Home » Kinh doanh » Doanh nhân sợ Tết
Công việc năm cũ chưa qua đã vội lo kế hoạch kinh doanh năm mới, rồi thưởng cho nhân viên, tiệc tùng gặp gỡ đối tác, bạn bè, việc gia đình… Tết đến, nhiều sếp thấy hoảng vì mọi thứ cứ ùn ùn đổ lên đầu.

Năm nào cũng vậy, dù doanh nghiệp vững vốn và ổn định hay những công ty còn non trẻ, thuộc ngành sản xuất hay dịch vụ… đều có những khó khăn nhất định trước thềm năm mới. Dường như đó đã trở thành quy luật năm, khiến nhiều doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp luôn phải bận bịu hơn mỗi khi Tết về.

Tết đến luôn là thời điểm mà nhiều mặt hàng nhấp nhổm tăng giá, từ đồ dùng gia dụng, thực phẩm đến đồ dùng sản xuất và nguyên – nhiên liệu. Với những doanh nghiệp sản xuất, thời điểm cuối năm không phải khó khăn cho vấn đề tiêu thụ nhưng việc tăng giá luôn là nỗi ám ảnh đầu tiên. Làm sao để duy trì sản xuất trước những cơn “bão giá”? Mức lương và trợ cấp như thế nào để công nhân yên tâm làm việc?…

Với doanh nghiệp mới thành lập thì ngay cả những vấn đề nhỏ như chi phí thuê nhà/xưởng, thanh toán tiền điện, tổ chức tiệc tất niên, tặng quà tết cho nhân viên… cũng trở thành vấn đề thật khó giải quyết.

Và khi Tết đến, những ngày cuối năm, người đứng đầu doanh nghiệp gần như cũng chạy đua với thời gian. Đây là thời điểm họ gần như bận bịu nhất với việc thu hồi công nợ tại những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Tôi từng nghe một vị nữ giám đốc công ty quảng cáo kể rằng chị phải đích thân hẹn và gặp đối tác (vốn là chỗ quen biết) để “nhắc khéo” về thanh toán hợp đồng cho cả năm cũ vừa qua. Cấp dưới của chị không thể gặp được ông khách ấy sau 6 lần hẹn.

Thế nhưng, cũng với lý do cuối năm khát vốn mà chị vẫn phải ngậm ngùi ra về với thái độ xuề xòa của vị khách quen: “Chúng tôi sẽ chuyển khoản trước 1/3, còn làm ăn lâu dài với nhau mà”.

Thưởng tết cho nhân viên cũng trở thành vấn đề đau đầu với các vị lãnh đạo doanh nghiệp mỗi dịp Tết đến. Với những công ty đã ổn định và hoàn thiện về chính sách thì không sao, còn biết bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, doanh thu không ổn định thì hằng năm mức thưởng Tết lại phải “nâng lên đặt xuống”. Vấn đề của người lãnh đạo lúc này là phải cân đối giữa nguồn tài chính doanh nghiệp và quyền lợi của nhân viên. Việc này không đơn giản là lương và thưởng mà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên, hiệu quả lao động, và sự gắn bó của nhân viên trong năm mới.

Ngoài những “đại sự” cho công ty, doanh nhân cuối năm còn phải tất bật với tặng quà tết, chúc tết nhân viên, thăm hỏi, tặng quà công nhân, gặp gỡ tiệc tùng cuối năm với đối tác… Doanh nhân nữ còn vất vả hơn nhiều vì ngoài việc công ty, họ vẫn là vợ, là mẹ, vẫn lo sắm tết cho gia đình, mua quà biếu tết hai bên nội ngoại…

Năm nào cũng vậy, những khó khăn thường niên ấy khiến các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp luôn phải lo lắng, giải quyết, và phải nghỉ Tết muộn.

Cuối năm là thời gian nghỉ ngơi của người dân nhưng lại mang bao nỗi lo cho doanh nhân và doanh nghiệp. Bởi vậy mà một số vị doanh nhân đã tếu táo rằng: “Thấy sợ mỗi khi… xuân về”.

Cao Duy Phong – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Nam Anh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc