Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) đã phát hiện thêm 3 loài lưỡng cư mới tại Colombia trong khi tìm kiếm những loài động vật bị coi là tuyệt chủng ở nước này.
Theo BBC, tổ chức CI đã hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tham gia dự án tìm kiếm 100 loài động vật được coi là đã tuyệt chủng ở 19 quốc gia trên thế giới. Trong quá trình tìm kiếm tại các khu rừng của Colombia, CI đã phát hiện thấy 3 loài lưỡng cư hoàn toàn mới.
Ba loài mới được phát hiện bao gồm một loài ếch ‘tên lửa’ và hai loài cóc. Những loài này đều có kích thước rất nhỏ và rất linh hoạt trong thời gian ban ngày – một đặc điểm hiếm thấy ở những động vật lưỡng cư.
Trong số 3 loài mới, các nhà khoa học ấn tượng nhất với loài cóc mắt đỏ. Loài động vật này có chiều dài cơ thể khoảng 3-4 cm và thường sống ở những khu vực có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy một loài cóc có mắt đỏ như vây. Đặc điểm này rất hiếm thấy ở động vật lưỡng cư”, tiến sĩ Robin Moore, thuộc tổ chức CI, cho biết. “Những loài cóc mới được phát hiện này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về điểm đặc biệt này ở loài lưỡng cư”.
Loài cóc còn lại có kích thước rất nhỏ khoảng 2cm và đầu nhọn như mỏ chim. Loài cóc này không có giai đoạn nòng nọc. Thay vào đó, những con sau khi nở từ trứng thường sống dưới các lá cây rụng xuống đất.
Trong những năm gần đây, rất nhiều loài lưỡng cư mới được phát hiện tại các khu vực nhiệt đới. Tuy nhiên, rất nhiều loài động vật lưỡng cư đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Trong danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng mới nhất được Liên Hợp Quốc công bố vào tháng trước, động vật lưỡng cư chiếm 41%.
Hà Hương
Theo tin247
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!