Home » Khám Phá, Khoa học » Thực vật làm sạch bầu không khí nhiều hơn chúng ta nghĩ.
[TinDaChieu]Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện thực vật đóng một vai trò lớn đến bất ngờ trong việc làm sạch bầu khí quyển.

Vai tro cuc thuc vat

Hệ sinh thái SERVICERS: cây rụng lá trong rừng gỗ cứng được tìm thấy có thể loại bỏ hóa chất độc hại từ khí quyển. (USDA)

Nghiên cứu này, được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR) tại Boulder, Colorado, sử dụng các quan sát, các phương pháp nghiên cứu biểu diễn gene, và mô hình hóa trên máy tính để cho thấy rằng cây rụng lá về mùa thu tiêu thụ các loại hóa chất phổ biến gây ô nhiễm bầu không khí nhiều hơn khoảng một phần ba so với trước đây chúng ta vẫn nghĩ.

Nghiên cứu mới này, kết quả được công bố trên tạp chí Science Express, do Đại học Bắc Colorado (University of Northern Colorado) và Đại học Arizona (University of Arizona) hợp tác thực hiện. Nó còn được hỗ trợ một phần bởi Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), nhà tài trợ của NCAR.

“Thực vật làm sạch bầu không khí của chúng ta với mức độ lớn hơn những gì chúng ta biết”, khoa học gia của NCAR ông Thomas Karl, tác giả chính, cho biết. “Chúng chủ động tiêu thụ một số loại ô nhiễm không khí”.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào một loại hóa chất được gọi là Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi bị ô-xy hóa (oVOCs), nó có thể có tác động lâu dài đối với môi trường và sức khỏe con người.

“Nhóm nghiên cứu đã có những bước tiến đáng kể trong việc tìm hiểu những mối tương quan phức tạp giữa thực vật và khí quyển”, ông Anne-Marie Schmoltner thuộc phòng Khí quyển và Khoa học Vũ trụ của NSF, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu, phát biểu.

Các hợp chất này được hình thành rất nhiều trong khí quyển từ các hydrocarbon và các hoá chất khác được thải ra từ cả hai nguồn tự nhiên – bao gồm thực vật – và các nguồn liên quan đến hoạt động của con người, gồm có xe cộ và vật liệu xây dựng.

Các hợp chất này là mục tiêu nghiên cứu của bộ môn hóa học khí quyển và gây ảnh hưởng đến khí hậu.

Cuối cùng, một số oVOCs phát triển thành các hạt rất nhỏ trong không khí, được gọi là hạt ngưng tụ, có tác động quan trọng lên các đám mây và sức khỏe con người.

Bằng cách đo mức độ oVOC trong một số hệ sinh thái ở Hoa Kỳ và các nước khác, các nhà nghiên cứu xác định rằng cây rụng lá hấp thu các hợp chất với tốc độ nhanh bất ngờ, nhanh hơn bốn lần so với trước đây chúng ta nghĩ.

Sự hấp thụ đặc biệt nhanh chóng trong các khu rừng dày đặc và rõ ràng nhất ở gần ngọn của tán cây rừng, chiếm 97% lượng oVOCs được hấp thụ.

Karl và các đồng nghiệp sau đó lại tìm cách trả lời câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào mà thực vật hấp thụ một lượng lớn các hóa chất này như vậy?

Các nhà khoa học đã chuyển nghiên cứu vào phòng thí nghiệm và tập trung vào cây bạch dương. Loài thực vật này có một lợi thế đáng kể về trình tự sắp xếp hệ gen của nó.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, khi những cây thí nghiệm phải chịu áp lực, hoặc do một vết thương vật lý, hoặc do tiếp xúc với chất kích thích như sự ô nhiễm tầng ôzôn, chúng bắt đầu tăng nhanh sự hấp thụ oVOC.

Đồng thời, những thay đổi được diễn ra ở mức độ biểu diễn của một số loại gen nhất định cho thấy rằng hoạt động trao đổi chất trong các cây dương này đã được nâng cao lên.

Các nhà khoa học kết luận rằng sự hấp thụ oVOC dường như là một phần của một chu trình trao đổi chất lớn hơn.

Thực vật có thể sản xuất các hóa chất để tự bảo vệ mình khỏi những chất kích thích và đẩy lùi những kẻ phá hoại như côn trùng, giống như cơ thể con người có thể làm tăng sự sản sinh tế bào bạch cầu trong máu để chống lại nhiễm trùng.

Nhưng những hóa chất này, nếu sản sinh một lượng đủ lớn nào đó, có thể trở nên độc hại cho chính bản thân chúng.

Để chuyển hóa các hóa chất này, thực vật bắt đầu bằng việc tăng lượng enzim chuyển hóa các chất thành ít độc hại hơn.

Đồng thời, như đã thấy, nó hấp thụ nhiều hợp chất oVOC hơn để các enzim chuyển hóa.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, thực vật thực sự có thể điều chỉnh sự trao đổi chất của chúng và gia tăng sự hấp thụ các hóa chất trong khí quyển nhằm phản ứng với các loại căng thẳng khác nhau”, một đồng tác giả, ông Chhandak Basu thuộc trường Đại học Bắc Colorado, phát biểu.

“Quá trình trao đổi chất phức tạp trong thực vật có tác dụng phụ làm sạch bầu không khí của chúng ta.”

Khi đã hiểu được mức độ thực vật hấp thụ oVOC, nhóm nghiên cứu đưa các thông tin vào một mô hình máy tính để mô phỏng các hóa chất trong bầu khí quyển toàn cầu.

Kết quả cho thấy, ở mức độ toàn cầu, thực vật hấp thục oVOC nhiều hơn 36% so với số liệu trong các nghiên cứu về hóa học khí quyển trước đây.

Ngoài ra, do thực vật trực tiếp loại bỏ các oVOC, ngày càng ít những hợp chất này phát triển thành hạt ngưng tụ.

“Điều này thực sự làm thay đổi nhận thức của chúng ta về một số quy trình cơ bản diễn ra trong bầu khí quyển của chúng ta,” Karl nói.

Dịch từ TheEpochTimes


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc