Home » Bí ẩn thế giới, Khoa học » Tranh cãi về nguồn gốc người mắt xanh tại Trung Quốc
Nhiều nhà nhân chủng cho rằng những người mắt xanh ở phía tây bắc Trung Quốc là hậu duệ của một binh đoàn La Mã thất trận, song một số nhà khoa học khác bác bỏ giả thuyết đó.
   Hai người dân trong làng Liqian. Ảnh: powerhousemuseum.com.

Hai người dân trong làng Liqian. Ảnh: powerhousemuseum.com.

Kết quả kiểm tra ADN của người dân trong làng Liqian, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc cho thấy gần hai phần ba số họ là hậu duệ của người châu Âu. Giới khảo cổ cũng phát hiện một công sự theo phong cách La Mã và nhiều bằng chứng khác cho thấy sự hiện diện của người châu Âu trong huyện Vĩnh Xương. Vì thế nhiều nhà khoa học cho rằng dân làng Liqian có nguồn gốc từ đế chế La Mã.

Homer Dubs, một giáo sư lịch sử Trung Quốc của Đại học Oxford tại Anh, là người đầu tiên đưa ra giả thuyết về việc binh đoàn La Mã thất trận chạy tới Trung Quốc để trốn tránh sự truy sát của kẻ thù, Telegraph cho biết. Vào năm 53 trước Công nguyên, tướng Marcus Licinius Crassus dẫn 6.000 quân La Mã tấn công vương quốc Partha (nay thuộc Iran). Cuộc tấn công nằm trong kế hoạch mở rộng lãnh thổ La Mã về phía đông. Tuy nhiên, đội quân La Mã bại trận trong một trận đánh tại vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay và Crassus cùng một con trai bị chặt đầu.

Con trai út của tướng Crassus dẫn tàn quân chạy về phía đông để trốn kẻ thù trong hàng chục năm. Dần dần họ lưu lạc tới rìa sa mạc Gobi của Trung Quốc và bị binh lính bản địa bắt vào năm 36 trước Công nguyên. Sau khi được trả tự do, họ sống tại huyện Vĩnh Xương và lập nên làng Liqian.

Ban Gu, một sử gia Trung Quốc sống trong thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, để lại một tài liệu nói rằng quân đội nhà Hán từng chạm trán với một đội quân lưu vong từ châu Âu. Khi chiến đấu, đội quân lưu vong dùng khiên để che kín đội hình (kể cả phía trên). Đội hình vảy cá – tên gọi của kiểu dàn đội hình này – là chiến thuật chiến đấu đặc trưng của quân đội La Mã.

Một giả thuyết khác cho rằng binh đoàn La Mã chạy tới vùng đất thuộc Uzbekistan ngày nay. Sau đó họ tham gia cuộc chiến chống nhà Hán của người bản xứ và bị bắt vào năm 36 trước Công nguyên. Nhà Hán đày họ tới huyện Vĩnh Xương và nơi họ sống trở thành làng Liqian.

Hình minh họa đội hình vảy cá của quân đội La Mã. Ảnh: blogspot.com.

Hình minh họa đội hình vảy cá của quân đội La Mã. Ảnh: blogspot.com.

Mặc dù vậy, theo Xinhua, nhiều nhà nhân chủng học cho rằng những người dân có ngoại hình giống người châu Âu trong làng Liqian có thể không phải là hậu duệ của binh đoàn La Mã thất trận.

“Huyện Vĩnh Xương nằm trên Con đường tơ lụa. Vì thế rất có khả năng những thương nhân châu Âu tới Vĩnh Xương rồi kết hôn với người bản xứ. Việc ADN của dân làng Liqian giống người châu Âu không có nghĩa là họ được sinh ra bởi người La Mã”, Xinhua dẫn lời giáo sư Yang Gongle, một nhà nhân chủng của Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Giáo sư Yang nói thêm rằng làng Liqian được thành lập vào năm 104 sau Công nguyên, trong khi các giả thuyết về binh đoàn La Mã mất tích đều cho rằng họ tới Trung Quốc sau thời điểm đó tới hơn nửa thế kỷ. Ngoài ra, đội hình vảy cá cũng không phải chiến thuật mà chỉ có quân đội La Mã áp dụng.

Xie Xiaodong, một chuyên gia di truyền của Đại học Lan Châu, cũng có quan điểm giống giáo sư Yang.

“Ngay cả khi dân làng Liqian là con cháu của người La Mã thì họ vẫn không chắc những người lính La Mã là tổ tiên của họ”, ông nhận định.

Maurizio Bettini, một nhà nhân chủng học của Đại học Siena tại Italy, cho rằng việc binh lính La Mã lưu lạc tới Trung Quốc chỉ là chuyện cổ tích. Trong một buổi trả lời phỏng vấn của báo La Repubblica, ông nói những hiện vật đặc trưng của La Mã – như tiền, trang phục hay vũ khí – mới là bằng chứng đáng tin cậy để chấm dứt tranh cãi.

“Nếu không có những chứng cứ như thế, câu chuyện về binh đoàn mất tích chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng”, ông phát biểu.

Một thực tế nữa là sau khi tướng Crassus thất trận, đế chế La Mã vẫn rất hùng mạnh và đang thống trị một vùng rộng lớn từ châu Phi tới Tây Âu. Để có đủ lực lượng tiến hành các cuộc viễn chinh, giới cầm quyền La Mã chiêu mộ những chiến binh ngoại quốc ngay tại những vùng đất mà họ chiếm được. Vì thế một bộ phận quân đội La Mã có nguồn gốc từ nước ngoài. Nếu tàn quân của tướng Crassus thực sự tới Trung Quốc thì cũng chưa chắc họ là người La Mã chính gốc.

Minh Long

Theo maivoo

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc