Cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng liên tục leo thang khiến nhiều bà nội trợ, thay vì mua rau tại chợ hay siêu thị có xu hướng chuyển sang mua rau bán rong.
Chị Thanh, nhà ở gần ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) cho hay, từ khoảng 2 tháng nay, chị là “tín đồ” của rau bán rong chở trong sọt thồ. Theo chị, mua rau bán rong rẻ hơn lại tiện hơn tại chợ. Ngay cả khi giá rau củ tại các chợ đột ngột tăng cao, những người chở rau rong vào phố vẫn bán với mức giá rẻ hơn khá nhiều.
Có đợt củ cải trắng bán tại các chợ giá đều trên dưới 12.000 đồng một kg thì những hàng rau bán rong chỉ bán khoảng 8.000 đồng. Cà chua bán tại chợ có lúc lên tới 15.000 đồng một kg, thì mua tại hàng rong, giá chỉ bằng hai phần ba, có khi chỉ bằng một nửa. Chị cho biết, những người chở rau củ vào phố bán là nông dân trồng rau tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Đây cũng là nguyên nhân rau củ bán rong thường có mức giá rẻ hơn khá nhiều so với ngoài chợ.
Anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Thượng, Tây Tựu ngày nào cũng bán cà chua, cải bắp tại khu vực chợ Ngã Tư Sở chia sẻ, thường thì sẽ có những mối đến tận ruộng lấy hàng. Tuy nhiên, bán rau tại ruộng sẽ không được giá, vì phần lớn các tiểu thương đến thu mua đều tranh thủ “dìm” giá thấp nhất có thể. Do đó, từ đầu vụ rau đông năm nay, anh Trung bàn với vợ chở rau vào bán tại nội thành. Anh tính toán, ngay cả khi bán rẻ hơn so với mức giá ở chợ, vẫn có lãi so với bán tại ruộng.
![]() |
Rau bán rong hút khách vì giá rẻ. Ảnh minh họa: Thành Chung |
Mấy ngày vừa rồi trời rét đậm đột ngột, các loại rau đều nhích giá khoảng 20% nhưng những hàng rau bán rong kiểu này vẫn giữ giá. Anh Trung cho hay, cà chua do anh bán vẫn có giá 8.000 đồng một kg, trong khi trong chợ đều bán 11.000 đồng một kg; cải bắp được anh bán ra với giá chỉ 4.500 đồng một kg, còn ở chợ có giá dao động khoảng 6.000 đồng đến 7.000 đồng một kg.
Chị Lý ở Thọ Xuân, Đan Phượng bán rau tại một chợ tạm trên đường Hồ Tùng Mậu thì chia sẻ, sáng nào, chị cũng đạp xe 7 km từ nhà đến chợ Sấu Giá ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức để thu mua các loại rau. Đây đều là rau do nông dân quanh xã trồng nên giá bán rất rẻ. Theo chị, mua rau kiểu này vừa an toàn, vừa rẻ vì người trồng để ăn, thừa mới đem bán nên rau không những tươi mà còn sạch, không có hóa chất hay thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.
Chỉ trong quãng thời gian từ 15h đến 19h chiều, ngày nào cũng như ngày nào, chị Lý đều “giải phóng” hết hai sọt rau đầy ụ. Cũng như các sạp rau tại chợ, hàng rau bán rong của chị Lý khá đa dạng, từ cải bắp, rau ngót, cải canh, cải ngồng đến các loại củ, quả như cà rốt, cà chua, su hào, khoai lang, sắn… “Giá sẽ rẻ hơn rau bán tại chợ lẻ khoảng 10- 20%”, chị Lý tự tin nói.
Cô Oanh kinh doanh quán bún chả, bún đậu trên đường Chùa Láng kể trước kia, để tiết kiệm chi phí, sáng nào cô cũng đạp xe cả 6 km đến chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu mua rau, củ về làm hàng. Nhưng từ khi trong ngõ xuất hiện nhiều hàng rau bán rong, cô không còn phải đi chợ xa nữa. Cô chia sẻ, thời điểm này, giá cả các mặt hàng liên tục leo thang, thói quen mua rau bán rong càng trở nên có ích.
Ngoài hai yếu tố “ghi điểm” là giá rẻ và tiện lợi, thì hạn chế lớn nhất của những hàng rau bán rong chính là sự kém phong phú về mặt hàng. Với hai sọt nhỏ, những người bán rau rong thường chỉ bán một mặt hàng, hoặc các loại rau như cải bắp, su hào, hoặc các loại củ, quả như cà chua, củ cải… Vẫn có những hàng bán đầy đủ các loại rau như trường hợp chị Lý nói trên, nhưng không phổ biến.
Theo chia sẻ của cô Quỳnh ở Song Phương, Hoài Đức bán rau tại chợ tạm trong khu Nhân Mỹ, Mỹ Đình, bên cạnh những người bán rau rong giá rẻ, vẫn có những người bán rau rau với mức giá khá cao. Đây là những người chuyên thu mua rau tại các chợ đầu mối, dùng quang gánh hoặc sọt thồ chở đến bán tại các cổng chợ, khu dân cư… Nhìn bên ngoài trông họ cũng giống những người bán rau rong khác nhưng giá thì luôn đắt hơn.
“Mua rau của những hàng kiểu này cần cảnh giác vì rau có xuất xứ tại chợ đầu mối, nên chất lượng và độ an toàn vẫn khó kiểm chứng”, cô Quỳnh tiết lộ. Theo cô, cách phân biệt đâu là rau “nhà trồng được” đâu là rau chợ đầu mối khi mua tại những hàng rau bán rong là nhìn vào mã rau.
Dễ phân biệt nhất là các loại củ, quả như su hào, cà chua, cải bắp, củ cải, cà rốt. Theo cô Quỳnh, nếu là rau quê, mã thường không đẹp, củ nhỏ vừa, còn là rau mua tại chợ đầu mối thường bắp cải thì nhỏ, chắc, cà chua đỏ tươi, củ cải trắng, to, cà rốt vàng mượt vì thường là rau Trung Quốc “đội lốt” rau Đà Lạt.
Tuệ Minh
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!