một khoản lời không nhỏ.

Đất nông nghiệp ở vùng khai thác đất hiếm không thể phục hồi.


Các nhóm bảo vệ môi trường từ lâu đã chỉ trích việc khai thác đất hiếm vì nó thải các hóa chất độc hại cũng như các chất phóng xạ thorium và uranium vào không khí, nước và đất. Các chất này có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh cho cả người và động vật. Dù từ giữa năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt dần việc khai thác đất hiếm, áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn và thực thi một số dự án làm sạch môi trường, nhưng để giải quyết hậu quả tích lũy từ hàng chục năm trước đó, cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa.

Tại Dalahai, ngôi làng nhỏ nằm ngay bên cạnh khu chứa chất thải đất hiếm của Tập đoàn Baogang (nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Trung Quốc), khá nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Những cơn gió mạnh thổi qua khu chứa hàng triệu tấn chất thải, cuốn theo chất phóng xạ và hóa chất độc hại sang các khu vực xung quanh. Nghiên cứu do cơ quan môi trường địa phương thực hiện năm 2006 cho thấy, mức thorium, phụ phẩm của quá trình xử lý đất hiếm trong đất ở làng Dalahai cao gấp 36 lần so với các khu vực khác của Bao Đầu. Trong 12 năm, từ 1993 – 2005, đã có 66 ca tử vong do ung thư tại đây, trong khi sản lượng nông nghiệp giảm mạnh.

Nông dân ở Dalahai được đền bù khoảng 60.000 nhân dân tệ cho mỗi mẫu đất (tương đương với 9.200 đô la/mẫu; Mẫu Trung Quốc = 0,067ha) để tái định cư ở một làng mới cách đó 4km. Tuy nhiên, ở đó, họ sẽ không có đất để canh tác.

Wang Guozhen, cựu phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Kim loại màu, một cơ quan có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc cho rằng, những tổn thất về môi trường do việc khai thác đất hiếm tại Trung Quốc là không thể phục hồi và tiền thu được từ bán đất hiếm không đủ để giải quyết vấn đề này.

Malaysia rút kinh nghiệm

Cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã quyết định sẽ mời các chuyên gia quốc tế tham gia đánh giá tác động môi trường của dự án tinh chế đất hiếm mà Tập đoàn Lynas Corp. Ltd (Australia) đang tiến hành ở đây. Quyết định này xuất phát từ nỗi lo ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ hàm lượng thấp mà nhiều nước sản xuất đất hiếm, trong đó có Trung Quốc đã phải đối mặt. Vào năm 1992, Malaysia đã phải đóng cửa khu tinh chế đất hiếm cuối cùng của mình, do phản đối dữ dội của người dân, với cáo buộc nó làm tăng tỷ lệ quái thai và bệnh máu trắng ở những khu dân cư lân cận.

Hương Tiên

Theo bee

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc