Home » Xã hội » Nghi án“lén lút giải phẫu để ăn cắp nội tạng”

Mấy ngày qua, dư luận rất xôn xao trước nghi án y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lén lút mổ trộm tử thi của một nạn nhân bị tai nạn giao thông, thậm chí lực lượng chức năng còn bị người nhà nạn nhân “phong toả” kín bên ngoài phòng pháp y tử thi vì lo “bị mất cắp nội tạng”…

9 người 10 ý

Khoảng 21h30 ngày 10/5/2011, anh V.X.H (SN 1978, ngụ xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) khi đang điều khiển xe máy trên dốc Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì va chạm với một ô tô chở sắt mang BKS quân đội khiến anh H tử vong tại chỗ. Sau đó, thi thể nạn nhân được đưa vào nhà xác Bệnh viện Việt Đức.

Hàng chục người nhà bênh nhân vây quanh nhà xác bệnh viện Việt Đức

Đến sáng ngày 11/5, khi thấy các bác sỹ thuộc Khoa giải phẫu bệnh Pháp y của Bệnh viện Việt Đức mổ tử thi nạn nhân, người nhà anh cho rằng các bác sỹ đã “lén lút mổ tử thi mà không có sự đồng ý của gia đình”. Nhiều nghi vấn được đặt ra: Liệu có phải các bác sĩ đang làm chuyện gì mờ ám? Ai dám khẳng định nội tạng của anh H còn nguyên vẹn sau khi khám nghiệm tử thi, biết đâu sẽ bị lấy mất để đem bán?… Từ những nghi vấn được lan truyền đó, rất đông người nhà anh H đã “phong toả”, không cho bất kỳ ai ra khỏi phòng khám nghiệm tử thi.

“Đến sáng ngày 11/5, sau khi tiến hành làm các thủ tục với công an quận Hai Bà Trưng, bệnh viện và cả bên gây ra vụ tai nạn, gia đình chúng tôi đã thống nhất xin cháu về để được chôn cất mà không cần động dao kéo để khám nghiệm”, bà Nguyễn Thị Nhở, bác ruột nạn nhân kể lại.

Ông Đỗ Danh Phượng, cậu ruột của nạn nhân cho biết thêm: “Để đưa cháu về quê, gia đình tôi đã xin bệnh viện cho vào tắm rửa nhưng các nhân viên của bệnh viện nói việc đó không cần người nhà làm mà nhân viên y tế của bệnh viện làm cho. Tôi thấy việc làm của các nhân viên y tế lén lút nên xông vào thì bị đẩy ra. Khi gia đình tôi nhìn qua các ô cửa thoáng gió trên cao thì tá hỏa thấy 4 người mặc quần áo bác sỹ của bệnh viện đang mổ lồng ngực của tử thi, khi thấy chúng tôi ngó vào xem thì có một trong bốn người đã cầm khăn ra che ô cửa không cho nhìn. Quá bức xúc, gia đình chúng tôi đã đạp cửa xông vào và yêu cầu lãnh đạo bệnh viện, công an đến can thiệp”.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hồng, bố đẻ của nạn nhân lại đưa ra thông tin hoàn toàn trái chiều. Ông cho biết, trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông đã đồng ý để bên pháp y tiến hành mổ tử thi ở một vài điểm (ít nhất có thể), để tìm ra nguyên nhân tử vong.

Không có chuyện khuất tất

Trả lời câu hỏi nghi vấn về việc mổ lén tử thi để lấy nội tạng, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phân tích: “Nạn nhân tử nạn từ 21h30 tối hôm trước, gần 12 tiếng đồng hồ sau mới mổ tử thi. Như vậy thì nội tạng của nạn nhân không thể sử dụng được cho việc ghép tạng. Điều này, nếu ai làm ngành y đều có thể hiểu được. Chúng tôi tiến hành mổ tử thi là theo quyết định trưng cầu pháp y của cơ quan công an”.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, phóng viênNguoiduatin.vnđã tìm đến công an quận Hai Bà Trưng để gặp ông Nguyễn Kiên Công, điều tra viên trực tiếp thụ lý điều tra vụ tai nạn nêu trên. Tại đây, ông Công đã cung cấp cho phóng viên Biên bản giải thích cho gia đình nạn nhân về việc cần thiết phải mổ tử thi. Biên bản thể hiện, lúc đầu ông Vũ Xuân Hồng, bố đẻ của nạn nhân có đề nghị không mổ tử thi để pháp y. Tuy nhiên, sau khi nghe bác sĩ pháp y nói “nếu không mổ tử thi thì không thể tìm ra nguyên nhân tử vong được” thì ông Hồng yêu cầu “mổ chỗ cần thiết” (ít nhất có thể). Biên bản được lập có đầy đủ chữ ký của điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ CSGT quận Hai Bà Trưng, giám định viên pháp y Bệnh viện Việt Đức, bố đẻ nạn nhân, đại diện cơ quan quân đội liên quan đến vụ tai nạn và cán bộ cơ quan điều tra là người lập biên bản.

Biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng và người nhà nạn nhân

Ông Công giải thích: “Việc tìm ra nguyên nhân cái chết của anh H có liên quan chặt chẽ đến quá trình giải quyết những sự việc về sau như bồi thường, có truy tố trách nhiệm hình sự hay không. Bác sĩ pháp y cũng khẳng định, không mổ tử thi thì không thể xác định được nguyên nhân tử vong. Hơn nữa, vụ việc này về sau sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra quân đội thụ lý. Nếu không đầy đủ chứng cứ thì có thể họ sẽ không chấp nhận việc bàn giao. Do đó, để tránh những kiện cáo và rắc rối sau này, thậm chí cả việc phải khai quật tử thi để giải phẫu lại nên chúng tôi phải thực hiện biện pháp mổ tử thi. Việc này đã được thủ trưởng cơ quan điều tra phê duyệt, chứ chúng tôi không hề làm sai quy định”.

Ông Công cho biết thêm: “Về lương tâm thì thực ra chẳng ai muốn làm như vậy, nhưng tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra sau này, chúng tôi buộc phải mổ tử thi. Chính ông Hồng là bố đẻ nạn nhân cũng đã từng nhiều năm làm cảnh sát hình sự của công an Hải Phòng nên khi chúng tôi giải thích thì ông hiểu ngay và đồng ý cho mổ tử thi ở mức ít nhất có thể, để xác định nguyên nhân tử vong. Chỉ có điều, khi đó người thân của nạn nhân H có mặt ở bệnh viện rất đông, nhiều người không đồng ý cho mổ tử thi, tình cảnh lúc đó rất rối loạn, nhưng ông Hồng nói “tôi đẻ ra nó, tôi sẽ quyết định, nếu phải mổ, mong các anh mổ chỗ cần thiết có thể”. Và trên thực tế, bên pháp y chỉ xem xét phần ngực nạn nhân, chứ không đụng chạm đến các bộ phận khác”.

Cơ quan điều tra đã làm hết trách nhiệm?

Luật sư Nguyễn Văn Nghi – Giám đốc Công ty
TNHH Luật Hoàng Cầu (Hà Nội):

“Theo luật, đã là phục vụ cho công tác điều tra vụ án thì vấn đề không phải là gia đình nạn nhân muốn hay không muốn (trừ trường hợp khai quật tử thi). Khi cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định pháp y, nếu thấy bắt buộc phải mổ tử thi để tìm chính xác nguyên nhân tử vong và xác định trách nhiệm sau này thì không ai được phép cản trở. Bởi lẽ nếu không làm hết trách nhiệm, đúng quy trình, thủ tục, giả sử sau này phải giải quyết oan sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm?…”.

Trao đổi với phóng viênNguoiduatin.vnmột tiến sĩ luật từng công tác nhiều năm trong ngành điều tra quân đội cho biết: Thông thường, nếu chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn giao thông bình thường, phía cơ quan cảnh sát giao thông trưng cầu giám định pháp y tử thi thì phải coi trọng ý kiến của gia đình nạn nhân, nếu gia đình nạn nhân không đồng ý giải phẫu tử thi thì sẽ được chấp nhận.

Tuy nhiên, có những trường hợp, nếu cơ quan điều tra nghi ngờ vụ tai nạn giao thông đó có dấu hiệu của một vụ án hình sự như tạo hiện trường giả tai nạn giao thông hoặc nạn nhân chết trước khi vụ tai nạn giao thông xảy ra… thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định pháp y tử thi. “Nếu đã là phục vụ điều tra cho một vụ án hình sự thì thủ trưởng cơ quan điều tra có quyền quyết định có tiến hành pháp y tử thi hay không”, vị tiến sĩ này giải thích.

Đồng tình với quan điểm trên, một giảng viên khoa Luật Hình sự – Đại học Luật Hà Nội nhận định, trong vụ việc mổ tử thi nêu trên, cơ quan điều tra đã làm đúng trình tự thủ tục khi tiến hành khám nghiệm tử thi. Nếu đã là một vụ án hình sự, buộc cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y. Trong biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng giải thích cho gia đình nạn nhân H cũng đã ghi rõ, bác sĩ pháp y nói “nếu không mổ tử thi thì không thể tìm ra nguyên nhân”, vì vậy mà cơ quan điều tra quyết định tiến hành mổ tử thi. Như vậy, cơ quan chức năng đã làm đúng luật.

Cơ quan điều tra công an quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện đơn vị này đang củng cố hồ sơ ban đầu để bàn giao cho cơ quan điều tra quân đội, tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

theo nguoiduatin


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc