Home » Xã hội » ‘TP HCM chủ quan, áp đặt khi nắn đường vành đai’
“UBND TP HCM điều chỉnh phương án tuyến không đúng với phê duyệt của Thủ tướng, áp giá đất sai thời điểm làm lợi cho nhà đầu tư hơn 44,3 triệu USD”, Thanh tra Chính phủ kết luận về dự án vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi.

Theo tố cáo của người dân, quy hoạch dự án được Thủ tướng phê duyệt ngày 12/9/1997, là một đường thẳng qua khu phố 8 phường 2, quận Tân Bình, lộ giới 60 m. Nhưng khi khởi công ngày 9/6/2008, TP HCM lại bẻ cong hướng tuyến này thành 2 nhánh rẽ: một đi vòng đường Bạch Đằng 2 (qua tổ 82 và 89, khu phố 9 phường 2) và tuyến kia là đường Hồng Hà, quận Tân Bình. Mỗi đường rẽ này chỉ có lộ giới 20 m.

Người dân cho rằng TP HCM cố tình “nắn” đường vành đai là sai phạm, tố cáo 3 điểm sai cơ bản của lãnh đạo thành phố. Sau hơn 17 tháng (tháng 8/2009) từ khi người dân bắt đầu phản ánh, đến nay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chính thức về dự án.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đang được giải toả mặt bằng. Ảnh: Kiên Cường
Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi đang được giải tỏa mặt bằng. Ảnh: Kiên Cường

Đầu tiên, với tố cáo về việc tự ý “bẻ cong” đường vành đai, kết quả xác minh của thanh tra: UBND TP HCM ban hành quyết định tháng 7/2005 điều chỉnh dự án thành 2 nhánh là không phù hợp với quy hoạch tiền khả thi trước đó của Thủ tướng (năm 1997). Lý do, theo các văn bản đến tháng 11/2007 chỉ có quy hoạch của Thủ tướng khoảng hơn 10 năm trước đó là đảm bảo tính pháp lý.

“UBND TP HCM không tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế – xã hội của việc điều chỉnh quy hoạch từ 1 tuyến 60m thành 2 nhánh, mỗi nhánh 20m, để cho thấy phương án của Ủy ban có lợi hơn quy hoạch của Thủ tướng đã phê duyệt”, thanh tra nhận xét.

Ngoài ra, quá trình điều chỉnh quy hoạch không thực hiện đúng trình tự, quy định của pháp luật về xây dựng, không lấy ý kiến bộ ngành và người dân, thể hiện sự chủ quan, nóng vội, áp đặt, chưa thật sự lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của công dân. “Trách nhiệm thuộc về UBND TP HCM, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Giao thông vận tải”, kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Nội dung tố cáo thứ hai, người dân cho rằng việc ký hợp đồng BT giữa UBND TP HCM với Công ty GS E&C (Hàn Quốc), đổi 5 khu đất vàng cho nhà đầu tư thuê trong 50 năm để lấy dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, là không minh bạch. Năm khu đất này là: Thảo Điền 1, 2; số 90A Lý Thường Kiệt; khu đất ở đô thị mới Thủ Thiêm; một khu ở phường Long Bình, quận 9.

Sau khi kiểm tra các hồ sơ liên quan, thanh tra khẳng định khi cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án khác, UBND TP HCM không lập danh mục các khu đất trình Hội đồng nhân dân. Việc này trái với quy định của Chính phủ.

Theo thanh tra, UBND TP HCM còn mắc sai phạm trong việc áp giá đất không đúng thời điểm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ví dụ với khu đất 90A Lý Thường Kiệt, thành phố cho thuê từ năm 2008 nhưng thời điểm xác định thuê đất là tháng 11/2005. Do đó nhà đầu tư chỉ phải nộp hơn 37 triệu USD tiền thuê đất. Tuy nhiên vào tháng 7/2009, khi nhà đầu tư lập dự án cao ốc tại địa chỉ này, tổng tiền sử dụng đất tính theo tổng mức đầu tư dự án lên đến hơn 51,6 triệu USD.

Như vậy, số tiền trên cao hơn số tiền nhà đầu tư phải nộp cho thành phố gần 15 triệu USD. Ở 4 khu đất kia cũng có tình trạng chênh lệch giá tương tự. Tính tổng cộng 5 khu đất, số tiền cho thuê đất thiệt hại cho nhà nước lên tới hơn 44,3 triệu USD.

Theo hợp đồng BT, giá trị xây lắp của toàn con đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi gần 172 triệu USD, nhưng do chủ đầu tư lập dự án đầu năm 2005 theo đơn giá tổng hợp, không có chi tiết, không được thẩm định nên không có cơ sở khẳng định tính chính xác giá trị con đường.

“Kiểm tra bảng dự toán xây dựng công trình, trong đó khoản chi phí gián tiếp cho công ty nước ngoài là hơn 138,4 tỷ đồng, nhưng Sở Kế hoạch đầu tư và ban điều phối dự án không giải thích được nội dung này”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh trong văn bản.

Nguyên nhân của những việc này là do khi ký hợp đồng UBND TP HCM và Công ty GS E&C đã cố ý ghép 2 dự án (dự án xây dựng con đường và dự án kinh doanh bất động sản) vào một hợp đồng. Việc ghép 2 dự án trong một hợp đồng là không minh bạch, theo kết luận thanh tra.

Vấn đề cuối cùng người dân muốn được giải thích rõ ràng liên quan đến việc quản lý đất đai. Thanh tra kết luận: công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được coi trọng, quản lý đất đai bị buông lỏng, có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Cố tình né tránh, báo cáo không chính xác trong việc lấy đất công viên Gia Định để làm đường.

Nhiều trường hợp các hộ dân tự ý xây nhà trong vùng quy hoạch không bị xử lý mà còn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở. Từ tháng 9/1997 đến tháng 7/2005, đã có 143 trong số 392 trường hợp nhà nằm trong quy hoạch con đường được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cán bộ, công chức liên quan đến dự án, thuộc UBND TP HCM, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài chính, lãnh đạo tổ đàm phán, lãnh đạo Ban điều phối dự án và UBND các địa phương địa bàn có dự án. Ngoài ra, để thể hiện trách nhiệm của mình, UBND TP HCM cần có thái độ nghiêm túc nhận thiếu sót trước công dân.

Cuối cùng, từ các kết luận trên, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND tiếp tục triển khai dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi vành đai ngoài theo hướng giữ nguyên quy hoạch phương án tuyến theo quyết định tháng 7/2005 của UBND TP HCM (2 nhánh, mỗi nhánh 20m).

Dự án vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi vành đai ngoài bắt đầu từ nút giao thông đường Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) đi qua 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân (quốc lộ 1A). Dự án có tổng chiều dài 13,65 km.

Tháng 9/1997, dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi được Chính phủ phê duyệt tiền khả thi với một đường rộng 60 m. Dự án được thông báo rộng rãi đến người dân. Đến tháng 6/2008, khi khởi công xây dựng, tuyến được chia thành 2 nhánh, mỗi nhánh 20 m. Tháng 8/2009, nhiều người dân gửi khiếu kiện lên Thanh tra Bộ Xây dựng vì cho rằng UBND TP HCM tự ý “bẻ cong” đường vành đai này.

Ngày 12/8/2010, UBND TP HCM khẳng định mình không sai khi điều chỉnh đường vành đai, với luận điểm giải thích: năm 1997, Thủ tướng không trực tiếp phê duyệt tuyến phải chạy qua điểm A – B – C, mà đó là quy hoạch “động”. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đưa đến kết luận lãnh đạo thành phố đã sai.

Thanh Nhật – Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc