Home » Kinh doanh » Giá đôla liên tục rớt do lực bán tăng mạnh
Lượng người mang đôla đi bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ cũng như trong ngân hàng đang tăng lên, khiến tỷ giá liên tục rớt và gần chạm 21.600 đồng ăn một USD vào cuối chiều 1/3.

Sáng 1/3, tỷ giá USD tự do tại Hà Nội và TP HCM không ngừng sụt giảm với tốc độ nhanh. Giá thu mua đôla Mỹ sau khi xuống dưới 21.930 – 22.030 đồng một USD vào hôm qua, đầu ngày hôm nay đã để mất hơn 100 đồng, xuống còn 21.760 đến 21.770 đồng và bán ra dao động 21.850 đồng.

Đến cuối chiều, giá tiếp tục mất trên 100 đồng khi các điểm thu đổi công bố giá thu mua xuống sát 21.600 đồng và bán ra 21.730 đồng.

Trong khi đó, giá đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại chiều 1/3 được niêm yết bán chạm kịch trần 20.875 đồng, nhưng một số doanh nghiệp vẫn phải mua với giá thực tế 21.200 đồng đến 21.300 đồng. Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp nhựa, mức giá này cũng đã giảm hơn 100-200 đồng so với ngày trước đó.

Giá USD tự do hạ nhiệt nhanh. Ảnh: Hoàng Hà

Giá USD giảm nhanh là do lượng người bán USD tăng lên. Chủ một hiệu vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, xác nhận kể từ thời điểm USD mất mốc 22.000 đồng cuối tuần trước, mấy ngày nay giá liên tục sụt giảm với cường độ mạnh. Lượng khách đến bán USD tại cửa hàng chị cũng tăng lên đáng kể: “Vài ba hôm trước cũng đông, nhưng mua bán khá cân bằng. Hôm nay thì khách đến bán USD là chủ yếu”, chị nói.

Một số chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, chợ Bến Thành, quận 1 thì cho biết, mấy nay phần lớn là khách bán USD chứ mua không nhiều. “Người bán đôla không chỉ là khách quen mà còn có cả khách lẻ. Họ thừa vài chục hoặc một hai trăm đôla, thấy giá xuống thấp thì mang đi bán”, anh Thanh, chủ một hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu chia sẻ.

Xu hướng bán USD cũng diễn ra tại các ngân hàng. Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng lớn thừa nhận, sau khi thông tin về việc cơ quan quản lý sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để cắt cơn sốt ngoại tệ được phát đi, lượng khách hàng đến bán USD cho nhà băng có tăng lên rõ rệt, nhiều nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Còn theo Tổng giám đốc của một nhà băng có trụ sở tại TP HCM, những ngày qua bắt đầu diễn ra hiện tượng nhiều khách hàng mang USD đến bán rồi gửi lại đồng Việt Nam vào ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng quan sát sơ lược thì nguồn thu ngoại tệ của các nhà băng trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể trong những ngày gần đây.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, chính Nghị quyết 11về kiềm chế lạm phát của Chính phủ với hàng loạt biện pháp mạnh như giảm tổng cầu, hạ mức tín dụng, giảm cung tiền… đã tác động hiệu quả ngay đến sự hạ nhiệt của tỷ giá. Bởi với tinh thần của nghị quyết, mọi người thừa hiểu cơ quan chức năng sẽ can thiệp mạnh vào thị trường. Do đó, sẽ khó còn “đất trống” cho sự đầu cơ, thu lợi.

Ông Lịch cũng cho rằng, thực chất, ngoại tệ của Việt Nam không thiếu, mà do người có USD thời gian qua cứ kỳ vọng sẽ còn điều chỉnh tỷ giá tăng nên xảy ra hiện tượng găm giữ đầu cơ. Nay sự kỳ vọng đã bị dập tắt nên họ phải bán USD ra thị trường.

“Quy luật thị trường, một khi cung vượt cầu thì giá ắt phải giảm. Thời gian tới, chắc chắn giá sẽ còn xuống thấp và về ngang bằng với mức kịch trần của ngân hàng”, ông Lịch nhận định.

Lệ Chi

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc