Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Năm ngày trở về thời kỳ đồ đá
Chỉ mấy mét vuông, hàng chục con người nằm ngổn ngang. 70 tuổi, cái chân ông lão sinh tật nằm một chỗ, quặt quẹo. Trên chiếc chiếu rách, tấp lên cái chăn màu đất khai nồng, lác đác mùi phân bò bị dậm toe toét bốc hơi khi nắng le lói len qua tấm bạt… Ảm ảnh về những ngày lánh lũ lụt trong hang đối với người dân Tân Hóa (Minh Hóa-Quảng Bình) – Họ gọi đó là những ngày thời kỳ đồ đá tái hiện…

Ăn hết một con… trâu chết!

Ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa), ông cán bộ huyện bảo: “Người sống trong hang ở Tân Hóa đã về. Nóc nhà đã lòi. Nước đã rút. Họ sống rồi!”. Nghe vậy thấy mừng lắm!

Chiếc ca nô xé nước theo hướng Tân Hóa. So với một ngày trước, Tân Hóa bây giờ đã rõ mặt. Trụ sở UBND xã chưa thoát hẳn “giặc nước” nhưng có tỏ hình, sáng sủa. Vẫn thấy dọc sườn núi bên nách xã vẫn có bóng dáng của lán trại, người dân đứng chông chênh với những bộ quần áo rách bươm.

Hàng chục người chen chân trên phiến đá rộng chừng 4 mét vuông

Hàng chục người chen chân trên phiến đá rộng chừng 4 mét vuông

Tiếng máy nổ vang rền, bầy gia súc nào bò, lợn, chó… nháo nhác! Vượt qua những dấu chân bò nhòe nhoẹt phân, lán ông Thái Xuân Đào (68 tuổi) ở cách mặt nước chừng hai ba mét. Nơi dựng lán là bãi đá tạm gọi là bằng phẳng, chừng 4 mét vuông.

Ông Đào nằm trên manh chiếu ướt, cuộn chiếc chăn nhung đất bám đầy. Một mùi khai nồng khó chịu thốc thẳng vào mũi. Dác mắt, xung quanh lộn nhộn đủ mọi thứ. Thử tính cũng chừng hàng chục con người nằm, ngồi, nhìn thất thần. “May nhờ có hàng xóm họ chở lên chứ không chết cả rồi. Bà con cố sống kiếp gia súc mà sống thôi…”, ông Đào cho hay.

Thằng bé cháu ông Đào tồng ngồng bơi thuyền đi vớt củi

Thằng bé cháu ông Đào tồng ngồng bơi thuyền đi vớt củi

Nhà ông Đào ở cách nơi đây chừng hai cây số. Đang đêm, nước lũ về nhấn chìm tất cả. Gia đình có 8 người may nhờ những chiếc thuyền độc mộc của dân cứu và chở lên hang. “Chạy đi có chi mô (đâu). Mặc trong người cái chi (gì) là chạy thôi. Nhiều người còn ở trần nữa. Ngày đầu không có chi ăn, dân bầy tui (chúng tôi) sống được là nhờ con trâu chết trôi dạt qua đấy. Làm thịt có tý lửa là ăn thôi. Chứ có chi muối, mắm gì? Giờ thì có mì tôm, lương khô và gạo rồi…”, chỉ vào thùng mì tôm vừa nhận cứu trợ, ông Đào than thở.

Điểm núi mà ông Đào và gia đình tránh lũ là Hang Voi (thuộc thôn Cổ Liêm). Sáng chúng tôi có mặt, mấy người con ông Đào đã về nhà để thu dọn đồ đạc. Riêng ông và mấy đứa cháu nhỏ ở lại lánh nạn. Vì có trở về cũng chẳng có chỗ để ngồi vì nước vẫn ngập đến nửa thân nhà. Ông Đào bảo nơi ông trú ngụ hiện vẫn còn hàng chục người. Số khác cũng đã trở về nhà rồi.

Quay xuống ca nô, đứa cháu nhỏ của ông Đào đánh trần lông nhông trên chiếc thuyền độc mộc. Tay cầm chiếc bát tô nhựa. Phía sau chiếc thuyền mớ củi ướt nhẹp nằm ngổn ngang. Ca nô đi, đứa trẻ ở trần, đen nhẻm…

Thiếu nữ nằm rừng!

Lồm cồm bò xuống từ trên mái nhà cao chừng 4 mét so với mặt nước. Trương Thị Như Hương (học sinh lớp 12 Trường THPT huyện Minh Hóa) rũ rượi trong chiếc quần cộc và chiếc áo thun.

“4 năm ngày ni (nay) em chỉ có một bộ đồ trong người. Ướt lại khô, khô lại ướt. Có chi mà thay mô chú, tất cả đều bị nước nhấn chìm rồi…” – Hương bối rối, cái bối rối của một thiếu nữ mới lớn khi thấy khách lạ chứng kiến mình trong bộ dạng khó coi.

Em Hương trở về từ lèn đá, đồ đạc chẳng còn gì

Em Hương trở về từ lèn đá, đồ đạc chẳng còn gì

Đêm mồng 4/10 lũ tràn về, cũng như những gia đình khác, nước đã nhấn chìm ngôi nhà của gia đình em. Bố đi công tác xa, mẹ đang đau chân nằm một chỗ. Hương và đứa em nhỏ mới học lớp 2 luống cuống chẳng biết làm sao? Ngoài trời mưa xối xả, nước dâng mạnh đập vào tường nhà phát ra tiếng kêu hãi hùng giữa đêm đen. Chẳng kịp mang theo thứ gì, ba mẹ con em được người dân cứu và đưa vào triền hang lánh nạn.

“Tối om. Chẳng có chi, miễn là có chỗ đứng để tránh nước thôi. Em ôm em trai vào lòng, mẹ ngồi cạnh mặt nhăn nhó vì đau. Nước lên đến đâu, người dân lại bám núi nhúc nhích từng bước chân một lên đến đó. Mấy chú khỏe thì bơi vào dòng nước đi kiếm que, lều dựng lán. Đêm ấy, cả mấy con người thức trắng chờ trời sáng…”, nhớ lại giây phút chạy lũ, Hương tâm sự.

Sáng bảnh mắt, trước mặt thiếu nữ là biển nước trắng xóa. Chỉ có một đêm, cả cái xã Tân Hóa biến mất. “Ban đầu chỉ có người thôi. Sau dần dần là trâu, bò, rồi chó cũng được người dân cứu sống đưa lên ở với… người! Người gia súc lẫn lộn. Chỉ có một triền núi nhỏ, trâu bò lợn gà và người sống chung. Ăn chung. Và… “đi ngoài” cũng chung nốt”, Hương ái ngại nói.

Còn ăn thì thế nào? Hương chợt biến sắc khi tôi hỏi! “Làm chi có mà ăn chú ơi! Sống được là tốt rồi. Hơn một ngày ròng rã có chi ăn mô. Em cháu kêu đói nằm chỏng queo. Cả xã có ai có chi mà ăn. Người không có ăn. Trâu bò cũng thế. Đã có con trâu còn chết trước cả người vì uống no nước! May mà…”, Hương trả lời bằng cái giọng như vừa trút được núi đá trên lưng.

Ánh mắt Hương đã nói lên tất cả. Thời kỳ đồ đá – mấy ngày qua- là sự kinh hoàng theo cô suốt cả cuộc đời.

Sáng ngày 8/10, nước đã rút. Căn nhà của gia đình Hương đã lồi lên mặt nước. Trở về căn nhà, ba mẹ con đã lặng đi giữa đống hoang tàn…

Gia tài chỉ còn một cái nồi

Có lẽ hình ảnh bà Trần Thị Hỉ (58 tuổi) ở thôn Cổ Liêm (xã tân Hóa) khiến đoàn công tác chúng tôi xót xa. Mái nhà ngâm nước mấy ngày, ngói đã bị cuốn đi mất, trống hoác trơ đôi chiếc khung gỗ. Cửa vào tan tác, nước vẫn ngập, bà Hỉ vận chiếc áo đen, quần lụa đứng trước nhà tay cầm chiếc nồi méo xệch.

“Có gạo chi mô mà nấu. Mới về thu dọn lại nhà cửa. Nhưng không có chi nữa. Nước cuốn hết cả. Chỉ còn cái nồi này là mắc kẹt trong góc nhà”, nói đoạn bà Hỉ thả chiếc nồi xuống, nước lại đẩy chiếc nồi ra xa. Mặc kệ, bà Hỉ đứng nhìn nước cuốn đi.

Cũng như những người dân khác, bà Hỉ mới về nhà sau khi nước rút để vớt vát chút đồ đạc. Nhưng chẳng còn gì. “3 ngày ở trên núi chỉ được ngủ ngồi thôi. Cứ chợp mắt lại lo nước dâng. Mà người đông thế lấy đâu chỗ ngủ. Có ăn là sống rồi. Tui có 6 người con cũng ở hang đấy. Nó về nhà cả rồi…”, bà Hỉ tâm sự.

Tài sản của bà chỉ còn độc nhất cái nồi

Tài sản của bà chỉ còn độc nhất cái nồi

Nói về những ngày người dân sống ở hang, ông Cao Văn Lục-Chủ tịch UBND xã Tân Hóa vẫn chẳng chút ngạc nhiên. Ông bảo khi lũ về, dân tránh lũ ở trên trạm xá, trường học. Số khác lại vào lánh ở lèn đá bạc (thôn Yên Thọ). Số khác lại đến thôn 5 và thôn Rí Rị.

Tại đây vẫn còn nhiều nhà chưa ngập. “Nhà 3 hộ dân có thể chứa được khoảng 300 người. Một hộ dân ở thôn Rí Rị ít nhất cũng chứa được 50 người. Giờ ở trong hẻm núi chỉ có người già và trẻ con nữa thôi. Họ đã về thu dọn nhà cửa rồi…”, ông Lục nói như chuyện tránh lũ của bà con như đã là “kinh nghiệm”.

Sau lũ hàng loạt trẻ nhỏ ở Tân Hóa bị dịch bệnh

Sau lũ hàng loạt trẻ nhỏ ở Tân Hóa bị dịch bệnh

Nhà nào ở Tân Hóa cũng trổ một chiếc cửa sổ nhỏ ở gần nóc nhà. Hộ nào cũng sắm cho gia đình một chiếc thuyền nhỏ. Cứ như chuyện đối diện với lũ lụt của người dân nơi đây là “cơm bữa”. Nhưng vẫn thấy ám ảnh khi nghe cô thiếu nữ và ông lão nói về những ngày sống ở hang đá?!

Ngày thứ 5 lũ lụt tràn về, Tân Hóa nắng vàng bồng bềnh. Nhiều nóc nhà đã ẩn hiện. Nhưng nước vẫn “cố thủ” bủa vây. Vào Tân Hóa vẫn phải đi xuồng. Đã có bóng người xuất hiện giữa biển nước, quay quắt tìm cách chống chọi với “thủy tinh”. Dẫu thế, sự sống cũng đã hiện rõ. Ở sườn núi, ngách đá dọc các con núi bao quanh xã Tân Hóa, cuộc sống “người rừng” vẫn tồn tại…

(Theo bee.net.vn)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc