Home » Thời nay, Văn hóa » Tuấn ‘Mèo’ với biệt tài khẩu thuật
Bắt chước tiếng mèo rất giỏi, mỗi khi ông “meo, meo”, hàng xóm lại nhắc nhau đậy thức ăn cho kỹ không mèo ăn vụng mất.

Ngoài 50 tuổi, ông Trần Anh Tuấn (Đoàn nghệ thuật Phòng không – Không quân), vẫn còn giữ được sự trẻ trung và hóm hỉnh của một người làm tạp kỹ. Ông cười bảo: “Chỉ vì cái biệt danh Tuấn ‘Mèo’ mà cả đời tôi gắn bó với khẩu thuật”.

Ông kể, từ khi học tiểu học, một lần ông buột miệng kêu “meo, meo” khiến cả lớp nhốn nháo tưởng có con mèo trong lớp. Tìm mãi không thấy, Tuấn mới thừa nhận chính ông đã giả tiếng. Vậy là biệt danh “Mèo” gắn với ông từ đó.

Cũng vì biệt tài này, nhiều hôm Tuấn bị bố đánh đòn vì lỡ miệng giả tiếng mèo khiến những con “tiểu hổ” khác tìm đến nhà kiếm bạn, làm ồn ào khắp xóm. Có hôm Tuấn vừa kêu “meo, meo” mấy tiếng thì nhà hàng xóm đã dặn con đậy thức ăn cẩn thận không mèo ăn vụng.

“Chỉ vì cái biệt danh Tuấn ‘Mèo’ mà cả đời tôi đã gắn bó với khẩu thuật”. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ông kể, trước kia vùng quê Bắc Giang của ông hay diễn cải lương. Tuấn “Mèo” nhớ mãi ông già mù nhưng lại một mình diễn vở “Lưu Bình Dương Lễ” rất hay. Chỉ với một đàn, một trống, ông đã làm hàng trăm người ngồi im lắng nghe. Tuấn mê ông già mù đến nỗi biết ông diễn ở đâu là đi bộ cả chục cây số đến xem.

Tìm cách gặp ông già mù, Tuấn “Mèo” thắc mắc “Tại sao thầy có thể diễn được cả giọng nam và nữ?”, ông bảo rằng “Ai cũng có thanh đới, thanh âm. Nếu đưa hơi lên mũi được thì giọng sẽ thanh”. Nghe được điều ấy, Tuấn mày mò bắt chước và nảy nở tình yêu với hình thức nghệ thuật này.

Không ngại gian khó, bỏ cả học để theo thầy, ban đầu là giả tiếng mèo, rồi tiếng chó sủa, vịt kêu, tàu chạy…, Tuấn đều học hết. Cậu học trò lém lỉnh gần như không bỏ qua một thứ tài nghệ nào của thầy.

Lớn lên, làm lính rađa, đóng quân ở Mộc Châu, rồi ở Pa Háng (Sơn La), hàng ngày nghe tiếng chim kêu, vượn hót, Tuấn “Mèo” lại bắt chước. Huýt thôi không được, Tuấn dùng ngón tay hỗ trợ để có thể “hót” giống nhất. Rồi hàng đêm, để giải sầu cho đồng đội, Tuấn trổ tài văn nghệ bằng cách hát hai giọng nam nữ, rồi giả tiếng chim kêu, tiếng động vật. Tiết mục của ông bao giờ cũng được đón nhận nhiệt tình với những tràng pháo tay giòn giã.

Năm 1972, Tuấn trở về Hà Nội. Từ đây, ông bắt đầu trau dồi khả năng khẩu thuật của mình. Ngoài việc học từ các thầy Dương Minh Đức, Gia Khánh, Tiến Tiến, ai hát gì Tuấn cũng giả giọng. Xuất sắc giành ba giải nhất cho bài hát “Chú Bá Quyền”, Tuấn “Mèo” đã được mời về Đoàn tuyên truyền văn hóa Quân chủng Phòng không. Đến đâu biểu diễn, ông cũng được người dân nhiệt tình đón nhận.

Ông nhớ, có lần đi Tuyên Quang, vở diễn sắp bắt đầu thì mất điện. Hàng trăm khán giả đã bật đèn pin, rọi lên sân khấu để ông biểu diễn. “Tiếng mèo dễ nên bất cứ ai cũng có thể học được. Tôi vì bắt chước tiếng mèo mà có duyên đến với khẩu thuật, đó cũng là cái may mắn”, ông nói.

Từ tiếng mèo kêu, chó sủa, ngựa hí, tàu chạy đến tiếng chim muông, Tuấn “Mèo” đều có thể bắt chước. Ảnh: Hoàng Thùy.

Luyện khẩu thuật không phải dễ dàng. Những người từng học với ông năm xưa có người chịu được một tuần, 10 ngày, nhưng nửa tháng rồi phải bỏ vì nó đòi hỏi hơi cao và sâu. Luyện nhiều cũng làm thanh quản rất đau. Nhưng bằng tình yêu đặc biệt với khẩu thuật, ông Tuấn gắn bó và học rất nhanh. Ngay cả tiếng chim khó nhất như bìm bịp, chích chòe, chào mào, họa mi, khướu… ông vẫn “hót” ngon lành.

“Có nhà bán chim từng mời tôi đến hót mồi cho chim của họ. Khi tôi hót thì các chú chim tưởng đồng loại đã đồng loạt hót theo. Vậy là họ bán được chim”, ông Tuấn kể.

Để “hót” được giống, ngoài kinh nghiệm từ những năm tháng ở chiến trường, Tuấn “Mèo” còn phải tìm hiểu tập tính của từng loài chim. Khi còn trong quân đội ở đoàn quân khu 2, có lần đi biểu diễn cho bà con nghe, Tuấn “Mèo” trổ tài bắt chước tiếng chim kêu. Vì ở ngay trong rừng nên vừa hót được một lúc, một đàn chim ở đâu bay về hót vang.

“Vậy là sau buổi diễn, cả đoàn được bà con cho khoai sắn mang về đơn vị liên hoan”, ông Tuấn thích thú kể.

Hiện nay, ngoài việc biểu diễn cùng Đoàn nghệ thuật Phòng không, ông còn tham gia các chương trình nghệ thuật hay đám cưới. Ở đâu, người ta cũng hào hứng với một Tuấn “Mèo” hóm hỉnh, hoạt bát và có tài bắt chước mọi tiếng chim, vật nuôi. Cách đây hai năm, ông vừa được trao bằng chứng nhận “Kỷ lục Việt Nam” về người có thể bắt chước được nhiều tiếng động vật nhất.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc