Home » Kinh doanh » Vì sao “tuổi thọ” của các đại lý bảo hiểm lại quá ngắn?
Theo thống kê, có đến khoảng 80% đại lý bảo hiểm đóng cửa trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ tại Việt Nam cho đến nay luôn luôn có nhu cầu tuyển dụng đại lý mới để phát triển kinh doanh và thay thế các đại lý nghỉ việc.

Tại sao một thị trường bảo hiểm đầy tiềm năng như Việt Nam và nghề bảo hiểm cũng được nói là đang ăn nên làm ra nhưng vòng đời của các đại lý bảo hiểm lại ngắn đến như vậy?

Thực trạng đáng buồn

Sau gần 11 năm mở cửa thị trường bảo hiểm nhân thọ, hàng trăm ngàn đại lý bảo hiểm được tuyển dụng nhưng hoạt động chưa đầy 12 tháng đã phải nghỉ việc. Hiện tại, việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm trở nên vô cùng khó khăn không chỉ đối với các công ty bảo hiểm mới vào VN mà ngay đến các “cổ thụ” trong làng bảo hiểm như Prudential, AIA Việt Nam cũng thấy “khó như…tuyển đại lý bảo hiểm”.

Theo số liệu thống kê, số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2010 là 46.185 người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential, AIA Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các đại lý thật không dễ dàng gì.

Theo cách chấm điểm về mức độ duy trì đại lý (trong 4 năm) của nghiên cứu LIMRA (thuộc Tổ chức nghiên cứu quốc tế LL Global) đã cho kết quả mức độ duy trì của Việt Nam là dưới 10%, có nghĩa là nếu có 100 đại lý vào năm 2005 thì chỉ còn chưa đầy 10 đại lý còn tiếp tục làm việc trong 4 năm tiếp theo. Chính vì thế, việc duy trì đại lý là yếu tố sống còn, bởi chi phí đào tạo một đại lý tại Mỹ là 125.000 USD trong vòng 4 năm và không phải đến năm thứ 4 DN bảo hiểm đã thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư này.

Ở Việt Nam, rất nhiều đại lý bảo hiểm được mở ra nhưng trong vòng 3 – 6 tháng liên tục không bán được một hợp đồng bảo hiểm. Tình trạng này xảy ra, công ty bảo hiểm buộc phải chấm dứt hợp đồng đại lý. Và hầu như có rất ít đại lý như vậy phản đối việc chấm dứt hợp đồng, vì bản thân họ cũng không thực sự có hay còn hứng thú với nghề nghiệp này nữa.

Càng nhiều đại lý bảo hiểm nghỉ việc thì tổn thất kinh phí và công sức đào tạo của các công ty bảo hiểm dù doanh thu có lớn cũng khó mà bù lỗ.

Lý giải căn nguyên

Lãnh đạo của các công ty bảo hiểm đều nhận thấy mấu chốt của vấn đề “chảy máu” đại lý bảo hiểm, nhưng vẫn chưa thể tìm được đáp án thỏa đáng để giải quyết vấn đề này.

Ở những nước phát triển, đại lý bảo hiểm thường phải làm việc toàn thời gian chứ không như ở Việt Nam – số lượng đại lý bán thời gian chiếm trên 90%. Làm việc toàn thời gian, nhân viên tư vấn bảo hiểm vì thế được ký hợp đồng lao động và được hưởng lương cơ bản theo mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, về bản chất, thu nhập chủ yếu của họ vẫn đến từ hoa hồng bán bảo hiểm nhưng có lương cứng, họ được bảo đảm phần nào về thu nhập để tiếp tục công việc. Trong khi đó, ở VN, nhân viên tư vấn bảo hiểm là người tạo ra doanh thu chính cho các đại lý nhưng không có lương cố định, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội từ công ty…, ngoài tiền hoa hồng khi bán được bảo hiểm. Do đó, dẫn đến tình trạng “nhảy việc”, chuyển việc trong ngành này đến mức báo động.

Theo bà Jennifer Berlin, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu quốc tế LL Global cho biết rằng việc tuyển dụng là quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là việc phải duy trì được đội ngũ đại lý. Có nhiều DN chỉ biết tuyển dụng mà không lựa chọn một cách cẩn thận nên tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận mà họ thu về trên số lượng đại lý là rất thấp. Ví dụ, theo thống kê tại thị trường bảo hiểm Trung Quốc, 64% số đại lý bắt đầu hoạt động từ năm 2008 đã bị thôi việc do không đủ chỉ tiêu doanh thu. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở Việt Nam, việc đào tạo đại lý bảo hiểm vẫn có tình trạng mang tính hình thức, đối phó, không đủ thời lượng như quy định, DN thay đổi, hủy lịch đào tạo, thi đại lý bảo hiểm nhưng không báo cáo, thi hộ, sửa bài thi học viên…

Ở một số nước, nghề tư vấn bảo hiểm quan trọng như nghề tư vấn đầu tư chứng khoán, tức là phải trải qua quá trình đào tạo, thi tuyển rất phức tạp để tư vấn lập kế hoạch tài chính cho khách hàng, thay vì chỉ tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm. Nhưng ở VN thì khâu tuyển dụng và đào tạo tư vấn viên chưa được chú trọng thích đáng.

Mỗi năm các doanh nghiệp bảo hiểm cho “ra lò” hàng vạn đại lý bảo hiểm. Tại điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ; Có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cấp được phép hoạt động đại lý bảo hiểm.

Yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm thấp, thời gian đào tạo ngắn, việc cấp bằng đơn giản khiến chất lượng đại lý vì thế không tương xứng với số lượng. Cơ chế mở và thoáng nhưng đối lập với nó là tình trạng cạnh tranh gay gắt khiến cho nhiều đại lý không chịu nổi sức cạnh tranh, buộc phải đóng cửa…

Chính vì những bất cập trên mà các công ty bảo hiểm dù cũ hay mới vẫn luôn phải đối mặt với câu chuyện: tuyển dụng, đào tạo rồi lại tiếp tục… tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đại lý.

Theo Stockbiz

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc