Home » Kinh doanh » Thuốc tăng giá bất hợp lý
Theo quy định của Bộ Y tế, muốn tăng – giảm giá thuốc thì bắt buộc phải kê khai lại giá trước. Tuy nhiên, không ít hãng dược tăng giá trước, xin kê khai sau.

Theo các chuyên gia y tế, việc vin vào cớ ngoại tệ lên giá hay dịch bệnh, thiên tai để tăng giá thuốc, “bóp cổ” người bệnh là điều không thể chấp nhận

Cục Quản lý dược Bộ Y tế vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, TP và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh dược phẩm yêu cầu kiểm tra, giám sát thị trường thuốc chữa bệnh để góp phần bình ổn giá mặt hàng này. Đây là động thái can thiệp khẩn của cơ quan đầu ngành y tế khi giá thuốc “té nước theo mưa”, tăng chóng mặt thời gian qua.

Ào ào tăng!

Khu phân phối sỉ dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 – TPHCM những ngày gần đây có khá đông người đến mua thuốc theo toa. Nhiều người cho biết thuốc ở đây vốn rẻ hơn nhà thuốc bệnh viện hay nhà thuốc bán lẻ.

Tuy nhiên, không như trước đây, họ phải trả thêm hơn 10% số tiền cho mỗi toa do giá thuốc tăng. Ông Đào Văn Thinh (quê Khánh Hòa) cho biết: “Hằng tháng, tôi lại vào TPHCM khám viêm gan siêu vi B. Mỗi lần mua thuốc, tôi thường cầm toa tới khu Tô Hiến Thành này. Trước đây, trung bình mỗi lần tôi mua hết 750.000 – 800.000 đồng nhưng lần này phải mất hơn 1 triệu đồng”.

Khảo sát một số nhà thuốc và chợ sỉ thuốc tại TPHCM trong tuần qua, chúng tôi nhận thấy nhiều loại tân dược, đông dược, thuốc nội, thuốc ngoại, kháng sinh, vitamin, biệt dược… đều tăng giá.

Trong đó, có loại đã tăng đến gần 3 lần, như thuốc Tam thất OPC từ 17.000 đồng tăng lên 42.000 đồng. Nga Phụ Khang từ 110.000 đồng nay niêm yết giá 157.000 đồng/hộp; Genteal Collyre từ 59.900 đồng lên 64.000 đồng/lọ; Cipro Floxacin 500 mg 45.000 đồng lên 50.000 đồng/hộp…

Tại Hà Nội, các nhà thuốc ở các phố Hai Bà Trưng, Bạch Mai… cho biết từ đầu tuần đã nhận được thông báo điều chỉnh giá nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng của nhà phân phối.

Trong đó, điều chỉnh mạnh nhất là các loại thuốc Cerebrolysin 10 ml, Cerebrolysin 5 ml, Viatril.S, Tegretol 200 mg hộp, Voltaren…; các thực phẩm chức năng Estromineral, Ceclor 125 mg, Augmentin, Zinnat…

Theo chị Thu Hằng, nhân viên một nhà thuốc trên phố Bạch Mai, điều chỉnh tăng giá đợt này hầu hết là các loại thuốc nhập khẩu. Ngoài một số được điều chỉnh tăng khoảng 5.000 đồng, giá nhiều loại thuốc nhập khẩu đã tăng phổ biến 10.000 – 30.000 đồng.

“Không hiểu sao giá thuốc cứ ào ào tăng những ngày qua. Trong đó, nhiều loại mới nhập giá còn cao hơn các hiệu thuốc đang bán” – chị Hằng cho biết.

Theo Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh dược VN, trong tháng 10-2010, hàng loạt mặt hàng thuốc đã tăng giá. Tại TPHCM, trong 1.000 mặt hàng tân dược được khảo sát, nhiều loại kháng sinh, hạ sốt, vitamin ngoại nhập đều tăng giá, có loại tới 11,6%.

Còn tại Hà Nội, có 37 lượt mặt hàng thuốc tăng giá với mức trung bình 3,8%. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường dược phẩm trong nước có thể có điều chỉnh tăng giá.

Tăng giá trước, kê khai sau

Theo quy định của Bộ Y tế, muốn tăng – giảm giá thuốc thì bắt buộc phải kê khai lại giá trước. Tuy nhiên, không ít hãng dược tăng giá trước, xin kê khai sau. Ngoài ra, nhiều DN kinh doanh, sản xuất thuốc ghim hàng từ đầu năm, chờ đến thời điểm cuối năm lại tung ra và tăng giá.

Có nhiều lý do để giới kinh doanh, sản xuất đồng loạt đẩy giá thuốc lên cao, trong đó chủ yếu là vin vào cớ giá ngoại tệ (USD, euro) tăng. Thậm chí, có nhiều đơn vị “ăn theo” cả dịch bệnh, lũ lụt. Theo các chuyên gia y tế, đây là điều khó chấp nhận, không thể cứ lợi dụng chuyện ngoại tệ lên giá hay dịch bệnh, thiên tai để “bóp cổ” người bệnh.

Một chuyên gia phân tích: “Thông thường, vào thời điểm cuối năm, các hãng dược trong nước giữ nguyên giá bán và tăng khuyến mãi rất nhiều, thời gian khuyến mãi cũng rất dài nên khó có thể có chuyện tăng giá mạnh. Còn về phía DN nhập khẩu thuốc, tỉ giá USD/VNĐ chỉ tăng vài chục đồng, tính trên giá thành của hàng triệu viên thuốc là không đáng kể. Vì vậy, không thể lợi dụng điều này để tăng giá thành thuốc”.

Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, đang soạn thảo thông tư thay thế quy định cũ theo hướng tăng cường trách nhiệm và siết chặt quản lý giá thuốc.

Một trong những nội dung “siết” này quy định: Cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc nếu không tiến hành kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định, bán thuốc cao hơn giá đã kê khai sẽ bị tạm dừng cấp số đăng ký và dừng tiếp nhận hồ sơ thông tin quảng cáo…

Hạn chế tối đa việc tăng giá

Theo văn bản gửi sở y tế các địa phương nêu trên, Cục Quản lý dược yêu cầu tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc, kê khai, kê khai lại giá thuốc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, đặc biệt đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, tăng giá khi chưa tiến hành kê khai lại theo quy định và chưa được tổ công tác liên ngành xem xét tính hợp lý.

Cục Quản lý dược yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh dược không được tự ý tăng giá, không để gián đoạn việc cung ứng thuốc, đặc biệt đối với loại trúng thầu cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nghiêm cấm DN kinh doanh đầu cơ, tích trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất cầm chừng hoặc không tiến hành sản xuất, gây khan hiếm thuốc giả tạo, đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.

Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo các DN sản xuất, kinh doanh dược phẩm bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhất là các loại thiết yếu, chuyên khoa, đặc trị; hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc. Nếu DN được phép điều chỉnh giá thuốc phải báo cáo để cục công bố kịp thời.

Theo Nguyễn Thạnh-Ngọc Dung

Người Lao động


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc