Home » Kinh doanh » Phát triển bền vững: Góc nhìn mới từ Thái Lan!
Phát triển bền vững là gì và tầm quan trọng? Có khó để một công ty vừa kinh doanh vừa phát triển bền vững không? Phát triển bền vững liệu có phải là gánh nặng cho DN? Phát triển bền vững nên thực hiện ở quy mô nào, ai sẽ tham gia?…

Toàn cảnh hội nghị phát triển bên vững Thái Lan 2010. Ảnh: Bảo Giang

Đây là những câu hỏi được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị “Phát triển bền vững Thái Lan 2010” do tập đoàn SCG tổ chức vừa khai mạc sáng nay (19/10/2010) tại Bangkok Thái Lan.

Phát triển bền vững: Yêu cầu bắt buộc!

Khái niệm “phát triển bền vững” được giới thiệu lần đầu tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về “Môi trường sống của con người” ở Stockholm, Thụy Điển vào năm 1972 để khuyến khích các quốc gia phải nhận thức được việc tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hội nghị chuyên đề của Liện hiệp Quốc đã tạo ra sự quan tâm rất lớn về môi trường ở cấp quốc tế, dẫn đến việc thành lập các cơ quan liên quan ở nhiều nước, bao gồm Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Ủy ban môi trường và phát triển thế giới.

Từ năm 1992, sau khi tham dự hội nghị của LHQ về môi trường và sự phát triển bền vững (UNCED) tại Rio De Janeiro, Brazil, Thái Lan đã áp dụng khái niệm này để phát triển đất nước và công bố rằng tất cả các bên liên quan, bao gồm những cá nhân thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, chính phủ tư nhân, các phương tiện truyền thông và cộng đồng phải đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trong mọi lĩnh vực như kinh tế, xã hội và môi trường theo nguyên tắc quản trị chặt chẽ.

Phát biểu tại hội thảo ngài Korn Chatikavanit, Bộ trưởng tài chính – Đại diện của Thủ tướng chính phủ Thái Lan, khẳng định, hiện nay phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc với nhiều tập đoàn doanh nghiệp. Với Thái Lan, bài học từ ô nhiễm của BP tại Bắc Mỹ với thiệt hại môi trường lên đến đơn vị tỉ USD vẫn còn nóng hổi. Mặt khác, xu hướng mở cửa thị trường, cạnh tranh giữa các DN trong quy mô toàn cầu ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư ngày càng rộng mở tại nhiều địa chỉ khác nhau trên thế giới. Do vậy, yêu cầu đặt ra là chọn lọc các dự án đầu tư nào có lợi cho đất nước, duy trì ổn định xã hội và bảo vệ môi trường chính là thực hiện phát triển bền vững.

Cần xây dựng chỉ số tổng hạnh phúc xã hội”

Ngài Lyonpo Dr.Kinzang Dorji, nguyên Thủ tướng Chính phủ và đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Bhutan đã gây bất ngờ cho toàn hội nghị khi giới thiệu phương pháp phát triển bền vững của Bhutan thông qua việc hình thành chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Hapiness – GNS).

Theo ngài Lyonpo, chính sách phát triển của Bhutan lấy người dân làm trọng tâm. Bên cạnh đó, Bhutan luôn chú trọng giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm môi trường hoạt động tốt, dân chúng sống hạnh phúc. Mặt khác, trong khi các quốc gia đều lo lắng về cảnh báo ảnh hưởng biến đổi khí hậu thì ngược lại, Bhutan lại rất “bình thản”. “Không phải vì chúng tôi không sợ, mà điều chính là chúng tôi đã triển khai các chương trình hiện thực hóa mối lo này từ hơn 1 thập kỷ vừa qua”, ngài Lyonpo nói. Cụ thể, Bhutan đặt ra chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” và chú trọng thực thi. Bhutan quan niệm phát triển kinh tế phải giúp con người trở nên hạnh phúc, phải chú trọng phát triển bền vững và quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Trước khi Chính phủ phê duyệt bất cứ dự án nào thì câu hỏi luôn đặt ra là tăng trưởng kinh tế làm sao giữ ổn định môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, bảo đảm đa dạng sinh học. Bảo đảm mỗi cá nhân phát triển bền vững, chính là duy trì phát triển bền vững.

Trả lời câu hỏi về GNS, ngài Lyonpo Dr.Kinzang Dorji cho biết, GNS được xây dựng từ 72 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí cơ bản gồm: bảo vệ môi trường; duy trì văn hóa; kinh tế xã hội phát triển ổn định; quản trị nhà nước tốt; tập trung phát triển hài hòa văn hóa- xã hội-kinh tế; bảo đảm sức khỏe; hội nhập sinh thái, bảo vệ môi trường…. Ở khía cạnh DN, đảm bảo cuộc sống ổn định vật chất, tinh thần cho người lao động cũng là yếu tố cơ bản xây dựng chỉ số GNS. Chỉ số này được tổng hợp từ các nguồn xây dựng tổng hợp từ các cơ quan trên khắp đất nước song hành cùng các chỉ tiêu đánh giá như GDP, thậm chí Bhutan còn đưa ra quy định bất cứ dự án đầu tư nào nếu không đáp ứng các yêu cầu GNS sẽ không được cấp phép. “Chúng tôi hiểu rằng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, phải bảo tồn tài nguyên, tính toán sử dụng hợp lý sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nói cách khác, không có “công thức” cho phát triển bền vững, chỉ cần hiểu đơn thuần là phải duy trì sự phát triển cân đối kinh tế với đời sống và không xâm hại môi trường. “Muốn thực hiện, đòi hỏi phải có sự đồng thuận và tham gia của mọi thành phần xã hội từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân”, ngài Lyonpo Dr.Kinzang Dorji chia sẻ.

Hướng đi nào cho phát triển bền vững!

Bên cạnh việc xây dựng chỉ số đánh giá, GS Somporn Kamolsiripichaiporn, Giám đốc Trung tâm quản lý môi trường và chất thải độc hại cho rằng, một trong những hướng đi hiệu quả thực hiện phát triển bền vững chính là đổi mới công nghệ. Thái Lan đã áp dụng khoa học và công nghệ cho sự phát triển bền vững. Một minh chứng rõ ràng nhất là Chính phủ đã khuyến khích các công ty tư nhân phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học, nhiên liệu thay thế và hoàn toàn không chất thải

Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường từ Nhật Bản, TS Jullapong Thaveesri, Tham tán Văn phòng Vụ công nghiệp Đại sứ quán hoàng gia Thái Lan tại Nhật Bản cho rằng, phát triển bển vững đòi hỏi sự quán triệt và thực thi của toàn bộ người dân cho đến mọi tầng lớp trong xã hội. Chìa khóa của sự thành công chính là sự hợp tác của tất cả các bên liên quan thông qua một thỏa thuận chung giữa các DN, chính quyền địa phương và cộng đồng để đặt ra những quy định chặt chẽ thích hợp cho mỗi bên. Trong trường hợp này, các tổ chức phi chính phủ sẽ hoạt động như một trung gian giữa các cơ quan Chính phủ với DN tư nhân bằng các tạo diễn đàn thảo luận và thiết lập một mạng lưới chia sẻ ý kiến với các cộng đồng khác tạo cơ quan giám sát một cách hữu hiệu các tiêu chuẩn thực thi về môi trường.

Cũng nhân dịp này, SCG chính thức công bố tập đoàn SCG đạt chứng chỉ Vàng về chỉ số bền vững Dow Jones DJSI, đứng đầu thế giới năm 2010 trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Dow Jones DJSI là chỉ số dựa trên sự theo dõi các hoạt động tài chính của những công ty hàng đầu thế giới theo định hướng bền vững. Các chỉ số được các quỹ toàn cầu sử dụng làm tiêu chuẩn để quản lý danh mục đầu tư vì các công ty được xếp hạng cao trong DJSI luôn mang lại nguồn thu nhập tốt và bền vững cho các nhà đầu tư.

SCG (quốc tịch Thái Lan) là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn hoạt động đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi-măng, vật liệu xây dựng và phân phối. SCG hiện có hơn 100 công ty với 30.000 nhân viên. Đặc biệt, tập đoàn chú trọng đến việc không ngừng cải tiến nhằm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai của người tiêu dùng.

SCG đã bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và hiện có 9 công ty với tổng giá trị tài sản hơn 270 triệu USD, doanh thu 400 triệu USD với hơn 800 nhân viên Việt Nam. Dự án Công ty Vina Kraft Paper là một trong các dự án quan trọng nhất khánh thành hồi đầu năm 2010.

Bảo Giang

Theo Baodautu

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc